Doanh nghiệp dệt may: Sóng gió bủa vây, cơ hội từ 'miếng bánh' của đối thủ cạnh tranh

N.Minh Thứ sáu, ngày 20/08/2021 08:26 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến doanh nghiệp dệt may gặp thách thức cùng lúc, vừa thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm vỏ container, cước vận chuyển quốc tế lại tăng vọt. Tuy vậy, các doanh nghiệp dệt may vẫn được cho là, có cơ hội giành thị trường từ các đối thủ cạnh tranh.
Bình luận 0

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 7 tháng đầu năm, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 23 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, vượt Bangladesh, chỉ xếp thứ hai sau Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới.

Kết quả xuất khẩu tích cực, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong nửa đầu năm cũng có nhiều điểm sáng.

Doanh nghiệp dệt may có cơ hội giành thị trường từ các đối thủ cạnh tranh

Thống kê cho thấy, tổng doanh thu trong quý 2/2021 của các doanh nghiệp dệt may niêm yết tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ nhu cầu phục hồi mạnh từ thị trường Mỹ và EU, cao hơn nhiều so với mức giảm 7,6% so với cùng kỳ trong quý 1 vừa qua.

Lũy kế 6 tháng, mặc dù giảm 12,3% so với 6 tháng năm 2019, song tổng doanh thu 6 tháng năm 2021 của các công ty dệt may niêm yết tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG và CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) đều ghi nhận mức tăng trưởng cao, lần lượt 28,9% và 29,5% do doanh nghiệp nhanh chóng lấy được các đơn hàng dịch chuyển từ các nước đối thủ sang Việt Nam.

Doanh nghiệp dệt may: Sóng gió bủa vây, cơ hội từ “miếng bánh” của đối thủ cạnh tranh - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. (Nguồn: VND)

Biên lợi nhuận gộp một số doanh nghiệp đã được cải thiện mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của Công ty CP Sợ Thế Kỷ (STK) tăng 6,3% điểm % so với cùng kỳ lên 19,5% trong 6 nhờ đóng góp từ mảng sợi tái chế có biên lợi nhuận cao (chiếm 56% doanh thu 6T/2021 so với 38% 6T/2020).

Đáng chú ý, lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2021 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) tăng 6,6 điểm % so với cùng kỳ nhờ hưởng lợi từ các đơn hàng FOB chuyển từ Myanmar và Ấn Độ sang Việt Nam và đóng góp từ mảng sợi có biên lợi nhuận cao hơn.

Nhìn chung, tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp dệt may tăng 141,7% so với cùng kỳ trong quý 2/2021, cao hơn mức tăng 44,6% so với cùng kỳ tại quý 1/2021. Lợi nhuận ròng 6T/2021 tăng 90% so với cùng kỳ, thậm chí cao hơn 25,8% so với 6T/2019.

Doanh nghiệp dệt may: Sóng gió bủa vây, cơ hội từ “miếng bánh” của đối thủ cạnh tranh - Ảnh 2.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội giành "miếng bánh" thị phần từ đối thủ cạnh tranh. (Ảnh: LT)

Trong báo cáo cập nhật vừa công bố, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, trong những tháng cuối năm doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ cơ hội giành được thị trường từ các đối thủ cạnh tranh.

Báo cáo của VnDirect nêu, nhiều quốc gia được coi là "đối thủ cạnh tranh trực tiếp" của dệt may Việt Nam như Ấn Độ, Myanmar cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19, khiến các nhà máy may mặc chỉ hoạt động 50% công suất hoặc đóng cửa.

VnDirect dẫn báo cáo của Economic Times cho biết, các doanh nghiệp dệt may của Ấn Độ ở Tamil Nadu và Karnataka đang lo ngại đơn đặt hàng của họ sẽ giảm một nửa trong 6 tháng cuối năm vì không thể gửi mẫu tới các thương hiệu thời trang để chuẩn bị bộ sưu tập mới.

Tương tự, ngành dệt may Myanmar đang phải đối mặt với cùng lúc hai vấn đề lớn là số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và tình hình chính trị bất ổn từ tháng 3 năm. Số lao động trong các công ty dệt may nước này đã giảm hơn 30% trong nửa đầu năm do các nhà máy đóng cửa.

Doanh nghiệp dệt may: Sóng gió bủa vây, cơ hội từ “miếng bánh” của đối thủ cạnh tranh - Ảnh 3.

Nguồn: VND

Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 song VnDirect kỳ vọng rằng những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp dệt may như TNG, May Sông Hồng (MSH) hay Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh... có thể hưởng lợi vì các nhà máy của họ đang được đặt tại Thái Nguyên, Nam Định và Huế, những nơi nằm ngoài tâm dịch hiện tại.

Theo VnDirect, TNG và MSH ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể nhờ các đơn hàng FOB dịch chuyển từ Ấn Độ và Myanmar trong quý II. Và sự gia tăng đơn hàng do gián đoạn nguồn cung ở thị trường Ấn Độ và Myanmar sẽ đóng góp lần lượt 20% và 15% vào doanh thu của TNG và MSH năm nay.

Sóng gió bủa vây doanh nghiệp dệt may

Bên cạnh cơ hội, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VnDirect, đợt dịch thứ tư khiến nhiều tỉnh, thành phía Nam đang phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành may mặc không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu lao động để đảm bảo đơn hàng, thời gian giao hàng.

Trong khi đó, Vitas cho biết, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30-35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Hệ quả là nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng là rất lớn. Vitas cho biết, đã có khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác.

Ngoài mối lo dịch bệnh làm đứt đoạn chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao, thiết hụt trầm trọng container và tình trạng nhiều cảng biển ách tắc lưu thông hàng xuất khẩu... là những trở ngại, tác động trực diện tới nhịp sản xuất của doanh nghiệp dệt may.

Hiện chi phí logistics, vốn chiếm khoảng 9% giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam, đang tăng rất mạnh. Theo VnDirect, giá thuê container hiện đã tăng gấp 3 lần trong 6 tháng đầu năm nay. Cùng đó, tình trạng thiếu container rỗng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM, OBM... làm chậm tiến độ giao hàng cho đối tác.

Khó khăn nữa với dệt may ở nửa cuối năm là thiếu hụt lao động. Vitas dự báo, nếu Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8, số công nhân dự kiến sẽ chỉ đạt 60-65%. Do đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng sẽ thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý 3/2021.

Với kịch bản tích cực Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2021 có thể chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ, hoàn thành 84% kế hoạch của Chính phủ Việt Nam cho năm 2021 (39 tỷ USD).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem