Khốn khổ: Ong rừng xứ Mường làm nhiều mật mà chủ bán chật vật

Hà Hoàng Thứ bảy, ngày 14/03/2020 13:24 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Nhân Mỹ (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đang lao đao bởi nghề nuôi ong rừng lấy mật. Nông dân thu hàng trăm lít ong mật nhưng không có nơi tiêu thụ, giá mật ong giảm mạnh khiến các hộ nuôi ong than khốn đổn vì không biết lấy tiền đâu để sinh sống.
Bình luận 0

Nghề nuôi ong rừng lấy mật ở huyện Tân Lạc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung đang khốn khó bởi vắt mật ra không biết bán đi đâu, bán cho ai...

Xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có nguồn thực vật rừng dồi dào ở vùng Tây Bắc, diện tích trồng cây ăn quả lớn, lợi thế nguồn phấn hoa phong phú và đa dạng rất phù hợp cho phát triển mô hình nuôi ong mật quanh năm.

Hơn 10 năm nay, nhiều người dân nơi đây đã bắt ong mật từ rừng về tự nhân đàn để phát triển nghề nuôi ong. Thời gian đầu mới nuôi ong rừng, mật bán được giá khá cao, nên xã đã thành lập 2 tổ hợp tác với 31 hộ tham gia, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây giá mật ong xuống thấp, có mật nhưng không ai mua, khiến nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

img

 Trước đây nghề nuôi ong rừng lấy mật đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nuôi, nhưng nay bà con đang lao đao vì mật ong rớt giá.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Bùi Văn Lịch, xóm Sống (xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), cho biết: “Tôi nuôi ong rừng lấy mật hơn 10 năm nay, nhưng chưa từng thấy tình trạng giá mật ong thấp như hiện nay. Gia đình tôi có 60 tổ ong mật mỗi năm cho thu khoảng 180 lít mật. Sau khi thu mật tôi mang ra ngoài chợ bán nhưng không ai mua, nếu may mắn lắm mới có khách hỏi mua nhưng họ lại trả giá rất thấp...".

Theo anh Lịch, nghề nuôi ong rừng lấy mật vất  lắm, chăm bẵm ong như trẻ nhỏ, ra được giọt mật nào thì quý giọt mật đó, nay giá cả thấp, giảm còn 70.000-80.000 đồng/chai và không có người mua, nên túng thiếu đồng tiền, cuộc sống khó khăn...

img

Do mật ong không có người mua, nhiều nông hộ nuôi ong đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Cùng chung hoàn cảnh với gia đình anh Lịch, ông Bùi Văn Đậu, xóm Sống buồn rầu kể: “Tôi nuôi 200 tổ ong mật, thời gian trước bán mật ong được giá rất cao, 1 chai mật ong bán với giá 200.000 – 250.000 đồng. Nay bán chỉ giá 7.000 đồng/chai. 2 năm nay, giá mật ong bán rất rẻ, thậm chí không có người đến mua vì thế kinh tế của gia đình cũng bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng giá mật ong cứ giảm thế này, chắc tôi phải bỏ nghề thôi”.

img

Hiện nay có 31 hộ  ở xóm Ào U, xóm Sống tham gia tổ hợp tác nuôi ong mật rừng lấy mật.

img

Anh Bùi Văn Lịch, xóm Sống, cho biết: "Thời điểm trước tôi nuôi ong mỗi năm lãi gần 100 triệu đồng, nhưng 2 năm nay gia đình tôi thua lỗ nặng do mật ong không bán được".

Trước đây, nghề nuôi ong rừng lấy mật được coi là nghề chủ lực ở xã Nhân Mỹ. Người dân vào rừng săn ong mật về tự nhân đàn, chứ không mua con giống từ bên ngoài về nuôi.

Với bản chất là giống ong tự nhiên nên chất lượng mật rất tốt, được nhiều người ưa chuộng. Nhiều nông hộ nuôi ong lúc đó đã xây được nhà, sắm được xe máy, tích lũy được tài sản khá lớn. Nhưng hiện nay giá ong liên tục rớt giá, bán không ai mua khiến nhiều hộ nuôi ong lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

img

 Anh Bùi Văn Sửu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc đang kiểm tra quá trình lấy mật của hội viên trong tổ hợp tác.

Trao đổi với PV, ông Bùi Thế Dân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Công sức đầu tư vào nuôi ong mật khá lớn, hàng ngày người nuôi phải chăm sóc đàn ong tỉ mỉ với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa… Nhưng nay giá cả thấp đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ nuôi ong.

Chúng tôi đã nắm được tình hình khó khăn của các hộ nhưng lực bất tòng tâm, bởi giá cả lên xuống là do thị trường. Chúng tôi không thể tìm được đầu ra ổn định cho bà con, nếu tình trạng giá cả cứ thấp như này tôi e rằng các hộ nuôi ong trong 2 tổ hợp tác sẽ từ bỏ nghề nuôi ong mật”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem