Cung nữ xinh đẹp 'lột xác' thành hoàng hậu quyền lực nhờ sơ sót của viên thái giám

Minh Nhật (theo Sohu) Thứ hai, ngày 30/08/2021 16:29 PM (GMT+7)
Cung nữ này hối lộ thái giám để được trở về cố hương, nhưng viên thái giám không rõ vô tâm hay cố ý mà quên bẵng mất. Chẳng ngờ, vì sơ sót này của viên thái giám, cung nữ nghèo năm xưa sau này lại trở thành hoàng hậu quyền lực.
Bình luận 0
Cung nữ xinh đẹp 'lột xác' thành hoàng hậu quyền lực nhờ sơ sót của viên thái giám - Ảnh 1.

Đậu hoàng hậu - tạo hình trên truyền hình Trung Quốc. Ảnh Sohu.

Đó là câu chuyện về Đậu hoàng hậu (205 - 135 TCN) thời nhà Hán trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Theo Sohu, Đậu hoàng hậu có khuê danh là Đậu Y Phòng. Bà là vợ của Hán Văn Đế Lưu Hằng, thân mẫu của Hán Cảnh Đế Lưu Khải và tổ mẫu của Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Bà trải qua các chức vị Hoàng hậu, Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu, nắm trong tay quyền lực ít ai có được tới hơn 40 năm.

Thế nhưng, trước khi trở thành hoàng hậu, Đậu Y Phòng lại chỉ là một cung nữ bình thường hậu hạ Lã hậu - vị hoàng hậu quyền lực từng nắm quyền nhiếp chính có thể sánh ngang với Võ Tắc Thiên và Từ Hi thái hậu trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Lã hậu chính là vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang - người sáng lập ra triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Quay trở lại với Đậu Y Phòng, nàng xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Do có nhan sắc nên được tuyển vào cung là cung nữ hầu hạ Lã hậu.

Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời, Lã hậu trở thành Lã thái hậu nắm quyền nhiếp chính, quyền lực hơn người. Để tránh gièm pha, chống đối và vỗ về các vương hầu, Lã hậu quyết định tặng các mỹ nữ cho các vương gia, gồm các con trai của Hán Cao Tổ Lưu Bang với thê thiếp khác.

Đậu Y Phòng cũng nằm trong số những cung nữ được mang đi làm "quà tặng". Khi đó, quê hương nàng là một phần thuộc nước Triệu (chư hầu của nhà Hán), nên nàng đã hối lộ một viên hoạn quan (thái giám) để được trở về cố hương. Tuy nhiên, vị hoạn quan quên bẵng mất nên gửi nhầm Đậu Y phòng đến nước Đạị (chư hầu của nhà Hán).

Đậu Y Phòng buồn bã, nhưng nàng biết rằng mọi sự đã được sắp đặt và không thể thay đổi được nữa, vì vậy nàng đành chấp nhận số phận của mình.

Chẳng ngờ, sau khi đến nước Đại, Đậu Y Phòng lại trở thành thiếp của đại vương Lưu Hằng - con trai thứ 4 của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Nhờ xinh đẹp, hiền thục, hiểu biết lễ nghĩa và sinh được nhiều con, Đậu Y Phòng càng ngày càng được Lưu Hằng yêu thương.

Cung nữ xinh đẹp 'lột xác' thành hoàng hậu quyền lực nhờ sơ sót của viên thái giám - Ảnh 2.

Sơ sót của viên thái giám đã khiến nàng cung nữ năm nào tìm được hạnh phúc. Ảnh Sohu.

Về phần Đậu Y Phòng, nàng cũng rất đem lòng yêu và ngưỡng mộ Lưu Hằng vì cảm thấy ông là người tài giỏi và tham vọng. Năm 188 TCN, bà hạ sinh con trai Lưu Khải. Hoàng tử Lưu Khải sau này chính là Hán Cảnh Đế - người giúp nhà Hán trở nên hưng thịnh trong suốt giai đoạn ông cầm quyền.

Theo Sohu, có thể nói, sự xuất hiện của nàng cung nữ Đậu Y Phòng đã làm thay đổi vận mệnh của nhà Hán sau này.

Theo đó, năm 180 TCN, Lã thái hậu băng hà dẫn đến Loạn chư Lã (một chuỗi sự kiện tranh chấp quyền lực trong triều đình nhà Hán). Trong cơn loạn đó, đại thần Trần Bình và Chu Bột nhất trí lập Đại vương Lưu Hằng lên ngôi, tức là Hán Văn Đế. Con trai Đậu Y Phòng sinh ra - Lưu Khải được lập làm Đông cung Hoàng thái tử, nàng cung nữ năm nào nay vụt thành "mẫu nghi thiên hạ".

Phụ mẫu của Đậu hoàng hậu mất sớm cũng được truy phong tước Hầu. Nàng cũng tìm gặp lại được các anh em bị thất lạc lâu ngày và cùng đến ở tại kinh thành Trường An.

Sau khi trở thành "mẫu nghi thiên hạ", Đậu hoàng hậu theo chủ trương nên theo thuyết "Vô vi" của Lão Tử mà trị nước, bỏ bớt hình phạt nên quốc gia từ chỗ biến loạn mới thái bình nên ra sức thái tử Lưu Khải và các con học theo thuyết này.

Năm 157 TCN, Hán Văn Đế băng hà, thọ 45 tuổi, thái tử Lưu Khải lên kế vị, tức là Hán Cảnh Đế. Đậu hoàng hậu được tôn làm Đậu thái hậu. Hán Cảnh Đế rất kính nể và tôn trọng Đậu thái hậu. Thời đại của Hán Cảnh Đế Lưu Khải và cha ông Hán Văn Đế được gọi là Văn Cảnh chi trị - đất nước thái bình thịnh trị, dân chúng an cư lạc nghiệp.

Năm 141 TCN, Hán Cảnh Đế Lưu Khải băng hà, thọ 47 tuổi, thái tử Lưu Triệt lên nối ngôi, tức là Hán Vũ Đế, Đậu thái hậu được tôn là thái hoàng thái hậu. Lúc này do Hán Vũ Đế Lưu Triệt còn trẻ tuổi, nên Đậu thái hậu tích cực can dự vào chính sự. Đậu thái hậu có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết sách chính trị của Hán Vũ Đế - một hoàng đế được đánh giá là tài ba, đã làm nhiều việc củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài. Dưới thời trị vì của Hán Vũ Đế, nhà Hán đã có những phát triển lớn về chính trị và quân đội.

Nhưng năm 135 TCN, Đậu thái hậu qua đời. Tính từ khi về Trường An đăng ngôi hoàng hậu đến khi qua đời ở thời đại cháu nội Hán Vũ Đế, Đậu thái hậu đã sống trong hoàng cung nhà Hán 45 năm. Theo Sohu, cuộc đời của Đậu thái hậu xứng đáng là một huyền thoại. Một cung nữ trở thành hoàng hậu và sau đó là thái hậu quyền lực chỉ vì một sơ sót nhỏ của viên thái giám.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem