Dân Việt

Từ hàng loạt vụ cảnh báo của EU về ATTP: Cần đầu mối đủ chức năng, nhiệm vụ để tiếp nhận, hỗ trợ doanh nghiệp

Nguyên Linh 12/09/2021 14:19 GMT+7
Không riêng vụ mì tôm Hảo Hảo và một số hàng hóa thực phẩm chế biến sẵn bị các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo gần đây, đã có rất nhiều loại hàng hóa nông sản, thực phẩm nước ta bị cảnh báo, thu hồi và yêu cầu tái xuất.
Từ hàng loạt vụ cảnh báo của EU về ATTP: Cần đầu mối đủ chức năng, nhiệm vụ để tiếp nhận, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Vì thế, câu hỏi đặt ra, đó là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm minh bạch, quản lý về vấn đề này và có những tham mưu kịp thời với Chính phủ; hướng dẫn, thông tin kịp thời đến doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề ứng phó với các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh động, thực vật của thị trường nhập khẩu; đảm bảo hài hòa lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp?

SPS - Văn phòng bị lãng quên?

Ông Nguyễn Tử Cương - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sau khi biết thông tin, mì tôm Hảo Hảo của Công ty Acecook và mì khô bò, gà của Công ty Thiên Hương bị các nước thành viên EU cảnh báo mới giật mình nhớ lại một cơ quan mà ông coi là "Văn phòng bị lãng quên", đó là Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), khi Văn phòng này liên tục phát các công văn cảnh báo của EU về các lô hàng thực phẩm, thủy sản xuất khẩu.

Từ hàng loạt vụ cảnh báo của EU về ATTP: Cần đầu mối đủ chức năng, nhiệm vụ để tiếp nhận, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Đồng Tháp (anh mang tính chất minh họa). Ảnh: TTXVN

Theo ông Cương, trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, có 2 việc mà WTO yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng và làm ngay, đó là: Ban hành Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn và thành lập Văn phòng SPS Việt Nam và Văn phòng SPS Việt Nam đã được thành lập theo Quyết định số 99/2005/QĐ ngày 9/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định này, Văn phòng SPS Việt Nam được thành lập để giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đặt Văn phòng này lại Vụ Hợp tác Quốc tế và giao một Phó Vụ trưởng kiêm Giám đốc Văn phòng; tới năm 2017, thì chuyển Văn phòng SPS Việt Nam về đặt tại Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Ông Nguyễn Tử Cương cho rằng, việc đặt Văn phòng SPS Việt Nam tại một Vụ, Cục nào đó thực chất là không đúng với nhiệm vụ, chức năng của cơ quan này, cụ thể nhất như hiện nay thì Văn phòng SPS Việt Nam không phải là một đơn vị đặt tại Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản được, mà cần phải tổ chức, bố trí lại sao cho giống một đơn vị đầu mối quốc gia, đúng như cam kết của Việt Nam khi vào WTO là phải có một cơ quan đầu mối.

"Rất nhiều thông tin về an toàn thực phẩm thời gian vừa qua, các nước nhập khẩu đều gửi dự thảo bằng tiếng Anh cho chúng ta, để từ đó phía ta tiếp nhận và chỉnh sửa, đó chính là SPS, sau đó Văn phòng SPS Việt Nam sẽ gửi thông tin đó đến đơn vị liên quan cụ thể để trả lời và Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tổng hợp lại thông tin để gửi lại cho đối tác"- ông Nguyễn Tử Cương cho biết.

Vì thế, theo ông Cương về mặt tổ chức bây giờ, phải đưa Văn phòng SPS Việt Nam trở lại vị trí, chức năng, nhiệm vụ khi chúng ta gia nhập WTO. Bởi việc này, không đơn thuần chỉ là về mặt tổ chức, mà còn liên quan đến việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật đối với hàng hóa xuất/nhập khẩu, đối với lợi ích của doanh nghiệp, từ đó có thể xử lý kịp thời các vấn đề liên quan để tránh thiệt hại và uy tín hình ảnh của Việt Nam.

