Clip: Mùa trái xoay rừng-sản vật được ví như "lộc trời" của vùng đất Tây Nguyên. Tại huyện Kbang, đây là thời điểm trái xoay rừng chín rộ.
Với giá trị kinh tế cao từ xoay rừng, chính quyền huyện Kbang đã và đang vạch ra nhiều biện pháp giữ gìn, khai thác bền vững thứ sản vật của vùng Tây Nguyên
Xoay rừng là một loại cây gỗ lớn, cứng, thuộc nhóm gỗ II. Trước đây, người dân các dân tộc bản địa sinh sống theo dãy núi Trường Sơn đã hái về ăn.
Nhận thấy giá trị kinh tế nên các thương lái thường vào tận cửa rừng để thu mua trái xoay với giá cao.
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp theo chân người dân đi hái "lộc trời" trên cánh rừng Kbang. Thông thường trái xoay sẽ chín trong khoảng hơn 2 tháng.
Đồng bào các dân tộc ở huyện Kbang hái trái xoay từ tháng 8 đến cuối tháng 10. Hiện nay, trên thị trường chủ yếu là trái xoay tự nhiên, có nguồn gốc từ rừng.
Vừa tất bật hái những chùm xoay chín đen dưới tấm bạt, chị Đinh Thị U (làng buôn Lưới, xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thông tin: "Đây là mùa xoay nhiều nhất trong gần chục năm qua. Mỗi người đi hái có thể đạt từ 50- 100 kg trái xoay/ngày. Năm 2019 và 2020, trái xoay khan hiếm lắm...".
Theo chị U, những năm trước trái xoay được đưa ra TP.HCM để tiêu thụ nên giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên xoay không xuất được vì thế giá giảm mạnh còn 18.000-25.000 đồng/kg. \
Khi trái xoay rừng được làm sạch và bán lẻ có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg
Mặc dù, năm nay giá rtrái xoay rừng giảm mạnh nhưng người dân vẫn có lãi nhờ loại "lộc trời" này. Ngoài ra, dù mất giá nhưng trái xoay năm nay lại được mùa nên những ngày này người dân huyện Kbang và các huyện lân cận đã đổ xô vào rừng để hái.
Mỗi nhóm khoảng 20 người, tiến sâu vào cánh rừng để hái "lộc trời". Trong nhóm sẽ cắt cử ra 2 thanh niên to khỏe, nhanh nhẹn để trèo lên cây xoay, cao hàng chục mét rồi chặt những cành nhỏ thả xuống đất. Số người còn lại sẽ ở dưới gốc và hái quả.
Dù đang mang thai gần 7 tháng nhưng chị Đinh Thị Cách (làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai) vẫn cùng chồng vào rừng hái xoay rừng.
"Năm nay, giá trái xoay thấp nhưng được mùa nên bà con cùng rủ nhau vào rừng để hái. Cả nhóm đi cùng và hái chung. Sau đó, cả nhóm bán trái xoay cho thương rồi chia đều tiền cho những người trong nhóm...".
Theo chị Cách, trái xoay chín theo từng vùng, ở thị trấn Kbang đang chín rộ nên mỗi người đi hái được khoảng hơn một triệu đồng. Ở đây, xoay mới bắt đầu chín nên mỗi ngày cũng thu về gần 500.000 đồng...
Tương tự vợ chồng chị Cách, những ngày này anh Soih (làng Che Ré, thị trấn Kbang) cũng thu nhập khá cao nhờ vào rừng hái xoay.
"Ngay từ sáng sớm hai vợ chồng đã theo chân người dân trong làng vào rừng để hái trái xoay. Gần 1 tháng nay, đây là ngày hai vợ chồng trúng quả đậm nhất khi thu gần 100 kg trái xoay. Với giá bán 18.000 đồng/kg ngay tại cửa rừng mình thu về hơn 1,7 triệu đồng...", anh Soih cho hay.
