Phát biểu tại Hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 các tỉnh Nam Bộ thu hoạch 900.000ha lúa hè thu và 700.000ha lúa thu đông, sản lượng chung ước đạt 7,5 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 3,5 triệu tấn.
Đối với mặt hàng rau quả, trong tháng 8 năm 2021 ước sản lượng thu hoạch là 450.000 tấn; bao gồm vùng Đông Nam Bộ 107.600 tấn, Đồng bằng sông Cửu Long 335.600 tấn; sản lượng rau quả dành cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm khoảng 3 triệu tấn.
Tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh, thành Nam Bộ đạt khoảng 5,09 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 3,35 triệu tấn, sản lượng khai thác 1,74 triệu tấn đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, dự kiến 6 tháng cuối năm 2021 nguồn cung nông sản thực phẩn phục xuất khẩu sẽ giảm.
Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm 50%.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, không bị gián đoạn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam thì xảy ra một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp.
"Vùng nguyên liệu đang bị phong toả, giãn cách nên thiếu hụt lượng lớn lao động. Thời gian làm việc của doanh nghiệp hiện chỉ còn từ 6 giờ đến 18 giờ, trong khi bình thường 3 giờ sáng công nhân đã ra vùng nguyên liệu, 6 -7 giờ là đem sản phẩm về nhà máy, làm đến khoảng 10-12 giờ đêm. Bình thường nhà máy xử lý khoảng 200 tấn trái cây/ngày thì nay chỉ còn 30-40% công suất" - ông Tùng nêu một thực tế.
Theo ông Tùng, điều khiến doanh nghiệp đau đầu là giá cước vận tải đường biển hiện đã tăng gấp 5 lần so với trước khi bùng dịch Covid-19. Thậm chí, có thông tin rằng, nguy cơ các hãng tàu sẽ không nhận vận chuyển hàng lạnh, hàng rau quả.
Từ thực tế đó, ông Tùng kiến nghị cho đội ngũ thu hoạch các tỉnh làm việc sớm hơn 6 giờ sáng vì nếu thu hoạch muộn, vận chuyển về nhà máy tỷ lệ hư hại cao. Đồng thời kiến nghị cho đội ngũ sản xuất về trễ hơn 18 giờ.
"Kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với hãng tàu, ưu tiên vận chuyển hoặc một phần vận chuyển hàng lạnh. Nếu hãng tàu ngừng vận chuyển hàng lạnh sẽ gây ách tắc xuất khẩu" - ông Tùng nói.
Được biết, đây cũng là khó khăn của nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản.
Kiến nghị hỗ trợ giá điện sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản
Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các ngành chức năng, các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh. Sẵn sàng huy động lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển,… nông sản giúp nông dân, đảm bảo nông sản được thu hoạch kịp thời, không ứ đọng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản,… hoạt động để vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân kể cả trước mắt và lâu dài.
Chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản.
"Kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản để tăng cường mua nông sản bảo quản sản phẩm đông lạnh; đồng thời Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống ngành dọc tại các địa phương triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng công nhân, người lao động ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh Nam Bộ và các tỉnh khu vực Tây Nguyên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.