Những gánh củi có hình dáng chữ A chạy dài bên chái hiên nhà cứ lừng lững đi vào đời tôi như một điều gần gũi, ấm áp thân thiện mà gợi mở về một khoảng trời ấu thơ nơi quê nhà Mỹ Thạnh.
Làng tôi nghèo. Không những sau chiến tranh mà nghe đâu từ xa xưa vẫn vậy. Cái dải đất thõng thẹo nằm ven hạ lưu sông Trầu bao quanh là dãy núi Chôm với những thửa ruộng bậc thang manh mún và nhiều những Cấm, đồi nuôi dưỡng nhiều loài cây hoang dại. Những loại cây như: Dền, Rang, Chân Đàn, Bạc lá… là những loại củi cháy đượm, cho nhiều than rất được nhiều người ưa chuộng. Thuở ấy, lá chè xanh và củi là hai đặc sản của làng Mỹ Thạnh đã được cư dân nơi chợ Hiệp Đức ghi nhận một thời.
Thường thì củi để bán được mọi người đốn quanh năm bất cứ khi nào rảnh. Làm ruộng buổi trưa nghỉ lại bên khe, lật gói cơm lá chuối ra ăn xong là đi vơ củi, bó lại thành kèo để chiều về có cái đi chợ. Đi săn, đặt bẫy hay hái rau rừng cũng vậy. Lúc nào cũng lừng lững trên vai một gánh củi kèo cứ như là chuyện thường tình ở làng. Bởi vì củi là tiền, là mắm, là nhu yếu phẩm cho mỗi gia đình.
Thế nhưng rộ nhất vẫn là sau khi thu hoạch vụ mùa tháng ba thì gần như mọi người trong làng đều đi vơ củi. Lúc này thì vui lắm, vì ai cũng dẫn cả gia đình theo cơm đùm gạo gói vô rừng có khi chiều về có khi đóng trại ở lại mấy ngày. Củi đốn thường là củi tươi, chặt ra từng đoạn cỡ một mét rưỡi rồi dồn lại chất thành ô lớn nhỏ tùy thích để luôn trong rừng. Mỗi nhà có nhiều ô, nhiều chỗ khác nhau như những kho riêng để tiện bề gánh về chuẩn bị cho bếp mùa đông và chạy chợ quanh năm.
Điều đáng nói là cách bó củi và gánh củi ở làng tôi không lẫn vào đâu được. Không biết ai trong làng quê tôi đã sáng tạo ra cách gánh cái kèo củi ngộ nghĩnh này mà sau này lớn lên đi nhiều nơi tôi không thấy có. Cũng đi vơ, đi hái củi nhưng cách bó và gánh củi về là cả một điều khác biệt vừa đẹp mắt, gọn gàng, giản đơn và tiện lợi vừa thanh thoát, nhẹ nhàng và trường sức giúp người gánh đỡ mệt mỗi khi muốn nghỉ chặng giữa đường.
Khi chặt xong, củi được sắp và bó lại từng bó vừa sức gánh. Sau đó, người lấy củi chặt một thanh củi có độ dài chừng ba mươi phân để trên đầu một bó củi và chồng thêm lên một bó nữa rồi bó chung hai đầu củi lại với nhau sao cho giữ được thanh củi trên đầu không chạy lên hay rớt xuống. Cuối cùng, dựng hai bó củi lên, xòe chân ra ta có một gánh củi kèo hình chữ A rất đẹp. Vót nhọn hai đầu một thanh củi độ năm mươi phân cắm vào giữa hai bó củi làm đòn gánh là người lấy củi có thể gánh đi nhẹ nhàng không vướng víu. Rất xưa bằng cách này, ba mẹ tôi đã gánh cả ước mơ của anh em chúng tôi bước qua cả một thời khốn khó.
Thường bà con làng tôi bán củi vào những buổi chiều tối và đêm. Vì khách mua đa số là bà con cư ngụ tại chợ Hiệp Đức rất cần củi để đun nấu và làm dịch vụ. Cứ cơm tối xong là họ í ới gọi nhau cùng đi từng tốp. Có gia đình đi bán nhiều người, người chồng chuyên gánh chặng để một nơi và người vợ cứ đến đó mà gánh vào chợ bán. Một đêm có thể bán được nhiều lần, nhiều gánh.
Bán xong là mua hàng ngay từ các tiệm tạp hóa và có khi còn rủng rỉnh tiền cho cả gia đình vào ngồi quán mì Quảng bà Lầu, ông Nhung nữa. Một buổi chợ đậm đà tình nghĩa không nặng về trả chác hơn thua; thân thiện gần gũi với những lời thăm hỏi sức khỏe, mùa màng và ánh lên niềm hạnh phúc giản đơn ấm áp, chia sẻ của gia đình.
Có thể nói những kèo củi chữ A của làng Mỹ Thạnh đã giúp cho người dân quê tôi vượt qua những khốn khó trong những buổi đầu sau ngày chiến tranh kết thúc. Nơi để lại trong tôi những ký ức đẹp về quê hương, gia đình, bạn bè ngày thơ ấu với những buổi theo cha lên rừng hay theo mẹ đi chợ bán củi. Ngọn lửa từ làng tôi được tỏa đi khắp nơi để sưởi ấm những bếp tàn tro lạnh, với những sum họp được gọi về trong nồng nàn yêu thương, đoàn tụ.
Bây giờ thì gần như không ai chụm củi nữa rồi khi bếp điện, bếp ga sang trọng đã thay thế bếp củi nhọ nhem. Làng tôi đã thôi bán củi, đã bớt khó khăn và dễ chừng đã có của ăn của để. Nhưng không biết tại sao mỗi lần về làng, đứng trước những ngôi nhà mới khang trang, tường vôi cổng ngỏ tự nhiên tôi cứ nghe "thèm" một tiếng gọi nhau đi chợ trong bóng dáng những kèo củi ngang qua lúc hoàng hôn vừa vào tối.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!