Đóng góp nhỏ bé của chúng tôi, đã góp phần hỗ trợ Công an Nghệ An thực hiện các chuyên án "kỷ lục", "chưa từng có" trong lịch sử bảo tồn Việt Nam.
Không chỉ giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành (mỗi con 2-3 tạ), 7 cá thể hổ nhỏ, 21kg tê tê sống (4 cá thể), khiến nhiều đối tượng tra tay vào còng; cả một chiến dịch quy mô triệt phá các ổ nhóm buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn rộng lớn đã được thực hiện.
Riêng trong giới bảo tồn, các chuyên gia nổi tiếng, các đơn vị bảo tồn hàng đầu Việt Nam và nhiều tổ chức bảo tồn lớn nhất nhì thế giới đang hoạt động ở Việt Nam (như WWF, WCS…) đã có một sự hưởng ứng đặc biệt dành cho tuyến bài của Dân Việt.
Video: Đường vào “hang hổ” khét khét tiếng Việt Nam vừa bị Công an triệt phá
"Sau khi Nhóm PV Điều tra Dân Việt đi đầu trong điều tra, tố cáo, phối hợp với cơ quan công an phá án, sự việc 8/17 cá thể hổ bị chết sau chiến dịch giải cứu (quy mô chưa từng có) ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hiện nay không hoàn toàn tiêu cực như bạn nghĩ. Mà chúng ta cần nhìn thấy nhiều bài học hữu ích cho bảo tồn ở đây" - ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (đơn vị đang chăm sóc cứu hộ 7 cá thể hổ nhỏ vừa được giải cứu cũng trong "chiến dịch" này) nhận định.
Ông Thái là người nhiều năm gắn bó với bảo tồn động vật ở Nghệ An, trụ sở của Trung tâm cứu hộ do ông quản lý cũng đang đặt tại VQG Pù Mát – tỉnh Nghệ An.
Ông Thái nói: "Đa số chúng ta đều mong muốn rằng các thể hổ sau khi bị tịch thu sẽ được TÁI THẢ VỀ TỰ NHIÊN để sống hạnh phúc trong rừng, hoặc ĐƯA VÀO CÁC CÔNG VIÊN HOANG DÃ rộng lớn để được vui vẻ, tận hưởng cuộc sống mới sau chuỗi ngày giam cầm trong NGỤC TỐI".
Nhưng, chúng ta cần bình tĩnh và nhìn vào những thực tế sau đây: "Hổ trong môi trường nuôi nhốt không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không.
Bạn có biết hổ là một trong những loài thuộc nhóm đứng đầu chuỗi thức ăn. Việc tái thả những cá thể hổ này về tự nhiên làm tăng nguy cơ hổ tấn công và gây nguy hiểm cho con người. Do KHÔNG THỂ TỰ KIẾM ĂN, cộng với việc đã quen tiếp xúc với con người trong môi trường nuôi nhốt, các cá thể hổ sau khi được tái thả sẽ có XU HƯỚNG TỚI GẦN KHU DÂN CƯ để tìm thức ăn, có thể là vật nuôi hoặc thậm chí là CON NGƯỜI.
Không chỉ vậy, các cá thể hổ được tái thả sẽ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể hổ ngoài tự nhiên và cả các loài động vật khác.
GEN LẶN suy thoái trong các cá thể được sinh ra từ giao phối cận huyết có thể tác động và gây nên những biến đổi không mong muốn đối với nguồn gen tự nhiên.
Bên cạnh đó, mầm bệnh phát sinh từ quá trình nuôi nhốt, vận chuyển và buôn bán trái phép có thể lây lan các dịch bệnh nguy hiểm đến động vật hoang dã và con người.
Vụ bắt giữ ba chuyên án hình sự liên tục trong ba ngày đầu tháng 8 năm 2021 đã thể hiện một quyết tâm cao độ trong công tác đấu tranh phòng chống và trấn áp tội phạm về buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt hổ trái phép tại Việt Nam.
Cho nên, dù rất tiếc với cái chết của 9 cá thể hổ trong vụ việc, chúng tôi vẫn nhấn mạnh: ghi nhận những nỗ lực của lực lượng Công an Tỉnh Nghệ An và hy vọng các chiến sĩ sẽ tiếp tục vững tin và quyết liệt trong công tác truy quét và xử lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi giữ động vật hoang dã trái phép trên địa bàn để chung tay bảo tồn động vật hoang dã".
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, WCS Việt Nam và các cộng sự ở Tổ chức WCS - một tổ chức bảo tồn quốc tế có trụ sở ở gần 60 quốc gia trên toàn cầu nói:
"Tôi tin rằng, việc các cá thể hổ bị chết là ngoài mong muốn của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Việc cần làm của chúng ta lúc này là cùng suy nghĩ các giải pháp thiết thực và trang bị kiến thức, kỹ năng cứu hộ cần thiết cho lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng cứu hộ ĐVHD trong các vụ việc tương tự tiếp theo".
"Trên thực tế việc cứu hộ động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của con vật. Chúng có thể gặp phải các chấn thương, suy kiệt sức khỏe (do căng thẳng, điều kiện thời tiết không thuận lợi, vận chuyển qua một quãng đường dài, cơ sở vật chất tại nơi giữ tang vật không phù hợp với loài, hoặc thay đổi môi trường sống và thức ăn, hay do các lý do khác).
Trong nhiều trường hợp, con vật có thể mắc các bệnh mạn tính trong quá trình nuôi nhốt, nên bản thân chúng không đủ sức khỏe để trải qua một loạt các hoạt động nghiệp vụ như gây mê, bắt giữ, và vận chuyển về nơi giữ tang vật.
Khó khăn trong việc đánh giá thể trạng của con vật sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả của các hoạt động chuyên môn. Một trong những lưu ý ở đây là công tác gây mê và vận chuyển con vật ra khỏi hiện trường.
Liều lượng của thuốc gây mê phải được tính toán cẩn thận dựa trên cân nặng và mức độ căng thẳng thực tế của con vật tại thời điểm gây mê, tùy thuộc vào từng loại thuốc, đôi khi ranh giới giữa liều mê và "liều tử" (làm con vật chết) là rất mong manh.
Do vậy, ngay cả tại các nước có nền thú y phát triển, việc các cá thể động vật bị chết trong các hoạt động cứu hộ là điều không hiếm.
Chúng ta có thể hạn chế tối đa hậu quả không mong muốn này bằng việc xây dựng, cải tiến và cập nhật thường xuyên bộ quy chuẩn về cứu hộ động vật hoang dã và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là đối với những loài hay bị buôn bán. Sự an toàn của con vật trong cứu hộ cần phải được xem như một trong những ưu tiên hàng đầu để hoạt động giải cứu đầy ý nghĩa này có được một kết quả bảo tồn như mong đợi".
Nhận thức được các khó khăn trên, từ năm 2020, WCS đã đưa các nội dung về rủi ro và các biện pháp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ thực thi pháp luật và cho động vật trong quá trình bắt giữ các vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD vào chương trình tập huấn cho các cán bộ thực thi tuyến đầu của lực lượng công an. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp công việc này".
Gánh nặng nuôi nhân đạo cả đời các đàn hổ
Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Chống Buôn bán các loài Hoang dã thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới (WWF) cho biết: "Vụ việc 8/17 cá thể hổ chết sau "giải cứu" là sự việc rất đáng tiếc. Nhưng cũng rất khâm phục và đáng khích lệ tinh thần trách nhiệm, đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này của các chiến sỹ Công an tỉnh Nghệ An (và lực lượng liên ngành). Chúng tôi nhận định: đây mới chỉ là "phần nổi của tảng bằng chìm" trong nuôi nhốt hổ trái phép".
Theo ước tính của WWF - Việt Nam, với tổng khoảng 300 cá thể hổ tại các cơ sở nuôi nhốt, Việt Nam cần ngay lập tức rà soát, kiểm tra và kiểm đếm lại toàn bộ hổ ở các cơ sở hiện có, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về hổ nuôi nhốt thông qua việc gắn chip điện tử, thu thập mẫu gen và chụp ảnh nhận dạng sọc vằn đặc trưng của từng cá thể.
Với tâm huyết của mình, WWF - Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị rằng cần xây dựng các quy trình rõ ràng về xử lý, bảo vệ hổ sống trước, trong và sau khi bị bắt giữ, cứu hộ ở Việt Nam, kể cả việc chuyển giao cho những trung tâm cứu hộ có uy tín (không cho phép sinh sản).
Lấy các mẫu nhận dạng từng cá thể để có thể so sánh với cơ sở dữ liệu hiện có, và tiếp tục theo dõi để đảm bảo rằng những cá thể hổ này không bị đưa trở lại thị trường bất hợp pháp.
