Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Độc đáo lối kiến trúc nhà thờ gỗ Thiên Chúa giáo ở tỉnh Kon tum, một trong 10 nhà thờ đẹp nhất Việt Nam
Đây cũng là một trong 10 nhà thờ đạo Thiên Chúa giáo đẹp nhất Việt Nam. Đặc biệt, nhà thờ gỗ Kon Tum có lối kiến trúc khá độc đáo, tường và cột còn được xây bằng bùn và rơm.
Nằm bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa và đầy thơ mộng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách yêu thích vẻ đẹp hoang sơ và đầy cổ kính.
Một trong những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Kon Tum được biết đến chính là nhà thờ gỗ Kon Tum, với tuổi đời hơn một thế kỷ và luôn là niềm tự hào của người dân cao nguyên.
Theo đó, nhà thờ gỗ Kon Tum tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum. Nhà thờ gỗ được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 thì hoàn thành và tồn tại vững chãi đến ngày nay.
Cụ thể, nhà thờ gỗ Kon Tum do chính một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng. Kiến trúc của nhà thờ được thiết kế hài hòa giữa kiểu kiến trúc Roman và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Đây là sự kết hợp đặc sắc giữa văn hóa Tây phương và văn hóa mạng đậm bản sắc dân tộc bản địa của vùng Tây Nguyên.
Vật liệu để xây dựng nhà thờ cũng rất đặc biệt, không phải bằng đá như nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), cũng không phải bằng gạch hay bê tông cốt thép như những nhà thờ khác mà hoàn toàn bằng gỗ cà chít (sến đỏ).
Sến đỏ là loại gỗ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được sử dụng chủ yếu trong việc xây dựng nhà cửa, nhà thờ.
Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… công trình nhà thờ gỗ Kon Tum đã được dựng lên, các tấm gỗ được kết dính với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng đinh.
Theo anh Nguyễn Văn Khoa – thầy giúp xứ cha Giacobe Trần Tấn Việt (là chính xứ của nhà thờ hiện nay), nhà thờ gỗ Kon Tum mang kiến trúc rất độc đáo.
Nhà thờ chủ yếu được xây dựng bằng gỗ cà chít. Đặc biệt, các bức tường, vách, cột được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép và kể cả vôi vữa để sơn trét.
Sau này khi sửa sang lại mới dùng sơn quét phủ lên. Nhà thờ còn là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
Nhà thờ gỗ Kon Tum có diện tích sử dụng hơn 700m2. Toàn bộ nhà thờ là một công trình khép kín với bố cục hài hòa bao gồm: Giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày, nhà rông, cô nhi viện, cơ sở mộc, cơ sở may, dệt thổ cẩm.
Phía bên ngoài, mặt chính của nhà thờ cao 24m,chia thành bốn tầng, càng lên cao càng nhỏ dần. Bên trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết với nhau bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ.
Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng trời tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi giáo đường.
Bên hông là hành lang lối vào nhà thờ, phần mái mang thiết kế của những mái nhà rông của người Ba Na. Trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý cao vút, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của ngôi thánh đường.
"Tình hình dịch bệnh hiện nay, nhà thờ cũng hạn chế người theo quy định chung. Thánh lễ thì được cử hành với một nhóm nhỏ, nội bộ trong giáo xứ chứ không thể cho nhiều người tham gia. Đồng thời, tại nhà thờ luôn thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K, ví dụ như rửa tay và đeo khẩu trang là bắt buộc khi đến nhà thờ.
Về việc cầu nguyện thì cũng chỉ là nhóm nhỏ để duy trì tinh thần cầu nguyện nơi bà con. Phần lớn, bây giờ theo đường hướng chung là bà con ở tại nhà đọc kinh cầu nguyện để hướng về nhà thờ là chính", anh Khoa cho biết thêm.
Trải qua hơn một thế kỷ phơi mình dưới cái nắng, cái gió Tây Nguyên, cho đến nay nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn không hề bị hư hỏng mà vẫn vững chắc giữa thành phố Kon Tum xinh đẹp. Nhà thờ gỗ Kon Tum hiện là một trong 10 nhà thờ đạo Thiên Chúa đẹp nhất Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.