Cái Nước là huyện đứng đầu tỉnh Cà Mau về diện tích nuôi sò huyết thương phẩm. Mô hình nuôi sò trong vuông tôm thời gian qua đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vươn lên trong làm kinh tế. Tuy nhiên, từ đợt dịch thứ 4 đến nay, giá sò huyết liên tục giảm làm người dân rất lo lắng.
Ông Nguyễn Minh Phồi, tổ trưởng tổ hợp tác 2/9 (ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước) cho biết: "Trước đây, giá sò khoảng 120.000 đồng mà bây giờ chỉ 80.000 đồng/kg. Có những ngày vựa không thu mua luôn. Con sò tới tháng 9 sẽ thu hoạch nhiều mà tình hình dịch này không ai mua thì người dân càng khổ hơn. Làm được sản phẩm mà bán kiểu này lỗ luôn chứ không nói tới lời".
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mai Hằng, nông dân nuôi sò huyết ở ấp Má Tám, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, cho biết, hiện giá sò huyết loại 70 con/kg ở địa phương chỉ còn 100.000 đồng/kg. Trong khi đó thương lái không mua hoặc mua rất ít.
Tại huyện Cái Nước, cây bồn bồn là sản phẩm nông nghiệp rất hút hàng của huyện. Tuy nhiên, từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đầu ra cây bồn bồn cũng rất khó khăn.
Gia đình chị Võ Thị Mỹ Linh (ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) trước đây mỗi ngày tiêu thụ được hàng chục kg bồn bồn. Hiện nay, những mối bỏ sỉ không lấy hàng, còn tình hình bán lẻ cũng rất ảm đạm.
"Số lượng bồn bồn thời gian gần đây bán ra rất ít. Chưa có dịch bán được lắm, từ ngày có dịch thì bán không được. Hiện tại ở các chợ cũng ít người mua", chị Linh cho hay.
Với mặt hàng cua Cà Mau nổi tiếng gần xa tình hình cũng không khá hơn. Hiện giá cua thịt dao động từ 100 - 120 ngàn đồng/kg; cua gạch khoảng 250 ngàn đồng/kg. So với thường niên đã giảm khoảng 40%.
Ông Nguyễn Văn Dũng, người dân xã Tân Bằng, huyện Thới Bình chia sẻ: "Nói chung giá cua giờ không ổn định, hạ thấp. Thương lái ít đi mua mà có mua thì rất dè dặt. Cứ đà này thì thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng lớn".
Theo nhiều nông dân, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thị trường tiêu thụ giảm sút, đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có những nông hộ không có đủ điều kiện để đầu tư cho những vụ mùa tới.
Liên quan đến tình hình tiêu thụ nông sản, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cập nhật các quy định trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa ra vào tỉnh Cà Mau cả đường bộ và đường thủy. Đồng thời, liệt kê các quy định cần thiết cho các công ty, doanh nghiệp thu mua lúa gạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ lúa hè thu của nông dân.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thông tin, vào thời điểm hiện nay, lúa của bà con đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nên lượng phương tiện của các doanh nghiệp tập trung về thu mua nhiều. Do đó, Cà Mau đã tính toán sẵn sản lượng từng khu vực, lịch thời vụ thu hoạch… đảm bảo thành một đầu mối cung ứng cho các doanh nghiệp thu mua. Chỉ cần phương tiện của doanh nghiệp đến là có hàng chở đi ngay.
Ngoài ra, đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, Cà Mau tổ chức kết nối giữa nguồn cung và cầu, giữa các lĩnh vực với nhau, căn cứ vào thị trường để không gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng. Rà soát kỹ lưỡng các vùng sản xuất nguyên liệu, kịp thời nắm bắt các điểm nghẽn trong lưu thông, tiêu thụ. Nỗ lực cao nhất là bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân, duy trì sản xuất của doanh nghiệp, thông suốt cho hàng hóa.