Dân Việt

Những thành phần nào được tham gia phiên tòa trực tuyến?

Phạm Hiệp 16/09/2021 11:25 GMT+7
Tòa án nhân dân Tối cao vừa ban hành dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Trong dự thảo này quy định rõ các thành phần tham gia tại các điểm cầu.

Phiên tòa trực tuyến có 2 điểm cầu

Theo dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến của Tòa án nhân dân Tối cao, quy chế này được áp dụng đối với các Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, công chức Tòa án và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan khi tham gia xét xử vụ án, giải quyết vụ việc trực tuyến.

Nguyên tắc tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.

Bảo đảm bí mật, an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật. Bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm việc xét xử, giải quyết được tiến hành công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật.

Dự thảo thể hiện, phiên tòa trực tuyến gồm điểm cầu trung tâm và điểm cầu tham gia. Điểm cầu trung tâm là điểm cầu được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc địa điểm khác do Tòa án lựa chọn, có sự tham gia của những người tiến hành tố tụng tiến hành phiên tòa, phiên họp.

Những thành phần nào được tham gia phiên tòa trực tuyến? - Ảnh 1.

Phiên tòa trực tuyến sẽ có điểm cầu trung tâm và điểm cầu tham gia. Ảnh: N.H

Điểm cầu tham gia là điểm cầu được Tòa án tổ chức hoặc chấp nhận, có sự tham gia của bị cáo, bị hại, đương sự, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người làm chứng.

Tại điểm cầu trung tâm, phòng xử án phải được trang bị hệ thống trực tuyến bao gồm trang thiết bị điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của Tòa án.

Phòng xử án phải trang bị các thiết bị phục vụ phiên tòa, phiên họp trực tuyến như sau: Hệ thống chiếu sáng; Hệ thống đường truyền và thiết bị mạng; Hệ thống âm thanh; Thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu tham gia phiên tòa, phiên họp trực tuyến…

Tại điểm cầu tham gia đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính không quá 5 điểm cầu và phải đảm bảo các yêu cầu sau đây: Bảo đảm không gian tại điểm cầu lịch sự, nghiêm túc, yên tĩnh; Bảo đảm ánh sáng, tránh ngược sáng, màu sắc phản cảm; Bảo đảm hình ảnh, không gian xung quanh người tham gia được hiển thị đầy đủ trên màn hình trình chiếu…

Với điểm cầu tham gia đối với phiên tòa xét xử vụ án hình sự tối đa không quá 3 điểm cầu. Trường hợp điểm cầu tham gia đặt tại cơ sở giam giữ phải đảm bảo được một số yêu cầu.

Những ai được tham gia phiên tòa trực tuyến?

Theo dự thảo, tại điểm cầu trung tâm, thành phần tham gia gồm Hội đồng xét xử/Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xét xử vụ án/Kiểm sát viên kiểm sát việc xét xử, giải quyết vụ việc, đương sự, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có).

Trường hợp phiên tòa, phiên họp được tổ chức công khai thì Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cá nhân, cơ quan, tổ chức tham dự phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

Những thành phần nào được tham gia phiên tòa trực tuyến? - Ảnh 2.

Theo dự thảo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có) sẽ là thành phần tham gia tại điểm cầu trung tâm. Ảnh: N.H

Tại điểm cầu tham gia, đối với vụ án hình sự, điểm cầu tham gia được đặt tại cơ sở giam giữ có thành phần tham gia gồm bị cáo; người bào chữa; cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ và Kiểm sát viên (nếu có). Trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi thì bố trí người đại diện hợp pháp tham gia tại điểm cầu này, trừ trường hợp họ đề nghị tham gia tại điểm cầu trung tâm.

Trường hợp phiên tòa xét xử phúc thẩm không thể bố trí điểm cầu tham gia tại cơ sở giam giữ thì có thể đặt tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở giam giữ.

Thành phần tham gia gồm bị cáo, bị hại, đương sự; người tham gia tố tụng khác; công chức Tòa án hỗ trợ tổ chức phiên tòa; Kiểm sát viên (nếu có); cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ; cảnh sát hỗ trợ tư pháp (nếu thấy cần thiết).

Đối với vụ án hành chính, vụ việc dân sự điểm cầu tham gia được đặt tại nơi đương sự lựa chọn được Tòa án chấp nhận.Thành phần tham gia gồm đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có).

Mặt khác, đối với vụ việc có người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thì họ tham gia phiên tòa, phiên họp tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí.

Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không thể tham gia phiên tòa, phiên họp tại một trong các điểm cầu mà Tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận thì phải có văn bản đề nghị Tòa án cho phép tham gia phiên tòa, phiên họp tại điểm cầu mình tự bố trí.

Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quyền trao đổi với bị cáo, bị hại, đương sự khi được Chủ tọa phiên tòa, phiên họp đồng ý.

Trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa, phiên họp trực tuyến

1. Trình tự, thủ tục phiên tòa, phiên họp trực tuyến thực hiện như phiên tòa, phiên họp thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

2. Một số yêu cầu cần thực hiện tại phiên tòa, phiên họp trực tuyến như sau:

a) Tòa án kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên tòa, phiên họp thông qua so sánh trực tuyến các giấy tờ tùy thân hoặc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với phiên tòa xét xử vụ án hình sự tại điểm cầu tham gia thì công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ sở giam giữ hỗ trợ phiên tòa phải kiểm tra sự có mặt của những người được triệu tập và thông báo cho Thư ký phiên tòa.

Đối với phiên tòa, phiên họp phúc thẩm vụ án hành chính, vụ việc dân sự tại điểm cầu tham gia của trụ sở Tòa án đã xét xử, giải quyết sơ thẩm thì công chức Tòa án hỗ trợ phiên tòa phải kiểm tra sự có mặt của những người được triệu tập và thông báo cho Thư ký phiên tòa, phiên họp.

b) Khi khai mạc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải phổ biến thêm việc xét xử trực tuyến vẫn đảm bảo các trình tự, thủ tục tố tụng; các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, đương sự vẫn được thực hiện theo quy định pháp luật tố tụng.

c) Trường hợp người tham gia tố tụng tại điểm cầu tham gia cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ thì thực hiện như sau:

Đối với vụ án hình sự thì công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ tiếp nhận, thực hiện sao chụp theo hình thức dữ liệu điện tử và gửi cho Hội đồng xét xử.

Đối với vụ án hành chính, vụ việc dân sự thì họ tự sao chụp theo hình thức dữ liệu điện tử và gửi cho Hội đồng xét xử/Thẩm phán chủ tọa phiên họp.

Chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải công bố, xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ này sau khi nhận được bản sao chụp tài liệu, chứng cứ.

d) Phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử.

đ) Biên bản phiên tòa, phiên họp tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Ghi rõ phiên tòa, phiên họp diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu tham gia.

e) Bản án, quyết định của Tòa án phải tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Phần mở đầu của bản án, quyết định của Tòa án phải ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu tham gia.

3. Xác định tư cách tham gia tố tụng của Kiểm sát viên, công chức Tòa án hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu tham gia với tư cách "Người tham gia tố tụng khác".