Cảnh báo an toàn thực phẩm đối với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu

Trên thực tế, các thông tin cảnh báo của EU hay Mỹ, Nhật… liên quan đến an toàn thực phẩm hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã xảy ra rất nhiều lần. Song hầu hết đó chỉ là các mặt hàng tươi sống, dành cho xuất khẩu nên ít được dư luận trong nước chú ý. Chỉ đến khi có cảnh báo về một sản phẩm xuất khẩu gắn liền với một thương hiệu mà trong nước cũng hay sử dụng là mì tôm Hảo Hảo, dư luận mới "dậy sóng".

Từ hàng loạt vụ cảnh báo của EU về ATTP: Cần đầu mối đủ chức năng, nhiệm vụ để tiếp nhận, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 3.

Từ hàng loạt vụ cảnh báo của EU về ATTP: Cần đầu mối đủ chức năng, nhiệm vụ để tiếp nhận, hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 4.

Văn phòng SPS Việt Nam mới có thông báo về việc 2 lô hàng cá đông lạnh và tôm thẻ chân trắng của Việt Nam bị EU cảnh báo.

Sau mì tôm Hảo Hảo, ngày 10/9, theo thông báo từ Văn phòng SPS Việt Nam, Liên minh châu Âu đã cảnh báo về sản phẩm cá đông lạnh xuất khẩu. Theo đó, Na Uy đã thông báo thu hồi lô hàng, Hà Lan thông báo cho người gửi hàng và Thụy Điển thông báo cho cơ quan chức năng một lô hàng cá đông lạnh 200kg do Công ty Cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn do nhiễm Salmonella (một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột) với mức độ chưa nghiêm trọng.

Cũng ngày 10/9, Văn phòng SPS Việt Nam cũng có công văn cảnh báo của Liên minh châu Âu với sản phẩm tôm thẻ chân trắng. Theo đó, Italia thông báo đến cơ quan chức năng lô hàng hơn 16,5 tấn tôm thẻ chân trắng do Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu (tại Cà Mau) có dư lượng sulphite vượt quá dư lượng cho phép. Mức cảnh báo: Nghiêm trọng.

Về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm xuất khẩu, ông Nguyễn Tử Cương cho rằng, hiện chúng ta mới chỉ chú ý đến việc hậu kiểm, mà không đặt trọng tâm vào tiền kiểm, nên cứ mỗi khi có xảy ra cảnh báo chất lượng an toàn thực phẩm, mới chạy theo để đi kiểm tra là quá muộn và thiệt hại lớn.

Theo ông Cương, tiền kiểm ở đây tức là chúng ta phải xây dựng quy trình nhận diện mối nguy trong an toàn thực phẩm, trong quản lý bệnh dịch, từ đó để thiết lập cơ chế kiểm soát để không xảy ra việc cảnh báo, thu hồi sản phẩm hoặc sản phẩm khi xuất khẩu phải đảm bảo dư lượng tối đa cho phép của thị trường nhập khẩu. Tiếp theo mới là lấy mẫu lô hàng để kiểm tra bước 1 xem có hiệu quả không. Từ đó, mới tránh được các sự cố cảnh báo, thu hồi sản phẩm, gây thiệt hại cả về uy tín thương hiệu và kinh tế.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Dân Việt về việc minh bạch các biện pháp kiểm dịch động, thực vật sau khi các lô hàng mì tôm Hảo Hảo và mì khô vị bò, gà Thiên Hương bị Ireland và một số nước trong EU cảnh báo, thu hồi, TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết:

Theo quy định, khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì không chỉ EU mà cả các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc,... cũng có thể có những cảnh báo gửi về Văn phòng SPS Việt Nam.

Bởi hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi hiệp định của WTO về biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS).

Những cảnh báo vi phạm quy định của EU như trường hợp mì ăn liền Hảo Hảo hay mì khô vị bò gà hầu như năm nào Văn phòng cũng nhận được. Hàng tháng có khoảng 100 thông báo và văn bản pháp lý có hiệu lực về các biện pháp SPS mà các Thành viên WTO áp dụng.

Theo thống kê sơ bộ, một năm chúng tôi nhận được khoảng 50 cảnh báo của EU và các nước liên quan đến các biện pháp SPS, có cảnh báo nghiêm trọng, có cảnh báo không nghiêm trọng.

Chức năng của Văn phòng SPS Việt Nam là phải minh bạch những điều đó để cơ quan quản lý, doanh nghiệp biết và kiểm tra lại quy trình có giải pháp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN