Theo Sohu, ở Đông Ngô, Lã Mông (178 - 220) nắm quyền lực chỉ sau Chu Du, Lỗ Túc. Sau khi Chu Du, Lỗ Túc qua đời, Lã Mông thậm chí được phong lên làm Đại đô đốc, chức quan cao nhất ở Đông Ngô thời bấy giờ. Quyền lực của Lã Mông lúc này chỉ xếp sau Tôn Quyền - người sáng lập Đông Ngô.
Lã Mông vốn xuất thân nghèo khổ nên thuở nhỏ cũng rất ít được đi học. Do có người anh rể là Đặng Đương làm thủ hạ cho thủ lĩnh miền Giang Đông là Tôn Sách nên Lã Mông cũng trở thành tướng dưới trướng của Tôn Sách.
Sau này, khi Tôn Quyền kế vị Tôn Sách, khuyến khích Lã Mông trau dồi binh thư, nhờ vậy về sau ông trở thành một đại tướng quân uy dũng của Đông Ngô.
Nói về những chiến công của Lã Mông cho Đông Ngô, nổi bật nhất là việc ông đẩy lùi được 40 vạn quân Tào Tháo, bày quỷ kế bắt giết Quan Vũ - đại chiến công uy chấn cả Tam quốc.
Theo Sohu, năm 216, Tào Tháo dẫn một đội quân lên tới 40 vạn người tiến đánh Đông Ngô từ Cư Sào. Sau khi nghe tin, Tôn Quyền dẫn một đội quân 7vạn người với Lã Mông làm đô đốc chống lại quân Tào ở cửa Nhu Tu. Trong trận chiến ở Nha Tu này, Lã Mông đã cho cố thủ thành nghiêm ngặt để chống cự, buộc Tào Tháo không đánh nổi phải lui quân. Sau trận này, Lã Mông được thăng lên chức Tả Hộ quân, Hổ Uy tướng quân.
Sau cái chết của Lỗ Túc năm 217, Lã Mông lên kế nhiệm chức Đại đô đốc, tiếp nhận hơn vạn quân mã của Đông Ngô. Sau đó, Tôn Quyền phái Lã Mông làm Hán Xương thái thú, trấn thủ vùng tiếp giáp Kinh Châu của Quan Vũ.
Lúc này Lã Mông ngoài mặt duy trì quan hệ hữu hảo với Quan Vũ, nhưng thực ra lại bí mật luyện binh, chờ thời cơ, bày mưu tính kế chiếm lấy Kinh Châu.
Năm 219, Quan Vũ đem quân bắc tiến đánh Tào Tháo, vây hãm Tương Dương, sau đó lại vây đánh Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ. Tuy nhiên, để đề phòng Lã Mông, Quan Vũ vẫn để rất nhiều quân ở lại trấn thủ Kinh Châu.
Lúc này, một mặt Lã Mông giả bệnh để làm cho Quan Vũ và quân trấn thủ Kinh Châu yên lòng. Mặt khác, Lã Mông bày diệu kế đánh úp Kinh Châu. Ông cho binh sĩ cải trang thành thương nhân mặc áo trắng, chèo thuyền qua sông, đánh tiếng là dừng ở Kinh Châu thu mua vật phẩm. Trong mỗi thuyền đều mai phục rất nhiều tinh binh. Đây là kế “Bạch y độ giang” (Áo trắng sang đò) nổi tiếng lịch sử.
Diệu kế của Lã Mông cuối cùng đã vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng thủ mà Quan Vũ bố trí ở Kinh Châu. Sau đó, quân Ngô dừng thuyền ở các đài gác ven sông, ban đêm bất ngờ tập kích. Hai tướng phòng ngự ở Kinh Châu là Phó Sĩ Nhân và My Phương đều xin hàng, dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền. Lã Mông lại dùng chính sách Hoài Nhu, ra lệnh cho quân lính không được cướp đoạt và chém giết bách tính vô tội. Ông ta còn tìm cách lấy lòng dân chúng, thăm hỏi người già, tặng thức ăn và quần áo cho dân nghèo, tặng thuốc cho người bệnh... nên binh sĩ rất khâm phục Lã Mông.
Về phần Quan Vũ, nghe tin Kinh Châu bị đánh úp, ông tiến thoái lưỡng nan, phải chạy ra Mạch Thành. Quân sĩ đi theo sợ hãi, hàng Ngô gần hết. Năm 220, hai cha con Quan Vũ cuối cùng bị bắt sống rồi bị chém đầu cả hai. Theo đó, trận Kinh châu trở thành chiến công đỉnh cao nhất trong sự nghiệp cầm quân của Lã Mông.
Sau khi lập đại công chiếm Kinh châu, Lã Mông ngay lập tức được Tôn Quyền thăng lên chức Nam quận thái thú, tước Sàn Lăng hầu, ban 5000 cân hoàng kim. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Lã Mông đột nhiên lâm bệnh nặng, Tôn Quyền dù cố gắng sai người chữa trị cẩn thận cho viên tướng này nhưng ông không qua khỏi. Năm 220, Lã Mông qua đời, hưởng thọ 43 tuổi.