Dân Việt

Bắc Kạn: Mê hoặc tiếng khèn Mông trên non cao Pắc Nặm

Chiến Hoàng 31/08/2021 05:29 GMT+7
Không chỉ đam mê, Lý Hồng Quân (thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) còn đang nỗ lực truyền dạy những điệu khèn truyền thống của dân tộc Mông cho nhiều người. "Thánh khèn" hy vọng đóng góp của mình sẽ giúp bảo tồn nghệ thuật múa khèn của người Mông ở Bắc Kạn, tiếng khèn sẽ còn vang mãi trên những đỉnh non.

Người ta vẫn gọi Lý Hồng Quân là "thánh khèn", cao nhân khèn Mông hoặc Quân "khèn". Nhưng với anh, có lẽ cách gọi "giảo" Quân (cách chỉ giáo viên của người địa phương) là ưng hơn cả, bởi anh vốn theo nghề dạy học.

CLIP: Người giữ hồn khèn giữa non xanh Bắc Kạn.

Ngoài nghề chính, Lý Hồng Quân còn có nhiều nghề tay trái như sửa xe, chụp ảnh, gò hàn… Trong đó, có một nghề mà không phải ai cũng theo được, ấy là "nghề khèn".

Khi người Mông ở Bắc Kạn đang quay lưng lại với các nhạc cụ truyền thống, với khèn Mông, thậm chí mang khèn đi đốt thì Lý Hồng Quân lại đóng cửa luyện khèn như các tông sư võ đạo bế quan luyện công.

Người giữ hồn khèn trên non cao Bắc Kạn - Ảnh 2.

"Thánh khèn" Lý Hồng Quân (thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) nói về việc truyền dạy khèn mông tại Pác Nặm. (Ảnh: Chiến Hoàng)

Trò chuyện với chúng tôi, anh bảo, nếu để mất đi tiếng khèn thì tiếc lắm. Từ ngàn đời truyền lại rồi, tiếng khèn đâu có tội mà nói bỏ là bỏ, nói vứt là vứt như vứt khúc cây mục được, tội lắm.

"Tôi từ nhỏ đã bị tiếng khèn dẫn dụ rồi. Nhưng hồi đó không có điều kiện để theo học, mãi đến khi học xong chuyên nghiệp mới được tiếp cận với khèn. Tiếc là thời điểm đó, đồng bào Mông ở Bắc Kạn lại ruồng bỏ nghệ thuật múa khèn của cha ông để lại.

Nhiều đêm soạn giáo án xong, tôi lại lặng lẽ đem khèn ra thổi. Cảm giác khi cầm chiếc khèn trên tay mọi mệt nhọc đều tiêu tan hết. Với ai không biết nhưng với tôi, âm khèn như tiếp thêm sức mạnh, giúp tôi tự tin hơn trước những khó khăn", "giảo" Quân chia sẻ.

Người giữ hồn khèn trên non cao Bắc Kạn - Ảnh 3.

Lý Hồng Quân biểu diễn khèn Mông trên đỉnh Mù Là (xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). (Ảnh: La Bảo Duy)

Lý Hồng Quân là học trò xuất sắc của thầy Đức "khèn" nức tiếng tại Bắc Kạn. Sau khi thầy Đức "khèn" mất, anh lại tiếp tục theo thầy khèn Hoàng Văn Tân (thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm) học thêm.

Ngón khèn của Lý Hồng Quân điêu luyện đến độ "nhập khèn". Dân ngoại đạo biết đến anh còn bởi những động tác khèn độc, lạ, như múa khèn trên cột cao, trồng cây chuối để khèn, đứng trên vai nhau khèn và ngửa bụng khèn trên lưng.

Lý Hồng Quân cho biết, gần đây, anh cùng cậu học trò là Dương Văn Minh đang luyện khèn trên dây. Động tác khó, anh phải nâng dần độ cao từng centimet một. Chắc phải hai, ba năm nữa mới thành.

Không chỉ luyện khèn, Lý Hồng Quân còn đang nỗ lực truyền dạy những gì mình có cho các học trò. "Giảo" Quân bảo, nếu không truyền dạy thì mai một hết, người biết khèn mà không giữ được khèn là có lỗi với tổ tiên đấy.

Người giữ hồn khèn trên non cao Bắc Kạn - Ảnh 4.

Lý Hồng Quân cùng học trò của mình đang tập một động tác khó trên núi cao. (Ảnh: La Bảo Duy)

Sau lần xuất hiện giữa Hội xuân Ba Bể vào năm 2014 (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) khiến người đến hội dồn nghiêng cả một góc hồ để thưởng khèn, Lý Hồng Quân cùng cô vợ trẻ có làn da trắng như bông lê lại cắp khèn vượt núi tìm "chốn lao xao" để khèn.

Lý Hồng Quân chia sẻ, muốn nhiều người biết, muốn người Mông quay lại với khèn thì phải làm cho họ thấy cái hay, cái độc đáo của khèn Mông.

Với cách nghĩ ấy, cách làm ấy, Lý Hồng Quân đã tiếp lửa cho rất nhiều người Mông quê anh. Giờ đây, không ít người Mông bỏ khèn đã quay lại với nghệ thuật độc đáo của cha ông để lại.

Từ đó, xã biết đến anh, huyện, tỉnh và Trung ương cũng biết đến anh – "thánh khèn" Lý Hồng Quân.

Sau những giờ dạy học, Lý Hồng Quân lại cùng học trò lên núi luyện khèn. Giải thưởng, huy chương tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng từ cấp tỉnh đến Trung ương treo chật kín căn nhà nhỏ như chiếc lán tạm không khiến anh tự mãn.

Lý Hồng Quân bảo, anh chỉ thực sự vui khi có những thế hệ học trò đam mê với khèn, chỉ thật sự mãn nguyện khi công sức và tâm huyết bỏ ra giúp người Mông quay lại với nghệ thuật múa khèn mà cha ông để lại.

Người giữ hồn khèn trên non cao Bắc Kạn - Ảnh 5.

"Thánh khèn" Lý Hồng Quân cùng học trò đứng trên vai nhau khèn, thể hiện sự cường tráng của người trai Mông. (Ảnh: La Bảo Duy)

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, Lý Hồng Quân là một trong những người đang tích cực lưu giữ, thực hành di sản múa khèn của người Mông trên địa bàn huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Bản thân ông Lý Hồng Quân luôn nhiệt tình trong việc tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Đặc biệt, ông Lý Hồng Quân thường xuyên sáng tạo trong cách biểu diễn và tích cực truyền dạy nghệ thuật múa khèn Mông.

Theo ông Tuấn, huyện Pác Nặm cũng đã có kế hoạch trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật múa khèn của người Mông Bắc Kạn.

Đồng thời, huyện cũng khuyến khích, động viên những người đang tâm huyết trong việc bảo tồn, truyền dạy nghệ thuật múa khèn như ông Lý Hồng Quân (xã Nghiên Loan) và ông Hoàng Văn Tân (chủ nhiệm CLB khèn Mông thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh)…