Ngày 16/9, thêm nhiều quận tại Hà Nội trở thành vùng xanh, thành phố cho phép hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại vùng xanh được bán hàng mang về. Các hàng ăn, nhất là các quán phở đắt khách ngay sau khi mở cửa. Giá bán cơ bản vẫn được giữ nguyên so với trước đợt dịch.
Trên phố Ngô Xuân Quảng (Trâu Quỳ, Gia Lâm), hai vợ chồng chủ quán phở gà tíu tít phục vụ đồ ăn cho khách đang xếp hàng chờ mang về. Dù phải mất công đóng gói, mất thêm chi phí như hộp xốp, túi bóng… nhưng chủ quán không tăng giá so với trước, mỗi bát trên dưới 40.000 đồng, tùy loại.
Chốt phiên 16/9, giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco giảm còn 1.775,30 -1.776,30 USD/ounce (mua vào - bán ra).
Như vậy, nếu người mua xuống tiền vào đầu tuần ngày 13/9 với giá 1.786,6 USD/ounce thì đến hôm nay 16/9 đã lỗ tới 10 USD/ounce chỉ trong 4 ngày.
Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo lạm phát trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng trước. Áp lực lạm phát trong tháng 8 thấp hơn dự báo tăng 0,4% của Wall Street Journal. Áp lực lạm phát vẫn còn phổ biến và duy trì ở mức cao, đưa chỉ số CPI lên 5,3% trong 12 tháng qua.
Đợt bán tháo hôm nay dường như là kết quả của áp lực bán kỹ thuật. Vàng đóng cửa phiên 15/9 ngay dưới đường MA200 (mức kháng cự kỹ thuật đầu tiên) và mở cửa dưới mức giá đó trong ngày 16/9 đã khiến các nhà giao dịch ngắn hạn chốt lời.
Ông David Meger - Giám đốc đầu tư vàng và ngoại hối tại High Ridge Futures - cho biết: “Tôi chưa thấy bất kỳ yếu tố nào có thể giúp giá vàng phục hồi. Bất kỳ số liệu kinh tế tích cực nào cũng là tin xấu đối với vàng. Nếu các thống kê kinh tế khả quan tiếp tục được công bố, Fed sẽ sẵn sàng bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản và giá vàng có khả năng đi ngang sau cuộc họp FOMC."
Tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư đang dồn vào cuộc họp Fed. Giá vàng được dự báo có thể sẽ tiếp tục đi ngang và giao động quanh mốc 1.800 USD/ounce.
Giá vàng trong nước hôm nay: Giá vàng SJC có giá 56,50 - 57,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng DOJI có giá 56,60 – 57,70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, vừa nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc Chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh).
Thời gian tạm dừng thông quan thanh long kéo dài 7 ngày, từ ngày 15 đến ngày 21/9 do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của phía Đông Hưng, sau 23h ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.
Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản thông báo tới Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất khẩu tại Điểm xuất hàng Km 3+4 để chủ động phương án phân luồng hàng hóa.
Bộ Công Thương cho biết đã có đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây, để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19.