Tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), Công ty TNHH MTV TS Farm Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Công ty có chuồng trại chăn nuôi được xây dựng bài bản với quy mô gần 30ha.
Quá trình chăn nuôi, sản xuất của TS Farm được vận hành bằng máy móc hiện đại với tổng giá trị đầu tư hơn 80 tỷ đồng.
Có 3 khu nuôi gà đẻ trứng với số lượng 150.000 con, mỗi ngày TS Farm cho ra thị trường hơn 120.000 quả trứng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, công ty bước đầu có thị trường ổn định, tạo công ăn việc làm cho hơn 15 lao động ở địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Thành - Quản lý điều hành công ty TS Farm cho biết, do quy trình nuôi khắt khe nên chi phí đầu tư cao hơn chăn nuôi thông thường.
Trứng gà của công ty đưa ra thị trường với giá bán từ 1.900 - 2.000 đồng/trứng mới có lời.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các thị trường lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tăng cường giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh. Việc vận chuyển, tiêu thụ gặp khó khăn nên giá trứng gà tại trại giảm mạnh.
Giá trứng hiện tại chỉ còn 1.600 - 1.700 đồng/trứng. Công ty lỗ từ 300 - 400 đồng/trứng so với trước.
Ông Thành kể, điều công ty đang lo lắng nhất là số lượng trứng còn tồn đọng rất lớn. Nếu không kịp tiêu thụ, công ty buộc phải tiêu hủy.
Mỗi ngày công ty sản xuất ra hơn 120.000 quả trứng nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 30.000 - 40.000 quả.
Thị trường tiêu thụ chậm nên lượng trứng cứ ùn lại. Hiện công ty đang tồn hơn 350.000 quả trứng.
Theo ông Thành, riêng tiền thức ăn để duy trì đàn gà khoảng 6 tỷ đồng mỗi tháng, chưa tính các khoản chi phí khác.
"Việc thải loại gà đẻ trứng bây giờ đang khó vì không có nơi tiêu thụ nhưng càng nuôi thì lại càng thua lỗ. Công ty đang cố sức cầm cự", ông Thành nói.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, TS Farm đang rất nóng lòng chờ mong dịch bệnh sớm đi qua, để quay lại chăn nuôi sản xuất.
Để tháo gỡ khó khăn bước đầu, Sở NNPTNT và Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đang kêu gọi cán bộ, hội viên tiêu thụ trứng cho công ty hơn 40.000 quả.
"Nếu tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng tôi bắt buộc phải giảm đàn", ông Thành chia sẻ.
Theo ông Vỗ Văn Triết, hộ nông dân chăn nuôi gà đẻ trứng ở huyện Dương Minh Châu, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng.
Trong đó có các nhà hàng, khách sạn gần như không hoạt động, bếp ăn tại các các trường học tạm đóng cửa. Việc tiêu thụ trứng gà gặp khó, giá giảm thấp.
Chưa kể, một số tin đồn thất thiệt như tiêm vaccine Covid-19 thì không được ăn trứng. Đây là quan niệm rất sai.
"Dù cơ quan chức năng đã kịp thời đính chính nhưng điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi trứng gia cầm", ông Triết nói.
Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến các hộ nuôi nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp chăn nuôi số lượng lớn cũng lâm vào cảnh khó khăn.
Ông Triết tâm sự, nông dân và doanh nghiệp đang rất cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời để vượt qua giai đoạn khó khăn, yên tâm chăn nuôi sản xuất.
Giá trứng gia cầm nói chung hiện cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự ở nhiều địa phương khác.
"Bình Dương còn tồn mỗi ngày hơn 2 triệu quả trứng gà. Cả thịt và trứng gà còn tồn dư đang tác động rất lớn đến khả năng tái sản xuất".
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương
Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) cho biết công ty cũng đang phải gồng mình chịu lỗ để giữ ổn định giá bán trứng đến tay khách hàng.
Theo đó, Vĩnh Thành Đạt bán ra với giá 28.000 đồng/chục trứng gà và 33.000 đồng/chục trứng vịt.
Cũng tại TP.HCM, Công ty Ba Huân đang bán từ 23.000 - 25.000 đồng/chục trứng gà, loại không có vỉ đựng.
Tại buổi kết nối tiêu thụ nông sản mới đây với các tỉnh thành phía Nam, ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cũng cho biết, thịt gà đang gặp khó trong tiêu thụ. Nhu cầu về trứng cũng giảm mạnh.