Nỗi oan thiên cổ của danh tướng hàng đầu Tam quốc bị kết án 'tru di tam tộc' thảm khốc

Minh Nhật (theo Sohu) Thứ tư, ngày 25/08/2021 19:00 PM (GMT+7)
Là danh tướng tài năng kiệt xuất, lập được nhiều công lớn, được Lưu Bị hết lòng coi trọng nhưng cuối cùng Ngụy Diên lại bị khép tội phản loạn rồi lĩnh án "tru di tam tộc" thảm khốc.
Bình luận 0

Danh tướng kiệt xuất, trung thành

Nỗi oan thiên cổ của danh tướng hàng đầu Tam quốc bị kết án 'tru di tam tộc' thảm khốc - Ảnh 1.

Ngụy Diên là đại tướng Thục Hán nổi tiếng uy dũng nhưng kiêu ngạo. Ảnh Sohu

Ngụy Diên (177-234) là đại tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ngụy Diên có sức khỏe, dũng mãnh hơn người, tung hoành chốn sa trường, tới đâu là địch tan tới đó, rất thiện chiến. Ban đầu Ngụy Diên phò tá thái thú Trường Sa, Hàn Huyền.

Sau trận Xích Bích thắng lợi, Lưu Bị sai Quan Vũ đi đánh Trường Sa. Hàn Huyền chống cự không hàng. Ngụy Diên vốn có lòng muốn theo phò Lưu Bị từ lâu, bèn tới thuyết phục viên tướng giỏi nhất ở Trường Sa là Hoàng Trung đầu hàng. Hoàng Trung bằng lòng theo Ngụy Diên hàng Quan Vũ. Hàn Huyền mất tướng không thể tiếp tục chống cự, cuối cùng cũng phải dâng thành đầu hàng.

Về việc này, tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung kể rằng, Hoàng Trung kiên quyết không hàng, nhưng lại bị Hàn Huyền nghi ngờ mang đi xử tử. Ngụy Diên đánh vào pháp trường cứu Hoàng Trung rồi dẫn quân đi giết Hàn Huyền, mang thành Trường Sa dâng Quan Vũ.

Vì việc này, Ngụy Diên bị Gia Cát Lượng xem là người phản phúc. Thậm chí Tam Quốc diễn nghĩa còn mô tả Ngụy Diên có “phản cốt” sau gáy, trước sau gì tất cũng làm phản. Tuy nhiên, các sử gia đã chỉ rõ rằng "tướng mạo phản phúc" của Ngụy Diên hoàn toàn là do La Quán Trung hư cấu. Do tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa quá nổi tiếng nên chi tiết hư cấu trên bị nhiều người coi là thật gây ra ấn tượng sai lầm đối với Ngụy Diên trong dân gian.

Theo các sử gia, thực chất Ngụy Diên là người rất trung thành, dũng cảm và vì những phẩm chất đó, ông được Lưu Bị lẫn Gia Cát Lượng tin tưởng, coi trọng.

Minh chứng là sau khi Thục Hán giành được Hán Trung năm 219, nhiều người cho rằng Lưu Bị sẽ chọn Trương Phi trấn thủ Hán Trung trước khi về Thành Đô. Nhưng người được chọn cuối cùng lại là Ngụy Diên.

Hán Trung được xem là "yết hầu" của Ích Châu, việc tồn vong vốn nằm ở đây. Không có Hán Trung sẽ không có Thục Hán. Mất Hán Trung có nghĩa là Thục Hán diệt vong. Còn Hán Trung, Thục Hán có thể bảo vệ Thành Đô an toàn mà nơi này cũng có thể trở thành căn cứ địa để Bắc phạt. Đối với Thục Hán, Hán Trung được xem là có tầm quan trọng không kém Kinh Châu.

Nói điều đó để thấy, nếu Ngụy Diên có “phản cốt” sau gáy thì làm sao Lưu Bị lại dám giao Hán Trung vào tay ông? Rõ ràng, Lưu Bị phải rất tin tưởng và coi trọng tài năng của Ngụy Diên thì mới giao Hán Trung cho ông trấn thủ.

Thực tế, Ngụy Diên đã không làm Lưu Bị thất vọng. Trong 15 năm Ngụy Diên trấn thủ Hán Trung, vùng đất này vững như bàn thạch, một binh một tốt của địch cũng không lọt vào được. Sau này, khi theo Gia Cát Lượng Bắc phạt, Ngụy Diên cũng lập được hàng loạt công lớn, được trọng thưởng nhiều lần.

Lĩnh án oan tru di tam tộc

Nỗi oan thiên cổ của danh tướng hàng đầu Tam quốc bị kết án 'tru di tam tộc' thảm khốc - Ảnh 2.

Ngụy Diên thực chất luôn trung thành với Thục Hán nhưng lại phải chịu án oan mưu phản. Ảnh Sohu

Án oan của Ngụy Diên được xem là một vụ án lớn thời Tam quốc. Theo đó, năm 234, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần thứ 5, do mệt mỏi lao lực sinh bệnh nặng rồi chết trong doanh trại.

Theo “Tam Quốc Chí - Ngụy Diên truyện” của sử gia Trần Thọ, trước khi chết, Gia Cát Lượng bí mật triệu tập Dương Nghi, Khương Duy, Phí Y (hoặc Phí Huy) rồi di mệnh, sau khi ông chết, không nên tiếp tục Bắc phạt mà nên rút hết quân về Thục; khi rút, để Ngụy Diên đi đoạn hậu rồi đến Khương Duy. Nếu Diên không phục tùng mệnh lệnh thì kệ hắn, cứ việc rút quân.

Gia Cát Lượng qua đời, Dương Nghi sai Phí Y đến báo tin và thăm dò Ngụy Diên. Ngụy Diên không tán thành rút quân mà muốn tiếp tục đánh Ngụy, đồng thời tỏ ý không phục tùng mệnh lệnh của Dương Nghi.

Khi biết tin các tướng đang chuẩn bị rút về, Ngụy Diên nổi giận, mang quân chiếm con đường rút về phía nam, phá cầu ngăn Dương Nghi rút lui. Dương Nghi thấy cầu bị phá, ân oán đã lâu nay với Ngụy Diên càng thêm chồng chất. Hai bên đều viết thư gửi về triều đình tố cáo đối phương mưu phản.

Hậu chủ Lưu Thiện xem thư bèn hỏi Đổng Doãn, Tưởng Uyển: Rốt cục ai là kẻ mưu phản? Hai người liền đảm bảo chắc chắn Dương Nghi không mưu phản, còn Ngụy Diên có phản hay không thì không dám chắc.

Lưu Thiện bèn lệnh cho Tưởng Uyển dẫn quân lên phía Bắc chặn Ngụy Diên. Trong khi đó, Dương Nghi lệnh cho Vương Bình đi tiên phong đánh Ngụy Diên. Vương Bình chỉ trích hành động làm loạn của Ngụy Diên, kích động quân lính dưới trướng Ngụy Diên buông vũ khí. Kết quả là, quân Ngụy Diên không chịu chiến đấu. Ngụy Diên đành cùng con trai và mấy người thân tín bỏ chạy về Hán Trung. Dương Nghi sai Mã Đại mang quân đuổi theo, giết chết ông.

Sau đó, Hậu chủ Lưu Thiện chuẩn theo lời thỉnh cầu của Dương Nghi và Phí Y, khép Ngụy Diên tội mưu phản rồi ra lệnh tru di tam tộc nhà Ngụy Diên.

Theo nhà bình luận Tam quốc nổi tiếng của Trung Quốc Dịch Trung Thiên, việc phán xét Ngụy Diên mưu phản là "không có bằng chứng, không hợp logic”. 

Lý do là, nếu mưu phản, Ngụy Diên chỉ có hàng Tào Ngụy, dẫn Tư Mã Ý vào đánh Thục Hán chứ chẳng có lý do gì phải dẫn thân tín chạy về Hán Trung. Còn việc Ngụy Diên phá cầu, chặn đường rút lui của quân Thục Hán, sử gia Trần Thọ cho rằng, Ngụy Diên thực tế chỉ muốn giết Dương Nghi, tiếp tục chiến dịch Bắc phạt. Do đó, Ngụy Diên thực tế không hề mưu phản mà đây là nội loạn, liên quan đến mối hiềm khích nhiều năm giữa Ngụy Diên và Dương Nghi.

Các sử gia khác cũng đồng tình rằng, hành động làm loạn của Ngụy Diên là đáng trách và nguy hiểm nhưng nếu khép tội "làm phản" cho ông thì oan uổng và tru di tam tộc là một cái án quá nặng.

Sử gia Hách Kinh thời nhà Nguyên còn cho rằng, Dương Nghị hại Ngụy Diên vì tư thù cá nhân, còn có tội hơn Ngụy Diên.

Tờ Sohu của Trung Quốc kết luận, Ngụy Diên thực sự có tầm nhìn chiến lược, lập nhiều chiến công hiển hách, không có ý định phản nghịch mà bị vu khống rồi phải chết thảm, tam tộc bị diệt theo, rõ ràng là chịu nỗi oan khiên ngàn năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem