Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ

Lam Anh - Hoàng Chiên Thứ tư, ngày 11/08/2021 08:18 AM (GMT+7)
"Mỗi người hãy biết hy sinh các tham vọng ích kỉ của mình một ít, giúp thiên nhiên được bảo tồn và phục hồi cho chúng ta và thế hệ mai sau" - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam chia sẻ với Dân Việt về "những hình ảnh tàn sát thú rừng".
Bình luận 0

Video điều tra Ăn thú rừng, rưng rưng người khóc (kỳ 4): Sự trả giá của "thợ săn" và giọt lệ người ở lại

Các bên hải quan, công an, kiểm lâm phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa

Sau khi theo dõi loạt bài "Kinh hoàng những hình ảnh tàn sát thú rừng" của Báo NTNN/Dân Việt, ông nghĩ gì về nạn săn bắt, buôn bán động, sử dụng vật hoang dã ở nước ta hiện nay?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Tôi có theo dõi và đọc, đặc biệt liên quan đến kỳ 2 trong loạt bài viết nhắc đến việc nuôi nhốt, buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ, ngà voi, cao tê giác ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Họ nuôi nhốt hổ, công an điều tra rồi "cứu hộ", tôi nghĩ mục đích của họ nuôi cũng là để buôn bán. Theo họ nói mua bên Lào về từ bé rồi nuôi cho tới khi lớn, tức là nuôi mấy năm rồi.

Ngoài 17 cá thể hổ tịch thu trong hai nhà dân ở huyện Yên Thành. Ở địa bàn huyện Diễn Châu, Công an cũng phát hiện thu giữ 7 cá thể hổ con và 4 cá thể tê tê, bắt giữ 3 đối tượng. Chỉ trong vài ngày liên tiếp. Rất đau lòng khi nhìn 8 con hổ nặng 2-3 tạ/con cùng chết ngay sau khi được cứu hộ.

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 1.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam. Ảnh: Hoàng Chiên

Hiện 7 cá thể hổ con và các cá thể tê tê đang được chăm sóc ở Vườn Quốc gia Pù Mát như trong bài 1 mà Báo NTNN/Dân Việt phản ánh, tôi các sự giải cứu đó là điều rất đáng mừng cho công tác bảo tồn. Một số cá thể động vật quý hiếm được bảo vệ đặc biệt đó, chắc sẽ sớm được tái thả vào tự nhiên.

Đây mới chỉ là "bề nổi của tảng băng". Trong loạt bài của Báo NTNN/Dân Việt còn rất nhiều câu chuyện phản ánh về thực trạng buôn bán động vật hoang dã nữa mà chưa bị "sờ" đến, suốt hàng trăm cây số đường QL7 mà chúng tôi điều tra…

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Nạn buôn bán động vật hoang dã thực sự là một vấn đề nóng. Việt Nam ta cũng là một trong những điểm thế giới cảnh báo tình trạng buôn bán động vật hoang dã, họ đã có nhiều động thái quan trọng nhằm kiềm chế tình hình.

Việc buôn bán động vật hoang dã từ các nước Lào, Campuchia, Myanmar chuyển sang Việt Nam rồi Việt Nam buôn bán sang các nước khác hoặc tiêu thụ trong nước… cũng dần được xiết chặt.

Chính phủ cũng rất quyết tâm thực hiện điều này, cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều cấm tuyệt đối các hành vi trên.

Theo tôi, để cải thiện tình hình còn khá là phức tạp như loạt bài của Dân Việt đã chỉ ra, thì các lực lượng hải quan, công an, kiểm lâm phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa. Vì tính chất xuyên quốc gia, sự siêu lợi nhuận của loại tội phạm buôn bán "hàng rừng" này.

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 2.

Những hình ảnh khốc liệt tại nhà của kẻ buôn thú rừng ở Tương Dương, Nghệ An do PV Dân Việt điều tra và báo cáo công an, chúng đã làm Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam... sốc.

Tôi lạc quan khi biết người trẻ nỗ lực vì cộng đồng

Còn trong các bài tiếp theo của chùm phóng sự điều tra mà tôi đọc, thấy hình ảnh rất lạc quan liên quan đến nỗ lực cứu động vật, bảo vệ kho báu thiên nhiên miền Tây xứ Nghệ.

Tôi ấn tượng việc anh Nguyễn Văn Thái (Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, người vừa được thế giới vinh danh với giải thưởng lớn nhất thế giới về lĩnh vực môi trường, mệnh danh là "Nobel Xanh"/ Goldman năm 2021).

Chính việc anh Thái và cộng sự đã làm hết mình để bảo vệ loài tê tê quý hiếm. Họ đã phối hợp với VQG Pù Mát, thành lập "Biệt đổi giải cứu thú rừng" rất đáng xúc động và cũng rất hiệu quả. Tôi, ở cương vị Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, lại là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, tôi thấy anh Thái như là hình ảnh đại diện cho giới trẻ Việt Nam ưu tú hiện nay.

Chúng ta cần lan tỏa điều này, để cho thế giới hiểu là: người Việt Nam hiện nay, mặc dù tình trạng xâm hại thú rừng và thiên nhiên nói chung còn khá nóng, song vẫn có nhiều bạn trẻ được đào tạo ở nước ngoài, quyết tâm quay trở về ăn rừng ngủ thác, quyết tâm bảo vệ các loài hoang dã.

Chuyện anh Thái được Giải thưởng Goldman 2021, trị giá hơn 5 tỷ đồng, "cống" tất cả cho bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, không "cất" xu nào cho mình, làm tôi rất xúc động.

Rồi câu chuyện rất xúc động, nhân văn về những người dân sinh sống gần rừng, có kẻ phá rừng, có kẻ bắt bẫy thú và đi ở tù để lại cha mẹ, vợ con nheo nhóc xót xa. Có kẻ buôn bán động vật rừng tinh vi. Và nhiều "sát thủ rừng xanh" đã "quay đầu lại bờ" dùng kiến thức "người ở rừng" của mình ra để cùng các tổ chức quốc tế, chống lâm tặc và những kẻ săn trộm.

Tất cả, đã được loạt bài phản ánh rất chi tiết, sâu sắc. Cảm ơn các nhà báo đã dấn thân, tuyên truyền những mặt tốt, phơi bày những mặt chưa được để chúng ta cùng nhau khắc phục.

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 3.

Một cá thể khỉ nuôi nhốt trái phép ở tỉnh Tuyên Quang, PV Dân Việt đã tố cáo đến các tổ chức bảo tồn và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang. Ngay sau đó Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang đã "giải cứu" cá thể khỉ thả về rừng. Ảnh: Hoàng Chiên

Hãy hành động quyết liệt, đừng "chỉ có nói mà thôi"

Theo GS, tình trạng săn bắt động vật hoang dã như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Bảo vệ động vật hoang dã, đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Đảng và Nhà nước cũng đã nêu rõ, luật pháp quy định, thông tư cũng đề cập kĩ, các bộ ngành đều quán triệt bằng văn bản từ lâu.

Nhưng ý thức chấp hành của người dân còn thiếu. Do đó đã tiếp tay cho việc buôn bán động vật hoang dã, làm suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học. Rất đáng báo động!

Ví dụ, hiện nay hổ ở ngoài tự nhiên Việt Nam nếu có còn thì cũng còn rất ít, voi cũng thế, còn tê giác thì cả thế giới đã tuyên bố đã tuyệt chủng từ năm 2010 rồi. Nhiều loài quý hiếm khác cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 4.

Cần giảm cầu trong xã hội để giảm áp lực lên rừng và động vật rừng, mỗi người hãy từ bỏ tham vọng "ăn uống" ích kỉ của mình. Ảnh: Lam Anh

Thành thử, là chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, trong đó có động vật hoang dã thì Thủ tướng Chính phủ đã duyệt từ năm 2000, thực hiện đến 2020 rồi tầm nhìn đến 2030 và 2045. Theo tôi thì: phải tuyên truyền, noi gương, giám sát, làm sao thực hiện nghiêm túc chiến lược đã đề ra đó.

Còn hiện tại, bây giờ làm sao có hành động cụ thể để tuân thủ các chủ trương hết sức đúng đắn trên. Không chỉ nói mà phải làm thật sự cho mục tiêu đó. Phải có những chính sách, pháp luật và thứ căn bản nữa là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho dân, bằng mọi giá phổ biến một cách hiệu quả giá trị quý báu của loài động vật trong hoang dã đối với con người và sự phát triển bền vững của thiên nhiên. Nó có các chức năng về sức khoẻ, sinh thái; văn hóa và cả tâm linh.

Nó có nhiều chức năng và các giá trị đôi khi còn màu nhiệm nữa. Từ đó, cùng với nâng cao nhận thức, kêu gọi vận động, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý, thậm chí xử lý hình sự, nhằm kiềm chế các tham vọng ích kỉ, muốn "ăn thịt" hết các loài hoang dã, muốn buôn bán vận chuyển chúng để trục lợi, bất chấp các hậu quả mà cả cộng đồng và thế hệ mai sau phải gánh chịu.

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 5.

Súng săn hiện đại được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, ship đến tận nhà như thế này sẽ đẩy những loài thú quý hiếm vào hiểm họa diệt vong . Ảnh: Hoàng Chiên

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 6.

Súng ống hiện đại đi săn thú rừng bị kiểm lâm Pù mát bắt giữ. Ảnh: Dân Việt

Vui với voọc mũi hếch, tháo chạy khi gặp "ông hổ" và 40 con bò rừng

Thưa ông, là người tâm huyết với các đóng góp lớn suốt nhiều năm qua cho cho công tác bảo tồn, nghiên cứu, viết sách về lĩnh vực bảo tồn động vật và động vật rừng Việt Nam, cảm giác của ông lúc này thế nào khi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của lịch sử bảo tồn động vật hoang dã ở nước ta?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Thế giới các loài động vật ngày xưa và bây giờ có nhiều điểm cứ là… khác nhau một trời một vực. Ngày xưa trong những năm mà tôi đi nghiên cứu, tức là trước khi Giải phóng Miền Nam thì hồi đó mình chỉ đi được phía Bắc thôi. Động vật rất nhiều, đặc biệt là ở vùng Tây Bắc và Đông Bắc.

Ví dụ, như có thể gặp con voọc mũi hếch vui vầy giữa thiên nhiên tuyệt bích. Chúng là loại đặc hữu của Việt Nam đấy, cả thế giới chỉ có Việt Nam có thôi. Mà hồi đó là năm 1962, tôi lên vùng cao huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, có khi gặp hàng trăm con voọc mũi hếch "xinh đẹp". Tiếc là lúc đó không có máy để chụp ảnh, quay phim. Bây giờ gặp được con voọc mũi hếch ở ngoài hoang dã là rất khó. Ví dụ như thế.

Hay là các loài nai, bò tót. Sau năm 1975, tôi vào Tây Nguyên, vào Vườn Quốc gia York Đôn gặp những cái đàn bò rừng đến 40 con; gặp cả hổ ở trạng thái hoàn toàn hoang dã. Sợ quá phải…. bỏ chạy.

Nhưng từ năm 1995 trở về đây, thực sự là các nhà khoa học cả trong nước và quốc tế đi rất nhiều nhưng hầu như không có thông tin nào về việc nhìn thấy hổ. Ở VQG Pù Mát, vào năm 1999, lần đầu tiên ở Việt Nam một "bẫy ảnh" hiện đại do châu Âu tài trợ có chụp được một bức ảnh hổ Đông Dương ở trạng thái hoàn toàn hoang dã (từ đó đến nay không nơi nào của Việt. Nam chụp được bức thứ 2 nữa)…

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 7.

Thiên nhiên VIệt Nam trong cuốn sách của nhà bảo tồn nổi tiếng Tilo Nadler. Ảnh: TL

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 8.

Thiên nhiên VIệt Nam tuyệt bích trong cuốn sách của nhà bảo tồn nổi tiếng Tilo Nadler, với các loài linh trưởng mà GS Huỳnh bao năm say mê. Ảnh: TL

Bảo vệ động vật rừng để tránh hiểm họa dịch bệnh

"Bây giờ số lượng động vật giảm đi rất nhiều. So với nghiên cứu trước đây của chúng tôi, mỗi loài, số lượng cá thể có thể giảm ít nhất 60-70%. Những người yêu động vật và môi trường như tôi rất là băn khoăn, lo lắng. Nếu ta không kiên quyết bảo vệ, thì chẳng bao lâu nữa, sự tuyệt diệt của nhiều loài đã làm hổng "mắt xích" sinh thái quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái tự nhiên và cả hệ sinh thái xã hội. Chính vì thế đọc xong loạt bài điều tra chân thực, rõ nét của Báo NTNN/Dân Việt kể trên, tôi càng thêm băn khoăn và lo lắng!" - GS Đặng Huy Huỳnh nói.

Vậy theo ông, điều gì cấp thiết nhất cần hành động cụ thể và thiết thực lúc này?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Mình phải cố gắng bảo vệ môi trường sống. Chính vì thế mà quốc tế đang chuẩn bị cho nhiều hội thảo, hội nghị về biến đổi khí hậu vào tháng 11 năm 2021 này. Người ta đề cập nhiều và cấp thiết đến vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các cái loài động vật hoang dã.

Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: 8 con hổ chết và lời hiệu triệu từ bỏ các tham vọng ích kỷ - Ảnh 10.

Khỉ hoang dã bị bắt, ăn thịt, lấy sọ và sương nấu cao ở Kon Tum, PV Dân Việt chụp tháng 3/2021. Ảnh: Lam Anh

Bởi vì động vật hoang dã (là vật chủ trung gian quan trọng), là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều loại dịch bệnh, đến sức khỏe con người (trong đó có COVID-19 đang hành hoành hiện nay, như giới khoa học đã bước đầu kết luận..) - một khi người ta bắt bẫy, buôn bán, vận chuyển và ăn thịt chúng.

Chính vì thế việc nhân loại tiến bộ đã đưa ra lời kêu gọi cho giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, là "thập kỷ phục hồi hệ sinh thái, phục hồi các quần thể động vật hoang dã ở trên thế giới". Họ kêu gọi các quốc gia trên thế giới ủng hộ điều quan trọng này.

Vậy nên, các nhà báo và cả giới truyền thông ngày càng giữ các vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền để cho nhân dân biết được ý nghĩa của bảo vệ động vật hoang dã và thiên nhiên nói chung.

Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem