Dân Việt

Kinh tế nóng nhất: Đại gia bất động sản ở Nghệ An bị bắt "nóng"

Nguyễn Phương 17/09/2021 21:48 GMT+7
Hai vợ chồng là đại gia bất động sản ở Nghệ An bị bắt; Đơn hàng đăng ký "đi chợ hộ" tại TP.HCM giảm mạnh; Bộ trưởng GTVT yêu cầu xem xét lại việc cấp giấy đi đường... là những thông tin kinh tế nóng nhất hôm nay...

Vì sao hai vợ chồng là đại gia bất động sản ở Nghệ An bị bắt?

Hai vợ chồng là đại gia bất động sản ở Nghệ An bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, hôm nay (ngày 17/9), Công an tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bà Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty TNHH TM Minh Khang và ông Nguyễn Đình Khang - Trưởng ban quản lý dự án Khu đô thị Minh Khang.

Kinh tế nóng nhất: Đại gia bất động sản ở Nghệ An bị bắt "nóng" - Ảnh 1.

Dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, y tế và nhà ở tại xã Nghi Phú (TP.Vinh) có nhiều sai phạm. Ảnh: LĐ

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Công ty TNHH TM Minh Khang là chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, thiết bị y tế và nhà ở (gọi tắt là khu đô thị Minh Khang) tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh.

Bà Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1956, quê ở tỉnh Hải Dương, là Giám đốc công ty - người đại diện theo pháp luật. Ông Nguyễn Đình Khang (sinh năm 1948, quê ở tỉnh Hải Dương, chồng bà Thu) giữ chức vụ Trưởng ban quản lý dự án, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Minh Khang.

Trong quá trình triển khai dự án, bà Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Đình Khang đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với bà Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Đình Khang về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Nghệ An đã bắt tạm giam đối với 2 bị can nói trên; đồng thời khám xét nơi làm việc của 2 bị can. Được biết, dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, thiết bị y tế và nhà ở (gọi tắt là khu đô thị Minh Khang) tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh có nhiều sai phạm về tiến độ sử dụng đất, huy động vốn, nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất…

Đơn hàng đăng ký "đi chợ hộ" tại TP.HCM giảm mạnh

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trong ngày 16/9, tổng nhu cầu "đi chợ hộ" đăng ký trong ngày là 55.468 hộ, giảm 6,81% (tương đương giảm 4.053 hộ) so với ngày hôm trước. Có 16/22 địa bàn có nhu cầu giảm trong ngày.

Đáng chú ý, TP.Thủ Đức giảm 867 hộ, huyện Hóc Môn giảm 746 hộ, quận 8 giảm 700 hộ, huyện Củ Chi giảm 742 hộ... Có 6/22 địa bàn có nhu cầu tăng trong ngày, bao gồm quận 1, 3, 6, 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.

Như vậy, sau khi có thông tin thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sau ngày 15/9, đến 16/9 nhu cầu đăng ký đã quay đầu giảm mạnh (giảm 4.053 hộ) do người dân đã có nhiều lựa chọn mua hàng thực phẩm thiết yếu ngoài phương thức “đi chợ hộ”.

Đặc biệt, sau ngày 15/9, các huyện Cần Giờ và Củ Chi giảm mạnh "đi chợ hộ" (tương ứng giảm 198 hộ và giảm 742 hộ) do bắt đầu triển khai chủ trương cho phép người dân đi chợ trực tiếp 1 tuần/lần/hộ. 

Bộ trưởng Giao thông yêu cầu xem xét lại việc cấp giấy đi đường

Kinh tế nóng nhất: Đại gia bất động sản ở Nghệ An bị bắt "nóng" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics. Ảnh TP

Tại cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logictics hôm nay (17/9), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương xem xét lại việc cấp giấy đi đường. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa để hoạt động hàng hải thông suốt, duy trì hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Các địa phương cần xem xét lại vấn đề cấp giấy đi đường. Hoạt động tại cảng biển là đặc thù, để duy trì được phải có đủ lực lượng từ hải quan, cảng vụ, y tế, lái xe, đại lý giao nhận đến công nhân,… Tỷ lệ cấp giấy đi đường phải đạt mức 70 - 80% để đảm bảo đủ nhân lực tham gia khai thác tại khu vực cảng chứ không thể chỉ ở mức 10 - 20% như hiện nay”.

Hiện, Bộ GTVT cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức giao thông, tổ chức hoạt động vận tải trong tình hình mới khi các địa phương nới lỏng giãn cách.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện hơn nữa cho công tác thay thế thuyền viên, nhất là những người đã được tiêm vaccine.

“Nếu cần thiết, địa phương có thể thành lập tổ công tác xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ lực lượng thuyền viên trước khi xuống tàu. Nếu không có cơ chế mở, tâm lý của thủy thủ sẽ chịu tác động rất lớn nếu phải ở trên tàu dài ngày, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa”, Bộ trưởng nói.