Theo thông tin từ Công ty DonaCoop ở Đồng Nai, đơn vị này đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Bên bán cam kết giao đơn hàng 15 triệu liều vaccine Pfizer làm hai đợt, chậm nhất vào giữa tháng 9.
Hiện, Donacoop đang đợi Bộ Y tế hoàn thành thủ tục hồ sơ để đơn vị có thể nhập số vaccine trên về nước. Nếu sớm hoàn tất thủ tục và có sẵn kho, tủ bảo quản trong đầu tháng 9/2021, vaccine phòng Covid-19 sẽ được nhập về phân bổ cho Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.
Giá mỗi liều vaccine Pfizer hiện khoảng 15 - 20 USD (tùy theo đàm phán). Như vậy, DonaCoop có thể phải chi tối đa khoảng 300 triệu USD, tức 6.900 tỷ đồng để mua số vaccine trên.
Trước thông tin này, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc tạo điều kiện hỗ trợ Donacoop nhập khẩu. Tuy nhiên, theo thông tin được báo chí đăng tải gần đây, đại diện Pfizer Việt Nam tiếp tục khẳng định họ chưa bao giờ làm việc với Công ty Donacoop và chưa có cuộc đàm phán nào với hãng tại Việt Nam.
Theo thông cáo của hãng dược Pfizer, việc phân phối vaccine tại Việt Nam sẽ do Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ phụ trách.
"Quan điểm nhất quán của hãng từ đầu là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ và tổ chức COVAX để cung cấp vaccine cho cấp Chính phủ", đại diện Pfizer nêu rõ.
Vị đại diện cũng cho biết, họ chỉ ký kết và chịu trách nhiệm với hàng được ký kết trực tiếp với Chính phủ, không chịu trách nhiệm với hàng trôi nổi. Hiện tại, Pfizer chưa cung cấp vaccine cho bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào trên thế giới.
Liệu có sự nhầm lẫn thông tin nào ở đây hay đây chỉ là chiêu PR của DN? Nếu là chiêu PR của DN, ảnh hưởng và trách nhiệm của thông tin này sẽ ra sao?
Luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay, nếu thông tin Donacoop đã đạt được thỏa thuận với hãng Pfizer chỉ đợi Bộ Y tế cấp phép thì nhập khẩu 15 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam là thông tin đúng sự thật và có tính khả thi thì sẽ là tin tức rất vui không chỉ cho người dân ở Đồng Nai nói riêng mà còn là động lực khuyến khích các DN trên cả nước cũng có thể nhập khẩu vaccine bằng con đường tổ chức tư nhân.
Tuy nhiên, theo phía đại diện hãng Pfizer Việt Nam thì trong các thông cáo mà hãng này phát đi đã khẳng định phía Pfizer không làm việc với các đối tác là doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 này mà quan điểm nhất quán của hãng từ đầu là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ và tổ chức COVAX để cung cấp vaccine cho cấp Chính phủ.
Vì thế, có nhiều ý kiến hoài nghi có thể đó chỉ là chiêu trò quảng cáo và muốn PR để thu hút khách hàng từ các doanh nghiệp khác kinh doanh dược.
Người tiêu dùng phát hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, người bị hại có thể tố giác đến cơ quan điều tra, nếu như bị thiệt hại do hành vi quảng cáo sai sự thật thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 11, Luật Quảng cáo, bổ sung 2018)…
Do đó, theo luật sư Lê Bá Thường, hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ đến thị trường nhằm mục đích có hoặc không có sinh lời hay nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác thì đều là hành vi bị cấm đối với cá nhân, tổ chức. Và hành vi nếu cố tình quảng cáo sai sự thật hay gây nhầm lẫn có thể bị xử phạt hành chính và cả tội hình sự.
Cụ thể, theo phân tích của LS Lê Bá Thường, trước tiên, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt theo quy định hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với cá nhân và phạt gấp 2 lần đối với tổ chức. Bên cạnh hình thức xử phạt chính, cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu là buộc tháo gỡ hoặc xóa bỏ quảng cáo, xin lỗi tổ chức, cá nhân liên quan (Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, nếu hành vi quảng cáo sai sự thật có gây ra hậu quả thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm dân sự phải bồi thường thiệt hại do hành vi quảng cáo sai sự thật gây ra được giải quyết theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 585 Bộ luật dân sự 2015.).
Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự mà nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự về "Tội quảng cáo gian dối". Tội này thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi quảng cáo gian dối của mình là trái với quy định của pháp luật về quảng cáo.
Đối với tội quảng cáo gian dối, chủ thể thực hiện tội phạm chủ yếu là những chủ doanh nghiệp, người lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, những người khác cũng có thể trở thành chủ thể bị xử tội nếu họ thực hiện việc quảng cáo gian dối hàng hóa của chủ doanh nghiệp theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015).
"Thiết nghĩ, pháp luật về quảng cáo và cạnh tranh đều có quy định chế tài và xử phạt từ hành chính, phải bồi thường dân sự và nặng hơn sẽ bị xử lý hình sự đối với hành vi quảng cáo gian dối, sai sự thật của các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 hiện nay cả nước đang diễn ra phức tạp và nguy hiểm nên rất mong các cá nhân hay tổ chức nếu thật sự có khả năng nhập khẩu vaccine thì vô cùng quý và vui mừng nhưng chỉ để quảng cáo, PR doanh nghiệp mình thì không nên làm thế", luật sư này nói.