Theo thông tin từ cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, hết thời hạn 90 ngày nhưng vẫn chưa có động thái gì cho thấy "người sáng lập" Nguyễn Vũ Quốc Anh của "siêu" doanh nghiệp vốn 500.000 tỷ đồng góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký.
Trước đó, theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong ngày 20/5, tại TP HCM bất ngờ xuất hiện một doanh nghiệp thành lập với vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng. "Siêu" doanh nghiệp 500.000 tỷ này do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) làm đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc.
Bố cáo của công ty này cho thấy, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh góp tới 499.999 tỷ đồng (tương đương 21,7 tỷ USD). 2 cổ đông sáng lập còn lại gồm Nguyễn Thị Diễm Hằng góp 1 tỷ đồng và Lưu Hữu Thiện góp 1 tỷ đồng.
Thông tin này đã khiến dư luận xôn xao, bởi con số này cao gấp đôi tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán, vượt xa PVN, EVN, Viettel…
Trả lời Dân Việt tại thời điểm đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định đang xây dựng một "hệ sinh thái" để phát triển vươn ra toàn cầu, dù các công ty chỉ mới thành lập từ cuối tháng 5 đến nay.
Về việc huy động số vốn 499.999 tỷ đồng trong vòng 90 ngày theo quy định, ông chủ "siêu" doanh nghiệp này khẳng định, có rất nhiều cách như bán các sản phẩm của doanh nghiệp đang có ra thị trường; huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc bán cổ phần của công ty…
Về nghi vấn của dư luận rằng mình "làm màu", "đại… nổ", Giám đốc 8X Quốc Anh nói, "Mọi người không biết tôi làm gì, nên tôi cũng chả buồn. Giá trị của chất xám mà tôi làm còn lớn hơn kìa, tôi thấy mình đã rất khiêm tốn rồi, giá trị khoản đầu tư này phải tới 1.000 tỷ USD lận".
"Còn cái gì hay, hay không hay thì 90 ngày nữa sẽ có câu trả lời. Nếu tôi giờ cứ nói OK mà 90 ngày nữa trốn mất tăm thì mọi người hẵng nói. Trong 90 ngày nữa, mọi thứ tôi làm vô guồng thì mọi người sẽ đánh giá khác thôi. Câu trả lời là thời gian", Giám đốc siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng Nguyễn Vũ Quốc Anh, chia sẻ.
Việc "siêu" doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng chưa nộp đủ số vốn đã đăng ký sau 90 ngày, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết: Bộ đã lường trước được sự việc này. Tuy nhiên, quy định của pháp luật cho phép doanh nghiệp có thêm 30 ngày nữa để điều chỉnh số vốn đăng ký. Sau 30 ngày, nếu cá nhân có liên quan không thực hiện các biện pháp theo đúng trình tự pháp luật, sẽ có chế tài xử phạt.
Trường hợp "siêu" doanh nghiệp 500.000 tỷ này khiến dư luận nhớ đến câu chuyện "siêu doanh nghiệp" 144.000 tỷ đồng ở Hoài Đức - Hà Nội" xảy ra hồi đầu năm 2020.
Theo khoản 5 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2014 đã có quy định nghiêm cấm việc kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP cho biết sẽ "phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký". Đồng thời phải buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 28.
Sau đó khi báo chí vào cuộc mới vỡ lẽ, "siêu" doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng ở Hoài Đức - Hà Nội chỉ là do chủ nhân tự nổ, tự đăng ký vì cổ đông nói "tiền ăn còn không đủ".
Việc liên tục xuất hiện những "siêu" doanh nghiệp "nổ" số vốn khủng, lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, theo các luật sư là do mức xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM nói: "Đối với những trường hợp đăng ký vốn ảo không gây hậu quả thì không sao. Nhưng có nhiều trường hợp đăng ký số vốn "khủng" chỉ để làm đẹp hồ sơ, đánh bóng tên tuổi nhằm trục lợi, thì hậu quả sẽ khôn lường. Tôi cho rằng cần phải tăng mức phạt cho hành vi đăng ký vốn ảo hoặc xử phạt nặng nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng mức xử phạt 10 - 20 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe".
Do đó, cần có nhiều khung hình phạt khác nhau, với những doanh nghiệp được thành lập nhằm hoạt động phạm pháp thì cần tăng mức phạt để ngăn chặn tệ nạn này.
Đồng tình, Luật sư Trần Tuấn Anh, giám đốc công ty luật Minh Bạch nêu quan điểm, hiện nay còn đang thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong việc đăng ký doanh nghiệp dẫn đến nhiều bất cập trong đó có việc khai khống số vốn góp nhằm trục lợi lòng tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong khi đó chế tài xử lý hành vi trên chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính (chỉ khi bị phát giác) cao nhất là 20 triệu đồng.
"Đây là mức phạt quá nhẹ so với hậu quả khó lường của việc làm trên có thể gây ra, khiến các đối tượng trên coi thường pháp luật", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vì vậy, để tránh các hành vi trên còn tiếp diễn, ảnh hưởng dư luận xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm, ông Tuấn Anh kiến nghị các Cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp có hành vi nêu trên để xử lý, tránh để gây ra hậu quả khó lường về sau. Ngoài ra, các nhà làm luật cần xem xét tăng mức khung hình phạt đối với hành vi trên để có đủ sức răn đe các doanh nghiệp khác phải biết tuân thủ pháp luật hơn.
Từ câu chuyện của "siêu" doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và trước đó là một công ty mới thành lập ở Hà Nội cũng đăng ký vốn lên tới 144.000 tỷ đồng sau đó tìm hiểu mới biết do "ghi nhầm", luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị, cơ quan quản lý cần nghiên cứu bỏ quy định doanh nghiệp phải ghi rõ số vốn điều lệ vào hồ sơ đăng ký thành lập.
"Bởi con số đăng ký chỉ là ảo, phần vốn góp vào thực tế bao nhiêu mới đúng bản chất của doanh nghiệp. Giờ nếu doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ cả triệu tỷ đồng nhưng sau 90 ngày không góp đủ vốn đã đăng ký hoặc không chỉ đăng ký giảm vốn, mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng. Quy định về vốn điều lệ trong đăng ký thành lập doanh nghiệp và về con dấu cũng nên bỏ vì không cần thiết, quan trọng nhất trong hồ sơ thành lập công ty chỉ cần tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ" - Luật sư Trương Thanh Đức góp ý.