Lùm xùm tính xác thực Donacoop nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer: Tiềm lực của công ty mạnh cỡ nào?

Q.D (Tổng hợp) Thứ hai, ngày 30/08/2021 07:22 AM (GMT+7)
Với giá bán công khai của Pfizer là 19,5 USD/liều, 15 triệu liều vaccine Pfizer do Donacoop nhập về vào khoảng 292,5 triệu USD, tương đương hơn 6.800 tỷ đồng.
Bình luận 0

Donacoop nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer

Như Dân Việt đã thông tin, mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc tạo điều kiện hỗ trợ Donacoop nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer.

Thông tin từ Công ty Donacoop ở Đồng Nai cho biết đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Phía đối tác cũng đã chuẩn bị đủ lượng vắc xin để cung ứng cho Donacoop.

Với giá bán công khai của Pfizer là 19,5 USD/liều, giá trị lượng vaccine Donacoop nhập về vào khoảng 292,5 triệu USD, tương đương hơn 6.800 tỷ đồng.

Hiện nay, phía công ty vẫn đang đợi Bộ Y tế hoàn thành các hồ sơ liên quan để được nhập số vaccine trên về Việt Nam. Trường hợp thủ tục hoàn thành sớm, vaccine được đưa về và có sẵn kho, tủ bảo quản trong tháng 9, vaccine sẽ được đưa về Đồng Nai và các địa phương thuộc Đông Nam bộ. 

Lùm xùm tính xác thực doanh nghiệp thông báo nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer: Tiềm lực của công ty Donacoop mạnh cỡ nào?  - Ảnh 1.

Công ty Donacoop ở Đồng Nai cho biết đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Nha Mẫn.

Tuy nhiên, ngày 29/8/2021, báo Tiền Phong dẫn lời đại diện Pfizer Việt Nam khẳng định, Pfizer chưa bao giờ làm việc với Donacoop và chưa có cuộc đàm phán nào với hãng tại Việt Nam.

Đại diện Pfizer cho biết, quan điểm nhất quán của hãng từ đầu là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ và tổ chức COVAX để cung cấp vaccine cho cấp Chính phủ. Đồng thời, trong các thông cáo mà hãng này phát đi cũng khẳng định phía Pfizer không làm việc với các đối tác là doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 này.

Theo Pfizer, họ chỉ ký kết và chịu trách nhiệm với hàng được ký kết trực tiếp với Chính phủ, không chịu trách nhiệm với hàng trôi nổi. Hiện Pfizer chưa cung cấp vắc xin cho bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào trên thế giới.

Ngoài ra, Donacoop không nằm trong danh sách 26 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu vaccine .

Những thông tin này ngay lập tức dấy lên sự quan tâm của dư luận. Bởi trong tình trạng nguồn cung vaccine khan hiếm, ngay cả Chính phủ khó khăn trong việc nhập khẩu về để tổ chức tiêm phòng cho người dân thì thông một Donacoop thông báo chuẩn bị nhập về 15 triệu liều Pfizer trong đầu tháng 9 khiến nhiều người hứng khởi.

Tiềm lực của công ty Donacoop

Được biết, Donacoop được thành lập ngày 20/10/2005 từ việc liên kết 9 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cùng hợp tác, phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đô thị và dịch vụ. 

Thế nhưng, sau đó Donacoop chuyển dịch qua phát triển chủ yếu ngành bất động sản với tên tuổi gắn liền với một số dự án ở Đồng Nai như dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, dự án Long Thành Plaza, dự án đầu tư khai thác đất đá tại mỏ đá Tân Cang 6, dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, dự án hạ tầng nhà ở xã hội tại xã Tam Phước…

Ở thời kỳ đầu, năm 2008 Donacoop đã hợp tác với Tập đoàn Keppel Land (một tập đoàn hàng đầu của Singapore về bất động sản) và Công ty cổ phần An Phú Long thành lập Công ty liên doanh phát triển đô thị Waterfront với số vốn đăng ký ban đầu lên tới 750 triệu USD.

Lùm xùm tính xác thực doanh nghiệp thông báo nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer: Tiềm lực của công ty Donacoop mạnh cỡ nào?  - Ảnh 2.

Donacoop không nằm trong danh sách 26 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu vaccine. Ảnh: Nha Ma

Ngoài ra, Donacooop cùng với VinaCapital (Anh Quốc) và Công ty cổ phần An Phú Long thành lập Công ty liên doanh phát triển bất động sản AquaCity với số vốn ban đầu là 550 triệu USD. Các dự án này, phía nước ngoài góp 50% vốn, DonaCoop 30% và An Phú Long 20% vốn.

Tháng 3/2017, Công ty Aqua thực hiện chia tách. Donacoop rút toàn bộ vốn và thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Thành phố Aqua Dona. Nhóm cổ đông VinaCapital nhờ vậy sở hữu 100% vốn của Công ty CP Thành phố Aqua. Doanh nghiệp này sau đó được chuyển thành mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn.

Đi kèm với chia tách doanh nghiệp, dự án 305ha cũng được phân làm hai: nhóm VinaCapital thực hiện dự án AquaCity rộng 110,5ha, Donacoop triển khai dự án Aqua Dona với phần diện tích còn lại.

Năm 2017, VinaCapital đã rút toàn bộ vốn khỏi AquaCity, chuyển nhượng lại cho Novaland làm thành phố Aqua đình đám với giá chuyển nhượng khoảng 45 triệu USD.

Hiện tại, khu vực Khu đô thị Long Hưng thời kỳ đầu có tổng diện tích hơn 1.100ha được chia tách thành 3 dự án lớn gồm: Khu đô thị Long Hưng quy mô 227ha vẫn thuộc về Donacoop, dự án Aqua City quy mô 305 ha của chủ đầu tư Novaland mua lại từ VinaCapital, dự án Izumi City quy mô 170ha của chủ đầu tư Tập đoàn Nam Long kết hợp với Nhật Bản.

Một trong những dự án đáng chú ý được Donacoop triển khai là dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng mặc dù lên kế hoạch triển khai từ năm 2008 nhưng sau 13 năm vẫn còn gần 1.700 hộ dân trong diện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng (giai đoạn 2). Người dân bức xúc gửi đơn khắp nơi vì bị cưỡng chế thu hồi đất để làm dự án với giá đền bù rẻ mạt.

Liên quan đến dự án này, báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, để thực hiện KĐT Long Hưng thì các dự án cần một nguồn vốn khổng lồ lên đến 24.931 tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án Khu dân cư Long Hưng quy mô 227,7ha do Donacoop trực tiếp làm chủ đầu tư đã cần một nguồn vốn lên đến 4.631 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem