Dân Việt

Hiếu PC bày cách phân biệt tin giả sau vụ "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ"

Đình Việt 11/08/2021 16:10 GMT+7
Chuyên viên an toàn thông tin mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), thành viên sáng lập dự án Chống Lừa Đảo – chongluadao.vn đã có một số chia sẻ về cách phân biệt tin giả trên mạng sau vụ tin giả "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ".

Trong vụ việc phát tán tin giả "bác sỹ Khoa nhường máy thở của mẹ để cứu sản phụ song thai", ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM nhận định đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo với một nhóm được thành lập. 

Theo tìm hiểu ban đầu, nhóm này dùng các tài khoản giả nhưng lại có tương tác thật trên mạng, hoạt động có hệ thống để đi vận động kêu gọi từ thiện trên mạng.

Hiếu PC bày cách phân biệt tin giả sau vụ "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ"  - Ảnh 1.

Vụ "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ" được cơ quan chức năng xác định là thông tin hư cấu, hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ. Ảnh chụp màn hình.

Ông Thọ cũng khẳng định, Sở TT&TT đang phối hợp với Công an để tiếp tục điều tra xem nhóm nào dựng lên tin giả này, để xử lý theo quy định.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều người thắc mắc, hiện nay tình trạng tin giả đang xuất hiện tràn làn trên mạng xã hội, vậy có có cách nào để kiểm chứng thông tin hay không?

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên viên an toàn thông tin mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), thành viên sáng lập dự án Chống Lừa Đảo – chongluadao.vn đã có một số chia sẻ về vấn đề này.

Theo anh Ngô Minh Hiếu, người dùng mạng internet phải luôn cảnh giác với các thông tin đăng tải trên mạng, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid - 19, vì kẻ xấu trên mạng rất nhiều so với trước đây và luôn đợi sơ hở của mọi người để trục lợi, như lan tin giả mạo, gây hoang mang dư luận và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Anh Ngô Minh Hiếu chia sẻ, thường bọn lừa đảo đánh vào tâm lý lòng tham, sợ hãi, thương người và lòng tin của mọi người. Luôn quan sát, cân nhắc từng câu chữ, hình ảnh và tình tiết của câu chuyện, ví dụ như sự việc vừa qua ,"vụ 82 - bác sĩ Khoa".

Câu chuyện rất cảm động thế nhưng khi tìm kiếm hình ảnh bằng công cụ Google Lens hoặc Google Images cho thấy hình ảnh là đánh cắp từ những người bác sĩ, giáo sư bên bên nước ngoài.

Kẻ xấu lừa đảo có cả kịch bản, sự đầu tư về thời gian và đồng thời tạo ra nhiều tải khoản ảo, hoặc mua những tài khoản đã bị hack từ trước về để có lịch sử tương tác. 

Sau đó, dùng những tài khoản này để tạo dựng ra câu chuyện cảm động, đánh vào lòng thương người để lừa đảo lấy tiền.

Theo anh Hiếu, trước những bài đăng như vậy, người dùng nên bình tĩnh và kiểm tra những bài đăng, hình ảnh chia sẻ trước của những tài khoản Facebook mà bạn quan tâm để đưa ra nhận định, không nên vội tin, luôn kiểm chứng bằng nhiều nguồn khác nhau.

Hiếu PC bày cách phân biệt tin giả sau vụ "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ"  - Ảnh 3.

Chuyên viên an toàn thông tin mạng Ngô Minh Hiếu đã có một số chia sẻ với PV Dân Việt. ảnh: Đình Việt

Ví dụ một tài khoản mới lập ra, độ tin tưởng sẽ rất thấp, hoặc một tài khoản mà lâu năm không hoạt động bỗng một ngày cứ đăng status hoặc chia sẻ ảnh liên tục là có điều nghi ngờ, vì có thể là tài khoản này bị chiếm đoạt và đang bị kẻ xấu dùng để hoạt động lại và bắt đầu lừa đảo hoặc dùng để rải link có chứa mã độc.

"Không gian mạng không phải là nơi để mọi người dễ để tin bất kỳ ai. Vì thông tin giả và hình ảnh giả rất nhiều. Có những trường hợp kẻ xấu còn nằm chờ trực trên các fanpage tích xanh của các ngân hàng Việt Nam, đợi nạn nhân sơ hở bình luận trên fanpage, đối tượng bắt đầu scan lấy số điện thoại, thông tin danh tính của nạn nhân bằng những dữ liệu thất thoát trước đó của Facebook để thực hiện lừa đảo, gọi trực tiếp cho nạn nhân, giả làm nhân viên ngân hàng và thực hiện hành vi lừa đảo lấy cắp tài sản" – anh Ngô Minh Hiếu chia sẻ thêm.

Trước đó, ngày 8/8, Sở Y tế TP HCM khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của người thân để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu. Sở Y tế lý giải tại các bệnh viện của thành phố không có chuyện rút ống thở để nhường cho bệnh nhân.

Theo bài viết trên tài khoản Facebook "Trần Khoa", người này và ba, mẹ anh ta đều hoạt động trong ngành y. 

Sau khi ba, mẹ đã mất, bác sĩ này đã "kìm nén nỗi đau mất người thân", trực tiếp vào phòng mổ để phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi. Hình ảnh 2 bé song sinh cũng được lan truyền kèm theo câu chuyện để minh chứng cho việc làm của vị bác sĩ.

Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều người phát hiện những hình ảnh này từng được một bác sĩ khác chia sẻ trên Facebook cá nhân. Không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính xác thực của câu chuyện khi có nhiều tình tiết phi lý.