"Ngày bình thường chỉ thu về từ 900.000 đồng - 1,2 triệu đồng. Năm nay, xoay được mùa nhưng lại mất giá vì ảnh hưởng dịch. Xoay từ rừng về nhiều nhưng lại bị thương lái ép giá. Nếu giá như mọi năm là mùa này người dân thu bộn tiền rồi. Xoay chỉ kéo dài khoảng 2 tháng nên những ngày này mọi người thường ưu tiên đi hái xoay để kiếm thêm thu nhập", anh Soih cho biết thêm.
Cũng theo anh Soih, đối với người nông dân giá trị thu về từ xoay là rất lớn, hơn nữa cũng không phải bỏ công sức trồng trọt, chăm sóc. Tuy nhiên, việc thu hoạch xoay cũng khá nguy hiểm, bởi cây xoay rất cao nên việc thu hái xoay rất nguy hiểm. Chỉ có thanh niên mới dám trèo lên cao vậy để chặt cành xuống, mọi người ở dưới sẽ thay nhau hái xoay, phân loại.
Sau khi hái trái xoay từ rừng về, người dân sẽ được thương lái đón đầu cửa rừng mua về. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay tại ngã tư đường Lê Văn Tám, thị trấn Kbang từ 14h mỗi ngày đều có hàng trăm lượt người vận chuyển hàng tấn trái xoay từ rừng ra bán cho thương lái.
Do dịch Covid-19, giá bán trái xoay rừng giảm mạnh nhưng bán vẫn chạy và nhu cầu tiêu dùng vẫn khá tốt, khi mỗi ngày nhiều thương lái có thể mua về cả tấn xoay để xuất bán trong và ngoài tỉnh Gia Lai.
Lý giải về việc giá xoay giảm mạnh ở mùa vụ năm nay, bà Nguyễn Thị Lý (tiểu thương tỉnh Bình Định) cho hay: "Thị trường tiêu thụ xoay lớn nhất là TP.HCM nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không thể vận chuyển vào đó tiêu thụ. Vì vậy, chúng tôi chỉ bán được ở các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng và một vài tỉnh phía Bắc...".
Theo bà Lý, phần lớn, trái xoay rừng chỉ bán lẻ cho thị trường trong tỉnh nên giá mới giảm mạnh như vậy. Cũng vì không phải thị trường tiêu thụ chính nên thương lái chúng tôi chỉ thu mua số lượng hàng ít theo đúng nhu cầu khách đặt để xuất đi. Năm nay giá cước xe cao và số lượng xuất cũng ít nên cũng không mấy lợi nhuận...
Ông Nguyễn Văn Hợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai cho biết: "Xoay là loại cây rừng, có thân gỗ lớn và có giá trị về kinh tế cao. Vào khoảng tháng 8, người dân thường đi vào rừng hái trái xoay. Nhằm tránh việc người dân chặt hạ cây để hái quả nên công ty đã tuyên truyền bà con chỉ được chặt cành nhỏ, cấm chặt cả cây...".
Ông Hợi cho biết thêm, để người dân thu hoạch xoay có hiệu quả, công ty đã cấm hái trái xanh. Khi trái xoay đã chín hoàn toàn, công ty mới thả cửa rừng để tạo điều kiện cho bà con thu hái.
Phần lớn người dân thu hoạch xoay sẽ chặt cành xuống để thu hái. Vì vậy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng về sinh trưởng của cây, nhất là khi số lượng người vào rừng hái xoay ngày một đông hơn.
Nhằm hướng tới lợi ích lâu dài, ngành chức năng huyện Kbang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực đối với việc thu hái trái xoay rừng.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để người dân cưa cây lấy quả mà thu hái đúng quy trình kỹ thuật.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không tranh chấp cây xoay khi thu hái, gây mất an ninh trật tự và có biện pháp tự đảm bảo an toàn tính mạng khi leo hái trái xoay rừng.