Người này sống thêm 20 năm, Gia Cát Lượng không có đất dụng võ?

Minh Nhật (theo Sohu) Chủ nhật, ngày 29/08/2021 16:47 PM (GMT+7)
Gia Cát Lượng là mưu sĩ nổi tiếng "lắm mưu nhiều kế" thời Tam quốc, từng giúp Lưu Bị tay trắng giành được 1/3 thiên hạ. Tuy nhiên, một số người từ lâu cho rằng, nếu nhà chiến lược kiệt xuất này sống lâu thêm 20 năm, Gia Cát Lượng có thể không có đất dụng võ.
Bình luận 0

Theo Sohu, nhà chiến lược kiệt xuất được nhắc tới là Quách Gia (170 - 207) - một mưu sĩ tài năng đến mức "quỷ khóc thần sầu" của Tào Tháo.

Người này sống thêm 20 năm, Gia Cát Lượng không có đất dụng võ? - Ảnh 1.

Quách Gia nổi tiếng là mưu sĩ giỏi hàng đầu bên cạnh Tào Tháo. Ảnh Sohu.

Tài năng có thừa nhưng Quách Gia lại chết trẻ khi chỉ mới 37 tuổi - đang độ "chín" nhất của sự nghiệp. Khi Quách Gia qua đời, Gia Cát Lượng mới chỉ 26 tuổi, thậm chí vẫn còn đang ở ngôi nhà tranh trong núi, chưa "xuất sơn" phò tá Lưu Bị.

Vì thế, những người ngưỡng mộ tài năng của Quách Gia truyền nhau câu nói "Quách Gia bất tử, Ngọa Long bất xuất", nghĩa là nếu Quách Gia không chết, Gia Cát Lượng sẽ chẳng dám ra ngoài để giúp Lưu Bị. Bởi Quách Gia thực sự rất lợi hại, Gia Cát Lượng chắc chắn sẽ bị ông đánh bại, vì thế tốt hơn là không nên ra khỏi núi làm gì.

Vậy Quách Gia thực sự cao minh đến mức nào mà Gia Cát Lượng không thể so tài cao thấp?

Theo Sohu, những người phê phán Gia Cát Lượng cho rằng, tài năng của Gia Cát Lượng thực ra đã bị thổi phồng quá mức trong cuốn tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng và lưu hành rộng rãi trong dân gian đến mức gây hiểu lầm cho nhiều người rằng, Gia Cát Lượng là mưu sĩ kiệt xuất nhất thời Tam quốc.

Những người phê phán Gia Cát Lượng cho rằng, tài năng của Gia Cát Lượng thậm chí còn xếp sau cả Bàng Thống - mưu sĩ được Lưu Bị hết sức tin cậy nhưng không may chết trận. Họ còn cho rằng, liên quan đến sự sụp đổ của nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng và người kế nhiệm ông là Khương Duy phải chịu trách nhiệm hàng đầu.

Theo đó, trong khi Thục Hán yếu kém nhất trong Tam quốc về sức mạnh lẫn tiềm lực, không thể sánh được với Tào Ngụy đất rộng, người đông, lương thực dồi dào, song Gia Cát Lượng và Khương Duy lại quyết tâm đánh Tào, làm hao hụt quá nhiều tài lực quốc gia.

Hơn nữa, cái chết của ba anh em kết nghĩa Lưu Bị - Quan Vũ - Trương Phi phần nào phản ánh "sự bất lực" của Gia Cát Lượng. Rõ ràng, Gia Cát Lượng hiểu rõ tính khí của Quan Vũ và Trương Phi, đã không thể trấn áp được họ mà còn bố trí Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, sau này dẫn tới kết cục bi thảm mất Kinh Châu. Quan Vũ chết đầu lìa khỏi cổ.

Sau khi Quan Vũ chết, quan hệ quân thần giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng càng trở nên xa cách, Lưu Bị dồn hết quân tiến đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ cũng không dẫn theo quân sư Gia Cát Lượng. Trong khi đó, Gia Cát Lượng rõ ràng biết đánh Ngô "lợi bất cập hại" nhưng không thể can ngăn được Lưu Bị nên dẫn đến thất bại thảm hại của Lưu Bị trong chiến dịch đánh Ngô và cuối cùng là cái chết của Lưu Bị ở thành Bạch Đế.

Do đó, Gia Cát Lượng bị cho là đã không làm tròn vai của mình khi không thể thể lật ngược tình thế vào những thời điểm quan trọng.

Người này sống thêm 20 năm, Gia Cát Lượng không có đất dụng võ? - Ảnh 2.

Gia Cát Lượng được cho là không có đất dụng võ nếu Quách Gia còn sống. Ảnh Sohu.

Vậy hãy xem Quách Gia phò tá, hỗ trợ Tào Tháo như thế nào. Mọi người đều biết rằng Tào Tháo rất đa nghi, tàn bạo, từng giết nhiều nhân tài kiệt xuất như Hoa Đà nhưng ông luôn nhấn mạnh với mọi người rằng, chỉ có Quách Gia mới biết được ông đang nghĩ gì. Điều này cho thấy, nhờ tài năng xuất chúng của mình, Quách Gia đã hoàn toàn "chinh phục" được một người tàn bạo như Tào Tháo.

Tào Tháo cũng một mực nghe theo mọi lời khuyên của Quách Gia. Tài năng của Quách Gia thực sự giúp Tào Tháo trăm trận trăm thắng. Theo đó, Quách Gia đã hiến kế giúp Tào Tháo bắt sống được Lã Bố năm 198; mưu sĩ này cũng theo Tào Tháo đại phá 10 vạn quân của Viên Thiệu trong trận Quan Độ; thu phục được thủ lĩnh bộ tộc Ô Hoàn, bình định được vùng Hà Bắc rộng lớn.

Thậm chí Tào Tháo sau khi thua trận Xích Bích quay về còn từng than rằng: "Nếu Phụng Hiếu (Quách Gia) còn, ta chẳng đến nỗi này!".

Tuy nhiên, sau khi chinh phạt Ô Hoàn, Quách Gia về đến Liễu Thành thì bị ốm nặng, không lâu sau thì mất khi mới 37 tuổi. Tam quốc diễn nghĩa viết rằng, Quách Gia trước khi qua đời còn kịp để lại cẩm nang mật kế giúp Tào Tháo trừ anh em họ Viên.

Nhiều nhà sử học về sau cũng nhận xét, Quách Gia học vấn tinh thông sâu sắc lại có mưu lược, thấu hiểu sự việc, liệu việc như thần. Các mưu kế mà Quách Gia đề ra luôn táo bạo và thâm hiểm mà nhiều mưu sĩ khác không dám thực hiện và lần nào bày kế cũng thành công. Về điểm này, Gia Cát Lượng được cho là thua kém Quách Gia vì Khổng Minh hành sự luôn cẩn trọng, ít dám mạo hiểm, giỏi trị quân hơn dùng quân, không có tài ứng biến trên chiến trường...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem