Taliban hiện đang sở hữu một khối tài sản khổng lồ ước tính lên tới 3 nghìn tỷ USD bao gồm tiền mặt, ma túy, dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Afghanistan.
Afghanistan rất giàu tài nguyên quý bao gồm đồng, vàng, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và uranium.
Các nhà khai thác mỏ ở Afghanistan từng tuyên bố rằng các mỏ khoáng sản chưa được khai thác của nước này có thể trị giá tới 3 nghìn tỷ USD. Nhưng theo đánh giá của Mỹ thì lượng khoáng sản chưa được khai thác của Afghanistan chỉ có giá 1 nghìn tỷ USD.
Các chiến binh Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan vào đầu tháng này sau khi các lực lượng phương Tây rút quân và bắt đầu nỗ lực sơ tán công dân khỏi nước này.
Giờ đây, những người cai trị mới của Afghanistan sẽ có quyền tiếp cận vào các nguồn tài nguyên vẫn còn đang bị chôn vùi dưới lòng đất. Tiến sĩ Hans-Jakob Schindler, giám đốc cấp cao của Dự án Chống Cực đoan, cho biết Taliban đã có khả năng "khai thác bất kỳ hoạt động kinh tế nào trong nước".
Joseph Parkes, nhà phân tích an ninh châu Á của công ty tình báo rủi ro Verisk Maplecroft cho biết, Taliban sẽ còn phải đợi vài năm nữa trước khi có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo NATO, Taliban đã kiếm được khoảng 335 triệu bảng mỗi năm từ việc khai thác quặng sắt, đá cẩm thạch, đồng, vàng và kẽm.
Nhóm này cũng được cho là kiếm được số tiền khổng lồ từ việc buôn bán bạch phiến (heroin) trên thế giới cũng như bất động sản và quyên góp. Taliban cũng được cho là nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Ashok Swain, giáo sư nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại Đại học Uppsala của Thụy Điển cảnh báo, thế giới có rất nhiều điều để lo lắng về Taliban
"Chiến thắng của Taliban sẽ không chỉ là động lực tinh thần cho các nhóm khủng bố Hồi giáo khác trên thế giới, mà còn tiếp thêm sức mạnh cho họ với sự hỗ trợ về vũ khí và tiền bạc đến từ việc mua bán ma túy", ông Swain nhấn mạnh.