Đầu tháng này, hãng vận tải container lớn nhất hành tinh Maersk của Đan Mạch công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho thấy doanh thu tăng vọt 60%; lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh giá cước vận tải toàn cầu tăng cao chót vót.
Nhưng Maersk chỉ là số hiếm hoi các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giá cước vận tải leo thang do nhu cầu tiêu dùng tăng vọt tại nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. Phần còn lại, đa số các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu toàn cầu phải vật lộn với tình trạng chi phí sản xuất, cước logistics tăng đột biến do chuỗi cung ứng gián đoạn kéo dài. Và làn sóng dịch Covid-19 với biến thể delta mới đây tại nhiều quốc gia châu Á đang tiếp tục làm trầm trọng thêm sức ép lên chuỗi cung ứng vốn đã trì trệ, nhiều đứt gãy.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn nhiều tháng qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đầu năm ngoái. Những sự cố và diễn biến bất thường sau đó như vụ tắc kênh đào Suez - nơi thông qua hơn 12% kim ngạch thương mại toàn cầu bằng đường biển - hồi tháng 4 năm nay hay mưa lũ nghiêm trọng ở Tây Âu làm gián đoạn hàng loạt tuyến đường - bao gồm các tuyến đường sắt quan trọng từ Cộng hòa Séc và Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg của Đức - tiếp tục giáng đòn mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng vốn đã mong manh. Giờ đây, sự lây lan biến thể delta dẫn đến làn sóng dịch tái bùng phát tại nhiều quốc gia một lần nữa đặt ra thách thức lớn.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của châu Á chiếm tới 42% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu toàn cầu. Do đó, sự bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia châu Á hiện nay có nguy cơ gây hệ lụy rất lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhất là khi lưu lượng thương mại thường tăng vọt vào nửa cuối năm, trước thềm kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.
Ông Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore nhận định: “Sự lây lan biến thể delta có nguy cơ làm gián đoạn đáng kể thương mại của khu vực châu Á. Cho đến nay, hầu hết các thị trường lớn vẫn kiểm soát tốt dịch Covid-19. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, sức ép với chuỗi cung ứng có thể tăng lên rất lớn”.
Một trong những dấu hiệu ban đầu đáng lo ngại là giá dầu tiếp tục giảm vào đầu tuần này khi thị trường lo ngại làn sóng bùng phát dịch Covid-19 do biến thể delta ở châu Á có thể làm giảm nhu cầu dầu trong tương lai.
Mối quan ngại này không phải không có cơ sở. Ngay cả tại Trung Quốc, quốc gia được đánh giá là kiểm soát thành công dịch Covid-19, Chính phủ cũng buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt khi ít nhất 15 tỉnh thành xuất hiện các ca nhiễm mới Covid-19 trong tháng qua.
Các nhà chức trách Trung Quốc thậm chí đóng cửa một phần cảng Ninh Ba - Chu Sơn, một trong ba cảng container bận rộn nhất thế giới do một công nhân tại nhà ga Meishan xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Chỉ không lâu trước đó, cảng Diêm Điền - một trong những cảng lớn nhất tại Thâm Quyến - cũng bị đóng cửa hàng tháng trời do một ổ dịch nhỏ bùng phát. Các chuyên gia quan sát nhận định những động thái mạnh tay liên tiếp của Trung Quốc có nguy cơ tác động lớn đến vận tải quốc tế bằng đường biển.
Tại Đông Nam Á, một trong những khu vực nơi biến thể delta đang lây lan mạnh mẽ nhất, nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử, may mặc… đã buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp hơn bình thường để đảm bảo an toàn kiểm dịch.
Theo ước tính của Natixis, 5 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm tới 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Sự gián đoạn sản xuất ở 5 quốc gia này sẽ tác động đến các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.
Chẳng hạn, Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ 5 thị trường Đông Nam Á kể trên, trong khi Mỹ nhập khẩu khoảng 50% linh kiện bán dẫn từ nhóm này. Nhiều ông lớn công nghệ Hàn Quốc và Nhật Bản - tiêu biểu là Samsung - gần đây cũng thừa nhận hoạt động sản xuất và kết quả bị ảnh hưởng do làn sóng bùng phát dịch ở Đông Nam Á.
Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từng dự báo châu Á sẽ dẫn đầu toàn cầu với mức tăng trưởng 8% kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, làn sóng dịch hiện tại rất có thể sẽ đe dọa sự bùng nổ xuất khẩu của các thị trường châu Á, thậm chí có nguy cơ thách thức đà phục hồi chung của kinh tế toàn cầu.
Trong suốt năm qua, giá cước vận tải đã không ngừng tăng. Giờ đây, khi biến thể delta lây lan gây ra những gián đoạn mới, các nhà xuất khẩu toàn cầu đang “ngồi trên đống lửa” do lo ngại chi phí logistics đường biển tiếp tục tăng vọt.
Nguyên nhân gây ra tình trạng giá cước vận tải container tăng lên mức kỷ lục trong thời gian qua không gì khác ngoài 2 yếu tố: chuỗi cung ứng tắc nghẽn trầm trọng khiến tốc độ quay vòng container chậm và đơn đặt hàng xuất khẩu tăng nhanh do các nền kinh tế phương Tây dần mở cửa trở lại.
