Khốn khổ, bão số 5 quét qua, 1 xã của tỉnh Thừa Thiên Huế "bay" mất 100 tỷ từ loài cây này

Thứ tư, ngày 23/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Những gì còn lại của rừng cây cao su ở Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) sau khi bão số 5 đi qua là vô vàn cây gãy đổ, ngã rạt và nước mắt xót xa của người nông dân.
Bình luận 0

“Nước mắt” Khe Mạ

Vùng Khe Mạ, Khe Trăng (xã Phong Mỹ) được xem là “thủ phủ” cây cao su của huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) với diện tích lên đến cả nghìn ha. 

Nhiều năm nay, cây cao su trở thành “cứu cánh” cho hơn 1.700 hộ dân trên địa bàn xã với giá từ 14-15 nghìn/kg mủ thô.

Khốn khổ, bão số 5 quét qua, 1 xã của tỉnh Thừa Thiên Huế "bay" mất 100 tỷ từ loài cây này - Ảnh 1.

Cao su vùng Khe Mạ (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) gần như "mất trắng" sau bão số 5.

Sau trận bão số 5, chúng tôi có mặt tại cánh rừng cao su Khe Mạ. Người trồng vẫn ra vườn với cây cưa máy, cây rựa nhưng không phải chăm sóc mà đốn bỏ để bán thân cây cho thương lái. 

Ra thăm vườn cây cao su sáng 20/9 sau khi dọn dẹp nhà cửa, bà Hồ Thị Vui (thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ) như ngã quỵ giữa vườn cây.

Bà nói với đôi mắt đỏ hoe: “Hết rồi chú ơi! 5 ha cao su 17-18 năm tuổi với 2.500 cây, sau bao năm chăm bẵm như “con mọn”, một trận bão là hai bàn tay trắng. Cơm áo của gia đình nằm ở đây cả, nợ nần chưa trả, không biết xoay xở làm sao”.

Với 2.500 cây cao su, sau trận bão ngày 18/9 đã “cướp” đi của bà 2.300 cây, cây còn lại cũng bị gió làm nghiêng ngả. 

Ngay sau bão, những thành viên trong gia đình bà Vui tự cắt cây kêu thương lái bán gỗ cao su với giá 50 nghìn đồng/cây mong vớt vát được chút vốn...

Dọc con đường liên xã lên vùng Khe Mạ, Khe Trăng, chúng tôi ghi nhận những chuyến xe xuôi ngược chở gỗ cao su về. Đâu đó hiển hiện trong những cánh rừng ngã rạt là ánh mắt xót xa của người nông dân.

Hỗ trợ người dân

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ thông tin, trên địa bàn có khoảng 700ha bị thiệt hại nặng. 

“Cây cao su mang lại thu nhập khá cho người nông dân với tổng doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Trên địa bàn xã có khoảng 1.700 hộ dân tham gia trồng. Bão gây thiệt hại nặng nên hiện nay việc tái sản xuất đối với những hộ trồng cao su rất khó khăn”, ông Chung trăn trở.

Trước mắt địa phương sẽ thống kê tỷ lệ thiệt hại để có những giải pháp cũng như đề xuất cấp trên hỗ trợ người nông dân. Cụ thể, đối với những cây bị nghiêng, gãy cành thiệt hại dưới 50% sẽ vận động, khuyến khích người dân phục hồi dù năng suất cho mủ sẽ không còn như trước.

Đối với diện tích bị ngã đổ thiệt hại hoàn toàn, trước mắt địa phương sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua gỗ cao su thanh lý cho người dân.

Về lâu dài sẽ đề xuất hỗ trợ một phần giống, phân bón cho người trồng tái tạo vườn cao su. Trong trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ xin ý kiến cấp trên.

“Sắp tới, xã rà soát danh sách, thống kê các hộ dân xem số dư nợ liên quan trồng cây cao su trên địa bàn để kiến nghị huyện làm việc cùng phía ngân hàng để đề xuất xin khoanh, giảm lãi cho người dân”, ông Chung cho biết.

Cuối tuần qua, tại buổi kiểm tra tình hình cây cao su bị gãy đổ do bão số 5 tại xã Phong Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu yêu cầu chính quyền địa phương các cấp tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, kết nối, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân. Đồng thời, tiến hành thống kê chi tiết các diện tích bị gãy đổ, thiệt hại để có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân trong giai đoạn khó khăn này.

Hà Nguyên (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem