Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN thăm quan mô hình nuôi ốc nhồi rộng 720 m2, ông Đỗ Quang Sản (68 tuổi, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), kể về "cái duyên" nuôi 50 con siêu đẻ, bán đắt tiền này.
Clip: Mô hình nuôi ốc nhồi ví như "con siêu đẻ" bán đắt tiền của hộ ông Đỗ Quang Sản (xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh bình). Thực hiện: Vũ Thượng
"Gia đình tôi làm 8 sào ruộng, cùng với một cửa hàng cho thuê cốp pha…Tình cờ một lần đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp, tôi ấn tượng với loài ốc nhồi. Con ốc nhồi là "con siêu đẻ" bởi một năm 1 con ốc mẹ đẻ 5-6 ổ trứng, biết cách nuôi thì vừa nhàn mà lại cho hiệu quả kinh tế cao", ông Đỗ Quang Sản nói.
Ông Sản chia sẻ: "Lúc đó, tôi có xin 50 con ốc nhồi bố mẹ về nuôi thử, coi như thí điểm nếu phù hợp với môi trường thì sẽ quay lại mua số lượng lớn. Bất ngờ sau nhiều tháng nuôi, chỉ 50 con ốc nhồi ban đầu, mà tôi giờ đây có hai ao nuôi con siêu đẻ đặc kịt".
Hiện tại, trong ao nuôi của gia đình ông Sản ước lượng khoảng 3-4 vạn con ốc nhồi, với giá bán ốc thương phẩm từ 80.000-100.000 đồng/kg, ốc giống giá bán 500 đồng/con…Bình quân gia đình ông Sản thu khoảng 3.000.000 đồng/tháng nhờ bán con siêu đẻ.
Theo ông Đỗ Quang Sản, nếu biết cách, có kinh nghiệm thì nuôi con ốc nhồi rất nhàn, thức ăn kiếm đơn giản mà không cần phải bỏ tiền mua như: Bèo tấm, bèo tây, cám, rau cỏ các loại...Ốc nhồi ăn lớn nhanh, đẻ trứng nhiều, lợi nhuận cao lại không mất nhiều công chăm sóc.
Để nuôi con ốc nhồi không bị hao hụt, quan trọng là nguồn nước không bị ô nhiễm. Đặc biệt, khi về mùa đông mực nước trong ao nuôi tốt nhất khoảng 0,8-1 mét, xung ao nuôi hạn chế gió lùa, thả kín cây bèo tây (lục bình).
Con ốc nhồi sống tốt, phát triển và sinh sản ở nhiệt độ khoảng từ 20-32 độ C. Vì vậy ở miền Bắc, thường bắt đầu nuôi ốc nhồi từ tháng 4-12. Vào mùa Đông ốc nhồi sẽ dừng ăn và tìm nơi trú ẩn. Mật độ thả nuôi ốc nhồi khoảng 1m2 thì thả khoảng 100 con ốc nhồi là đạt chuẩn.
"Để có một ao nuôi ốc nhồi lý tưởng, trước tiên phải hút cạn nước, khử tạp chất, vi khuẩn, các loại thiên địch như rắn, cá chuối (cá quả, cá lóc)...bằng vôi bột, phơi nắng khoảng 20 ngày. Sau đó cho phân chuồng, phân lân xuống nhằm mục đích tạo mùn, tạo màu cho ao nuôi ốc nhồi...
"Khi lấy nước vào ao nuôi ốc nhồi, phải chọn nước sạch không ô nhiễm, không cho các thiên địch như: cá, cua, ốc bươu vàng...vào ao nuôi", ông Đỗ Quang Sản chia sẻ bí quyết nuôi ốc nhồi thành công.
Theo ông Sản, thông thường ốc nhồi hay mắc các bệnh như: sưng vòi, nhiễm ký sinh trùng, rêu xanh bám vào thân...Phải thường xuyên kiểm tra ao nuôi ốc nhồi, và phòng tránh kịp thời gồm giảm thức ăn của ốc, thay nước, dùng vôi bột để xử lý ao nuôi...
Được biết, một con ốc nhồi mẹ đẻ từ 5-6 ổ trứng/năm, thời gian ấp trứng từ 20-25 ngày. Khi ấp trứng ốc nhồi phải thường xuyên quan sát và luôn giữ cho trứng khô. Ốc nhồi đẻ trứng dưới ao dễ bị phân tán, không thu gom được, bị chuột, rắn ăn và tỷ lệ nở thành con sẽ thấp.
Ốc nhồi là con đặc sản, có thể nấu được rất nhiều món ăn ngon khác nhau nên đây là loại nuôi khá triển vọng và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc đầu ra ổn định so với các loại vật nuôi khác thì nuôi ốc nhồi chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều tiền mua thức ăn nên rất phù hợp với nuôi nhỏ lẻ.