Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành gì mà nhiều trường lấy điểm chuẩn cao vọt?

Tào Nga Thứ tư, ngày 11/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các trường đại học đào tạo kinh tế "hot" lên tới 28 điểm.
Bình luận 0

Điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các trường kinh tế

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành "hot" tại các trường có nhóm ngành Kinh tế. Điểm chuẩn ngành này vào các trường khá cao so với các ngành khác, thậm chí lên tới 28 điểm. Tham khảo điểm chuẩn năm 2020 như sau:

- Đại học Kinh tế Quốc dân: 28 điểm

- Đại học Ngoại thương: 27.95 điểm

- Đại học Kinh tế TP.HCM: 27.60 điểm

- Đại học Bách khoa Hà Nội: 27.25 điểm

- Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng: 26.75 điểm

- Đại học Thương mại: 26.5 điểm

- Đại học Tài chính - Marketing: 25.8 điểm

- Đại học Hàng Hải: 25.25 điểm

- Đại học Giao thông Vận tải: 25 điểm

- ĐH Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM: 24.75 điểm

Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành gì mà hàng loạt các trường kinh tế lấy điểm chuẩn cao ngút? - Ảnh 1.

Thí sinh kiểm tra thông tin trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội năm 2021. Ảnh: Phạm Hưng

Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là gì?

Chia sẻ từ Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP) định nghĩa Logistics là "một phần của việc quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hoá, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu khách hàng".

Hoạt động logistics tạo ra một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cho việc lưu chuyển hàng hóa trong phạm vi nội địa và ngoài biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm bảo hàng hóa được chuyển giao từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xuất nhập khẩu, là nghề không thể thiếu trong guồng quay kinh tế.

Sinh viên học gì trong các trường đại học?

Theo trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, sinh viên theo học sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng để tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan đến Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nói riêng, kinh doanh quốc tế nói chung; tham gia các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Chương trình cũng trang bị cho sinh viên các kiến thức cần thiết nhằm phát triển các kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả ở cấp độ chiến lược, chiến thuật và hoạt động để quản lý dòng vật chất, cũng như dòng thông tin trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, sinh viên còn được tích lũy các kỹ năng về tư duy phân tích logic, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, văn hóa, đạo đức kinh doanh… giúp sinh viên có khả năng hoạch định tốt các chiến lược kinh doanh quốc tế, thiết lập phương án kinh doanh quốc tế hiệu quả, nghiên cứu thị trường nước ngoài, hiểu biết về luật pháp và thông lệ quốc tế, tham gia đàm phán ký kết hợp đồng, quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội việc làm hấp dẫn

Chia sẻ từ Đại học Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng được đánh giá là ngành học giàu tiềm năng với môi trường làm việc năng động, đa dạng về các vị trí công việc xuất nhập khẩu, sales, kinh doanh xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế....

Cụ thể như Kỹ sư hoạch định sản xuất, kỹ sư logistics, chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng… trong các doanh nghiệp và tập đoàn sản xuất trong và ngoài nước. Nhân viên phụ trách dịch vụ vận tải, logistics tại các cơ quan Nhà nước hoặc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Chuyên viên tại mảng kế hoạch, khai thác thị trường, marketing, dịch vụ khách hàng, quản lí kho vận, hệ thống xuất nhập khẩu, giao nhận vận tải,…

Bên cạnh đó, các thí sinh hoàn toàn có cơ hội thăng tiến trở thành trưởng nhóm, trưởng bộ phận kinh doanh, khảo sát thị trường, lập kế hoạch. Thậm chí, khi đã có kinh nghiệm có thể trở thành giám đốc điều hành, giám đốc tài chính tại các công ty, tập đoàn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem