Đọc sách cùng bạn: Nghiệp dư không có ngoại lệ

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 24/08/2021 20:53 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa tới bạn tập tiểu luận "Bắt đầu cất lên tiếng cười" của nhà văn Hồ Anh Thái.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Nghiệp dư không có ngoại lệ - Ảnh 1.

Bài làm tên tập nằm ở cuối cùng. Khi tác giả cười những tín niệm nghiêm trọng của văn chương một thời ở nước ta như nhà văn là phải nghèo khổ, nhà văn chỉ cần ghi chép hiện thực là thành tác phẩm, nhà văn phải lồng ước mơ vào hiện thực và văn chương là phải nghiêm túc, cấm cười. Tất cả những cái "cần phải" đó đã ràng buộc thắt chặt văn chương nước Việt một thời trong cái khung "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" nay phải tháo cũi sổ lồng cho nó thoát ra, bay lên. Thực thì từ thời đổi mới mấy cái  điều Hồ Anh Thái nói đây đã được phá dỡ. Chỉ riêng tiếng cười cho văn chương nước nhà bỏ đi cái sự đạo mạo, long trọng, trịnh trọng, to tát thì vẫn chưa được là bao.

BẮT ĐẦU CẤT LÊN TIẾNG CƯỜI

Tác giả: Hồ Anh Thái

Nhã Nam & Nhà xuất bản Dân Trí, 2021

Số trang: 304 (khổ 14x20,5cm)

Số lượng: 2500

Giá bán: 128.000

Nhưng đọc cuốn sách này trước nhất ta được cùng Hồ Anh Thái cất lên tiếng cười về nhiều chuyện ở Việt Nam và thế giới trong nhiều lĩnh vực. Trước hết là trong đời sống xã hội mà tác giả để ở phần một "Chiêm ngưỡng điều hiếm có". Nào chuyện làm du lịch bảo tồn cái cổ theo kiểu thực dân cho khách nước ngoài hay thay đổi hợp thời cho dân bản địa. Nào chuyện rất đời thường hàng ngày là việc đến thăm người ốm rồi chụp ảnh đem "cúng phây" đang thành như một cái "mốt" thời công nghệ mà không biết cái sự đó nó cho thấy một thứ tình cảm hời hợt, giả tạo đang lan tràn hiện nay. Nào chuyện cũng chính cái Iphone đang khiến con người bây giờ bị "quá tải trong bẫy đời", bị thành nô lệ cho công nghệ. Nào tâm lý "ta là trên hết" có thích dụng trong một thế giới toàn cầu hóa. Nào là trước những người Việt ra nước ngoài cứ thích hành xử một mình một kiểu không giống ai, ta nên tự hào mình cùng nòi giống hay nên chối bỏ.

Ở phần này tôi thú vị với bài "Lý do và chẳng có lý do" (tr. 73-77). Tác giả viết ở Ấn Độ (đất nước Hồ Anh Thái đã từng sống nhiều và rất am hiểu đời sống, lịch sử, văn hóa, phong tục) có nhiều đảng phái và việc người ta vào đảng ra đảng rất tự do thoải mái tùy theo nhận thức, quan điểm, và cả không gian sống nữa. Câu chuyện được nhà văn kể từ thực tế vào ra Đảng của hai bố con một người bạn mình. "Mỗi người theo một đảng phái nhưng tất cả đều cùng tâm niệm một khẩu hiệu: Mera Bharat mahan. Tổ quốc Ấn Độ của tôi vĩ đại." Và Hồ Anh Thái sau khi ngẫm chuyện này của hai bố con người bạn đã kết luận bài viết: "Công nhận, đấy là một đất nước vĩ đại."

Hai phần tiếp theo của cuốn sách tác giả dành cho văn chương và điện ảnh là hai ngành anh tâm huyết và say mê. Phần Hai "Khoảng lặng và giấc mơ" anh nói về điện ảnh và sân khấu, chủ yếu là điện ảnh. Anh cười buồn cho sự lạc hậu, kém cỏi của phim ảnh nước nhà khi những người làm phim không biết đến những kiệt tác của điện ảnh thế giới, mà cụ thể trong các bài viết anh nói nhiều đến điện ảnh Iran với những bộ phim xuất sắc đã thành công vang dội, giành những giải thưởng lớn tại các liên hoan phim hàng đầu thế giới. Anh kêu lên "Điện ảnh của ta ơi, hãy xem phim Iran!". Anh xót xa thương hại những người làm phim trong nước khi bàn chuyện làm phim thì điều nghĩ đến đầu tiên là tiền đâu. Anh nhiệt tình sốt sắng bình phim, giới thiệu các bộ phim hay bằng cách "chiếu phim bằng chữ" cho người đọc cũng "xem phim bằng chữ", ngõ hầu có thể khích lệ họ tìm cách xem được phim trên màn ảnh. Ở đây anh cũng có những bài phân tích các bộ phim như "Đông Dương", "Người Mỹ trầm lặng" hay so sánh các bản phim Mỹ làm lại theo kịch bản phim Hàn, giúp người đọc có được những kiến thức phim ảnh cần thiết.

Cái sự buồn của Hồ Anh Thái cho điện ảnh khư khư riêng mình một cõi kéo sang cả văn chương ở phần Ba "Riêng một lãnh địa". Văn chương Việt Nam không có tên trên bản đồ văn chương thế giới, tự mình cách biệt với văn chương nhân loại khi vẫn bám theo những lý thuyết cũ như văn xuôi là phải có nhân vật, khi cứ khăng khăng không chịu "chuyển giao kinh điển" sang những tác gia tác phẩm kinh điển mới hơn. Nhà văn Việt Nam không tìm cách "cưỡng lại hoàn cảnh, cưỡng lại ký ức" để viết khác đi, để tìm những cách viết mới khác. Làm mới, cập nhật với thế giới, đó là điều tác giả cuốn sách kêu gọi và mong mỏi

Chung quy lại Hồ Anh Thái thấy văn chương nghệ thuật nước nhà mắc cái bệnh nghiệp dư trầm trọng, sâu sắc. Nó không cách tân, đổi mới, không làm sang giá được mình. Nó không chuyên nghiệp, không tạo ra được những khoảng lặng cần có, nhất thiết có, cho hồn văn, hồn phim, hồn kịch ở trong cảnh tĩnh lặng, ở chỗ không lời, ở nơi lời đã nói, vẫn vang vọng thấu tận hồn người. Người làm nghề nghiệp dư nên khán giả, độc giả cũng nghiệp dư, cứ thế cả một nền văn chương nghệ thuật nghiệp dư đắm chìm tại chỗ. Nguyên nhân tình trạng này Hồ Anh Thái thấy chỉ có một: thiếu tài năng. "Cái tài sẽ tạo ra mê đắm, ra lửa, ra sự tử vì đạo." (tr. 136). Ở đây có lẽ cần trao đổi thêm với tác giả vì dĩ nhiên là tài năng không có thì không làm gì được, nhất là trong các ngành sáng tạo tinh thần. Nhưng tài năng là của trời. Vấn đề phải chăng trước hết là đòi hỏi người có tài tự ý thức được cái tài của mình và có trách nhiệm với cái tài ấy để dốc hết mình cho sự sáng tạo xả thân, sống chết cho nghệ thuật trên hết. Nghĩa là phải biết dùng cái tài một cách chuyên nghiệp. Cố nhiên còn phải tính tới các hoàn cảnh khác cho cái tài được phát huy triệt để, nhưng đồng ý với tác giả  đó là cái thứ hai.

"Bắt đầu cất lên tiếng cười" tập hợp các bài viết của Hồ Anh Thái trong mấy năm gần đây. Anh là một trong những nhà văn chuyên nghiệp nhất Việt Nam, viết và ra sách đều đặn, cả hư cấu và phi hư cấu. Ở thể loại phi hư cấu những bài viết, bài tiểu luận của anh bàn về chuyện gì, đời sống hay văn chương nghệ thuật, Hồ Anh Thái đều đưa ra cái nhìn riêng tỉ mỉ, cụ thể, sâu rộng. Anh có một cách viết nhẹ nhàng, hài hước, dễ đọc dễ thấm cho người đọc. Bạn đọc cuốn sách này chắc cũng sẽ cất lên được tiếng cười cùng tác giả, ngay cả nếu bạn không là dân văn chương nghệ thuật, vì những chuyện tác giả nói ra ở đây quả là đáng cười. Cười để buồn cho một thực trạng đáng buồn dưới mắt nhìn của Hồ Anh Thái. Và bạn cũng sẽ mong như tác giả sẽ được cười vui ở những cuốn truyện, bộ phim, vở kịch gây được tiếng cười thoải mái, sảng khoái, tích cực cho khán giả, độc giả.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 24/8/2021


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem