Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Người ở động Dã Năng

Phạm Xuân Nguyên 10/09/2021 17:51 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn tiểu thuyết lịch sử "Lý Đào Lang Vương" của nhà văn Phùng Văn Khai.
Đọc sách cùng bạn: Người ở động Dã Năng - Ảnh 1.

Đây là một tác phẩm mới của Phùng Văn Khai trong mạch viết truyện lịch sử anh đã mở ra gần mười năm nay. Trước đó, anh đã có một số cuốn truyện và thơ nhưng chỉ khi lấy lịch sử làm đề tài viết thì anh như có được cảm hứng viết mạnh mẽ, hứng khởi. Gần như cứ hai năm Phùng Văn Khai lại ra một cuốn mới dày dặn, in cùng một khổ, đóng bìa cứng, tên sách cũng là tên nhân vật. Đầu tiên là "Phùng Vương" (Phùng Hưng), tiếp đến là "Ngô Vương" (Ngô Quyền), rồi là "Nam Đế Vạn Xuân" (Lý Bí), "Triệu Vương phục quốc" (Triệu Quang Phục), và mới nhất là "Lý Đào Lang Vương" (Lý Thiên Bảo).

Lý Thiên Bảo thuộc về đời Tiền Lý (544-602) trong lịch sử nước ta, cùng vua Lý Nam Đế chống quân nhà Lương giữ nước Vạn Xuân. Khi nhà vua thua trận ở Khuất Lạo, Lý Thiên Bảo cùng tướng Lý Phật Tử chạy sang đất Ai Lao, xây thành cố thủ ở động Dã Năng. Tại đây năm 550 ông được dân chúng trong vùng suy tôn làm chúa, xưng là Đào Lang Vương. Tiểu thuyết "Lý Đào Lang Vương" là kể về cuộc đời của Lý Thiên Bảo từ Dã Năng khôi phục binh lực chống giặc cứu nước.

LÝ ĐÀO LANG VƯƠNG

Tác giả: Phùng Văn Khai

Nhà xuất bản Văn Học, 2021

Số trang: 487 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 170.000

Có thể đọc tác phẩm này như cuốn thứ ba trong bộ ba về thời Tiền Lý mà hai cuốn đầu là "Nam Đế Vạn Xuân" và "Triệu Vương phục quốc". Cuốn thứ nhất viết về vị vua đầu triều – Lý Nam Đế, người em ruột của Lý Thiên Bảo, làm quan cho nhà Lương nhưng đã đứng lên chống lại kẻ cai trị mình, đánh bại Thứ sử Tiêu Tư, lập nên nước Vạn Xuân. Cuốn thứ hai kể về Triệu Quang Phục, viên tướng trẻ của Lý Nam Đế theo chủ tướng đánh giặc và đã được nhà vua giao lại binh quyền để tiếp tục chống giặc ở miền đồng bằng, trong khi Lý Thiên Bảo chạy dạt lên miền rừng núi và từ đó tìm cách đánh lại giặc. Đọc trong bộ ba cuốn này kết nối với hai cuốn trước thành một bức tranh tổng thể về các vị vua thời Tiền Lý.

Nhưng cũng có thể đọc "Lý Đào Lang Vương" như một tác phẩm độc lập. Cuốn tiểu thuyết lịch sử này cũng như các cuốn khác đã kể của Phùng Văn Khai đều được kết cấu theo kiểu tiểu thuyết chương hồi với mỗi chương có hai câu thơ ở đầu nêu rõ nhân vật và sự kiện được nói ở trong. "Lý Đào Lang Vương" gồm 16 hồi kể lại các cuộc hành binh chiến đấu của đội quân Lý Thiên Bảo chống lại hai viên tướng nhà Lương là Lữ Phạm (Thứ sử Ái Châu), Mông Kỳ (thứ sử Cửu Đức) ở phía bắc, và viên tướng Bố Đa Ngai của nước Lâm Ấp ở phía nam.

Cả năm cuốn tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đều thống nhất ở cảm hứng nồng nàn yêu nước, tự hào lịch sử, với cách viết đầy tính sử thi, lời văn hào sảng, cảnh tượng hoành tráng, chủ vào hành động và phát ngôn của nhân vật. Tác giả đã huy động tối đa các phương tiện biểu hiện nghệ thuật cho một lối viết truyện lịch sử ngợi ca, khẳng định. Anh cũng biết huy động trí tưởng tượng cực điểm cho việc vẽ ra những bức tranh đại cảnh chiến trận theo lối khoa trương, hùng tráng. Đọc truyện lịch sử của Phùng Văn Khai vì thế bạn đọc được lôi cuốn vào khí thế hừng hực của sự nghiệp ái quốc đại hiệp đại nghĩa. Nhân vật không có tính cách riêng mà mang tính cách chung. Nhưng nhiệt huyết tình cảm của nhà văn đã phả được cho trang văn sự sôi sục, cuồn cuộn, tạo sức hấp dẫn cuốn người đọc vào truyện.

Cố nhiên tiểu thuyết lịch sử là hư cấu về lịch sử dựa trên những sự kiện có thật được sử sách ghi lại. Những trận chiến của Lý Thiên Bảo chỉ vài dòng vài câu trong sử được tác giả dựng lại bằng cách tưởng tượng. Có những nhân vật không có trong sử được tác giả nghĩ thêm ra. Hai lá thư của Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương trao đổi về việc ai ngồi vào ngôi chính thống thay Lý Nam Đế trị vì nước Vạn Xuân cũng là hư cấu. Đó là lao động nghệ thuật của nhà văn để làm thành cuốn tiểu thuyết gần năm trăm trang. 

Tôi thích cái phần hư cấu của Phùng Văn Khai về đoạn cuối đời của động chủ Dã Năng Đào Lang Vương ở hồi thứ mười sáu, hồi kết sách: "Núi Độc Cô Tùng, Triệu quân sư vâng nhận di ngôn/ Chùa đất Dã Năng, Phùng sư phụ luận bàn phật pháp". Di ngôn hay phật pháp ở đây cũng chỉ là một thủ pháp để nhà văn gửi gắm qua miệng người xưa những kế sách an dân trị quốc và cả những chuyện còn thời sự của hôm nay: "Đã tự ngàn đời, phương Nam phương Bắc không thể thống thuộc lẫn nhau. Chỉ có thể phân minh độc lập, tự sáng tự cường, muôn đời bên nhau cùng tồn tại mới không phụ đạo trời." (tr. 481) Cái ý này đã được tác giả nói đến nhiều trong truyện qua các cuộc đàm luận của các nhân vật. Sau khi đã gửi gắm hết mọi nỗi niềm cho trần thế, Lý Thiên Bảo dưới ngòi bút Phùng Văn Khai ra đi thanh thản, đạm bạc: "Trên người đức vua chỉ khoác một bộ áo vải thô sờn mà ngài luôn đem theo từ lúc rời cổ tự hương Long Đỗ. Năm ấy đức vua tròn năm mươi sáu tuổi." (tr. 484). Văn vẫn có khuôn mẫu nhưng tình ý xúc động. Theo mạch viết như thế, Phùng Văn Khai đang hứa hẹn những tiểu thuyết khác cho bạn đọc thêm yêu lịch sử nước mình.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 10/9/2021