Một ví dụ tiêu biểu: giá cước vận tải mỗi container 40ft từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 20.000 USD trong tháng trước, tức tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm 2020, theo công ty theo dõi hàng hóa Freightos. Chỉ số container do Drewry World theo dõi cũng tăng lên mức 9.421,48 USD/container 40 ft tính đến ngày 12/8, tức cao hơn 350% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Naveen Jaggi, chủ tịch dịch vụ tư vấn bán lẻ tại JLL nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn với chuỗi cung ứng. Đa số các nhà bán lẻ không kỳ vọng chuỗi cung ứng có thể phục hồi về mức cân bằng cho đến ít nhất giữa năm 2022, hoặc thậm chí muộn hơn”.
“Container hàng đang mắc kẹt ở nhiều nơi, không thể đến cảng đích trong khi container rỗng cũng bị kẹt lại và không kịp quay vòng để chứa hàng. Tình trạng thiếu hụt container đang khiến chi phí vận chuyển đội lên nhiều lần. Vì vậy, mọi thứ được vận chuyển trong container sẽ ngày càng đắt đỏ. Đây là sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, từ Bangladesh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc cho tới châu Âu và Mỹ” - ông Jaggi nhấn mạnh.
Ông Lanm Lai, Giám đốc thương mại nước ngoài tại CNC Electric (Chiết Giang, Trung Quốc) cho hay: “Thách thức lớn nhất với chúng tôi là cước vận tải quốc tế đang tăng quá cao, gấp đôi hoặc thậm chí là gấp ba thời điểm trước đại dịch. Năm ngoái, ở thời điểm đỉnh dịch toàn cầu, chúng tôi hy vọng tình trạng này chỉ kéo dài trong ngắn hạn. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, tôi không nghĩ (giá cước logistics) sẽ sớm được cải thiện đáng kể”.
Ông Raymond Ren, CEO Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Pinghu Kaixin - nhà sản xuất túi xách và vali du lịch có trụ sở tại Chiết Giang - cũng bày tỏ quan điểm tương tự: “Tôi không nghĩ có bất kỳ động thái nào có thể xoay chuyển tình trạng (cước logistics tăng vọt) trong ngắn hạn. Khó có thể đoán trước điều gì trong đại dịch”.
Việc chuỗi cung ứng toàn cầu trì trệ cũng làm tăng nguy cơ lạm phát toàn cầu, khi các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu tìm cách chuyển gánh nặng chi phí lên vai người tiêu dùng thông qua tăng giá. Những gì đã diễn ra tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới là một minh chứng tiêu biểu cho hiện tượng này.
Trong 3 tháng gần nhất, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tăng lần lượt 5% trong tháng 5; 5,4% trong tháng 6 và 5,4% trong tháng 7 (so với cùng kỳ năm ngoái). Lần cuối cùng thước đo lạm phát tiêu dùng này tăng cao như vậy là thời điểm giữa năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đỉnh điểm. Một cuộc khảo sát mới đây do First Insight thực hiện tại Mỹ cho thấy số người lo lắng về đại dịch Covid-19 trong tháng 7 đã tăng lên mức 64%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Kết quả là 56% người được hỏi cho hay họ có xu hướng thắt chặt hầu bao, cắt giảm chi tiêu do quan ngại về triển vọng kinh tế.
Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Trung Quốc. Dữ liệu kinh tế do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS công bố hôm 16/8 cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 7 chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 11,5% mà các nhà phân tích đồng thuận trong cuộc thăm dò do Reuters thực hiện. Đà giảm tốc này phản ánh rõ rệt tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất, khi các nhà chức trách Trung Quốc áp đặt trở lại nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại một số địa phương.
Các nhà kinh tế đang hạ dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm nay khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự bùng phát trở lại của đại dịch tác động nghiêm trọng đến thương mại, tiêu dùng.
Hồi cuối tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng chung năm 2021 của các quốc gia đang phát triển châu Á từ mức 7,3% trước đó xuống còn 7,2%, thậm chí cảnh báo nguy cơ tiếp tục hạ dự báo nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khối Đông Nam Á từ 4,4% xuống 4% sau khi sự lây lan của biến thể delta buộc nhiều chính phủ trong khu vực ban hành các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt như giãn cách xã hội, phong tỏa hoặc thậm chí giới nghiêm.
Với nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc, các nhà kinh tế ANZ vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của quốc gia này xuống 8,3% sau đợt bùng phát dịch gần đây cùng với những thiệt hại nghiêm trọng do đợt lũ lụt hồi tháng 7. Tương tự, Goldman Sachs hôm 8/8 cũng hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc từ mức 8,6% xuống 8,3%. Trong một kịch bản bi quan hơn, Nomura cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 8,9% xuống 8,2%.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm tốc tại châu Á được dự báo sẽ gây áp lực đáng kể đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay, theo các nhà phân tích ADB.