Cần tập trung nỗ lực vào việc khuyến nghị Việt Nam chấm dứt ngay lập tức việc nuôi hổ sinh sản không đóng góp cho bảo tồn và có lộ trình đóng cửa những trang trại hổ này để không tạo gánh nặng cho quản lý nuôi nhân đạo chúng… đến cuối đời.
Lý do khiến các "Chúa sơn lâm" vĩnh viễn không thức dậy sau gây mê
Ông Trần Hiền, Trưởng phòng Truyền thông Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) nói: "Đứng trên góc độ bảo tồn khi tham khảo ý kiến từ các chuyên gia có kinh nghiệm từ thú y cho đến cứu hộ, có thể phỏng đoán: việc 8 con hổ chết đến từ 1 hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp dưới đây.
Thứ nhất: Có thể trước khi 17 con hổ này được giải cứu, người bán đã có ý định bán đi các con hổ này cho nên trước đó họ đã nhồi nước hoặc các thực phẩm khác nhau vào trong cơ thể nhằm tăng trọng lượng để thu thêm nhiều tiền khi giao dịch trái phép. Đã có vụ tương tự, khi hổ chết, mổ khám nghiệm, thây trong xác hổ toàn nước và thực phẩm không tiêu được, cơ quan nội tạng đã hỏng hết.
Thứ hai: Quá trình gây mê chứa nhiều bất cập cũng có thể là một trong những nguyên nhân có thể tính đến.
Thứ ba: Thời gian, chuẩn bị và cách thức vận chuyển là yếu tố rất ảnh hưởng. là động vật hằng nhiệt, do đó nếu thời điểm vận chuyển hổ rơi vào lúc nóng đỉnh điểm, kèm nhiệt độ tích tụ trên thùng xe khi tấm bạt phủ tăng lên, hoặc còn do dùng/phủ miếng che đầu khiến hổ đang trong trạng thái bị gây mê sẽ không thể tự làm hạ nhiệt cơ thể qua việc hô hấp bình thường. Điều này cũng có thể góp phần vào nguyên nhân gây tử vong đáng tiếc.
Thứ tư: Cơ sở tiếp nhận không đủ thiết bị y tế và chuyên gia có kinh nghiệm khám chữa cho hổ sau cứu hộ".
Hổ chết, không ai muốn, nhưng hẳn là chúng ta đã có lỗi
Ông Trần Lê Trà, một chuyên gia bảo tồn có uy tín, Cố vấn khoa học - Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) - một tổ chức nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, nói: "Hổ "quý" với không ít người, như chúng ta biết. Từ da, lông, móng, vuốt cho đến xương, thịt. Thế nhưng, con hổ càng quý hơn nếu để nó sống trong thiên nhiên.
Là động vật đứng đầu chuỗi thức ăn, hổ điều hòa số lượng cá thể của các loài ăn cỏ, qua đó cân bằng hệ thực vật trong những khu rừng mà nó sinh sống. Giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái mà khu rừng có hổ mang lại có giá trị lớn hơn nhiều, nuôi sống được nhiều người hơn nhiều so với một con hổ bị nấu cao.
Hổ chết trong quá trình giải cứu vừa qua là điều không ai mong muốn, nhưng hẳn là chúng ta có một phần lỗi trong đấy.
Chúng ta có chính sách bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm thì cũng cần có đầu tư tương ứng để thực hiện chính sách đó.
Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 - 2022 (Quyết định 539/QĐ-TTg - 16/4/2014, vẫn còn hiệu lực) đưa ra rất nhiều giải pháp. Nhưng khi nói về nguồn lực thì không rõ ràng: rất nhiều "lồng ghép", "khuyến khích", "huy động", "đưa vào chi thường xuyên".
Trong điều kiện như thế, mặc dù có rất nhiều thú hoang dã được cứu sống và tái thả thành công vào môi trường sống phù hợp, nhưng thú hoang dã bị chết trong quá trình giải cứu cũng xảy ra khá thường xuyên, không chỉ riêng với hổ.
Nguyên nhân thường gặp khá đơn giản: thú được giải cứu bị giấu giếm, nhồi nhét, bó buộc, đánh thuốc, đi đường dài hoặc bị nhốt và khai thác tàn bạo trong thời gian dài… nên phần lớn đã yếu, thả ra là chết. Thú chết vì quá sợ hãi.
Thú lớn bị bắn thuốc mê quá liều trong quá trình vận chuyển. Thú được vận chuyển không đúng cách. Thú hấp hối không có bác sĩ thú y chuyên ngành chăm sóc, không có thuốc men thiết bị chăm sóc… 8 con hổ vừa chết do được "giải cứu" vừa rồi có lẽ nằm trong số mấy nguyên nhân này.
Theo ông Trà, khi vụ án kết thúc, cơ quan chịu trách nhiệm phải tiêu hủy tất các cá thể hổ bị chết. Nên mời các chuyên gia và các nhà báo đến ghi hình, đến chứng kiến và giám sát. Đảm bảo các cá thể hộ chết đem tiêu hủy ấy đúng là hổ thật, xương cốt bên trong còn nguyên và dính liền với thịt chứ không phải là con hổ nhồi bông hoặc bên trong toàn… xương bò.
"Tôi trân trọng mọi người và không nghi ngờ ai cả. Chỉ đơn giản là xã hội luôn cần sự minh bạch. Không làm thế thì chắc chắn không chỉ các cơ quan chức năng có liên quan mang tiếng, mà giới bảo tồn chân chính cũng mang tiếng theo" - ông Trà nói.
Chuyên gia Bảo tồn của Hội động vật Frankfurt (Đức): Quy tắc "cái chết nhân đạo"
Loạt bài về "Những chiêu trò tàn sát thú rừng" trên Dân Việt đã được Tiến sỹ Tilo Nadler (Chuyên gia Bảo tồn của Hội động vật Frankfurt – CHLB Đức, người đã có 30 năm liên tục gắn bó và thực hiện công tác bảo tồn động vật ở Việt Nam) đọc, rồi thẳng thắn trao đổi. Họ không ngần ngại đưa ra cả những quy tắc cực kỳ dễ gây tranh cãi như "cái chết nhân đạo".
Ông Tilo nhấn mạnh: "Việc nuôi nhốt hổ với mục đích lợi nhuận trong các trang trại, đương nhiên họ sẽ bỏ qua tất cả các tiêu chí phúc lợi động vật và thực tế chúng đang bị "cầm tù" trong những "ngục tối" vô cùng tồi tệ (như loạt bài Dân Việt đã chỉ ra). Vì thế, KHÔNG bao giờ có được cam kết thực sự về Phúc lợi cho động vật nếu cơ sở chăn nuôi hổ… là tư nhân.
Cá nhân tôi thực sự cảm phục và hoan nghênh Ban chuyên án đã nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn - trong điều kiện còn hạn chế về nhiều mặt, nhất trong tình hình dịch COVID-19 đang căng thẳng. Việc 8 cá thể hổ đã chết là đáng tiếc, song, ngay cả với các cá hổ đang sống, tôi vẫn "dũng cảm" nghĩ tới cái chết nhân đạo cho chúng".
Theo "Hướng dẫn của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) về việc xử lý động vật bị tịch thu", theo phần nội dung trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP có đề cập đến giải pháp: tiêm thuốc ngủ liều cao (euthanasia). Trong công tác thú y là cho chúng hưởng cái chết nhân đạo. Sau khi được giải thoát khỏi sự giam cầm trong "ngục tù tối tăm", tồi tàn kinh khủng như đã biết và rồi các khó khăn trong thời gian tới quá nhiều, một lối thoát nên tính đến và cân nhắc là… "giải thoát" cho chúng bằng cái chết nhân đạo. Bởi, như nhiều chuyên gia đã nói trên Dân Việt, đàn hổ này, ta nuôi chúng suốt đời cũng chỉ vì lý do nhân đạo, chứ chúng sống, không có giá trị gì trong bảo tồn cũng không thể "thả về tự nhiên" được.
Nếu có phép mầu để đưa ra câu hỏi và nhận được câu trả lời từ các con hổ hay con gấu đã sống 10 hoặc 20 năm trong cái lồng 2m2 trong bóng tối, bẩn thỉu, sức khỏe ốm yếu và thức ăn thì kinh khủng, bị đối xử tàn nhẫn như vậy - thì liệu chúng có muốn tiếp tục cuộc sống như vậy nữa không? Tôi tin chắc chắn rằng, các con vật tội nghiệp đó sẽ nói: "Tôi muốn chết". Ông Tilo nhấn mạnh đầy cảm xúc.