Nông dân Tây Ninh không cho đất nghỉ, không bỏ ruộng hoang
Tây Ninh: Nông dân quyết không bỏ ruộng hoang, chờ cơ hội nông sản tăng giá sau dịch
Trần Khánh
Thứ năm, ngày 23/09/2021 06:55 AM (GMT+7)
Dù tiêu thụ nông sản chưa hết khó khăn, nhiều nông dân ở Tây Ninh vẫn kiên trì canh tác, không cho đất nghỉ, không bỏ ruộng hoang để duy trì chuỗi cung ứng nông sản.
Vụ lúa hè thu vừa qua, nông dân ở huyện Bến Cầu gặp nhiều khó khăn từ thu hoạch đến tiêu thụ.
Ông Đinh Ngọc Thảo ở xã Long Thuận kể, lúa chín khắp đồng ngay dịch Covid-19. Đã vậy, những cơn mưa liên tục kéo dài khiến đồng lúa bị ngập nước.
Nhiều người trong xã không thể ra ngoài cắt lúa do giãn cách xã hội. Nông dân phải nhờ đến lực lượng thanh niên địa phương thu hoạch giúp.
Giá bán lúa giảm thấp trong khi giá vật tư phân, thuốc tăng cao. Người trồng lúa rất lo ngại khi phải đầu tư cho vụ mới.
Nông dân trồng lúa huyện Bến Cầu xuống giống vụ mới. Ảnh: Trần Khánh
Vụ sắp tới chưa biết sẽ ra sao nhưng nông dân không thể bỏ ruộng hoang. Ông Thảo vẫn tiếp tục xuống giống hơn 2ha lúa.
Cùng với ông Thảo, nhiều nông dân khác trên cánh đồng xã Long Thuận cũng đang đồng loạt xuống giống vụ mới. Người người bắt đầu vào giai đoạn bón phân hoặc cấy lại những chỗ lúa mọc thưa.
"Chính quyền huyện Bến Cầu đang nỗ lực "xanh hóa" vùng nhiễm Covid-19, nông dân cũng xanh hóa ruộng vườn, chớ bỏ ruộng hoang", ông Thảo nói.
Còn ở xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), ông Lâm Hồng Phước thì chuyên canh cây ăn trái, với hơn 800 gốc thanh long, 400 gốc bưởi, 200 góc mãng cầu xiêm.
Vụ thu hoạch vừa qua, 6 tấn thành long của ông cũng phải nhờ lực lượng đoàn viên thanh niên của huyện hỗ trợ đưa đi tiêu thụ giúp.
May là ông Phước thu hồi lại đủ vốn. Hiện gia đình ông vẫn ra công bảo quản, chăm sóc vườn cây, chờ thu hoạch đợt tới.
Theo ông Phước, tâm lý chán nản, ngần ngại của bà con là có. Nhưng nếu bỏ bê vườn cây, cỏ dại sẽ sinh sôi. Khi trở lại canh tác càng thêm tốn kém chi phí cho nhà vườn.
Quan trọng hơn là khi dịch bệnh được khống chế, giá thanh long có thể tăng cao thì nhà vườn lại không có bán, cũng đồng nghĩa mất luôn thu nhập.
"Dịch bệnh rồi sẽ qua. Mọi người không thể để tình trạng khan hiếm hiếm nông phẩm xảy ra trong khi ruộng vườn đang độ tuổi sinh sôi quả ngọt, rất cần sự chăm sóc", ông Phước tâm sự.
Nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng
Có cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Thanh Đoàn ở xã Long Thành Nam (TX.Hòa Thành) cũng không muốn "nhường" đất trồng hoa màu cho cỏ dại sinh sôi.
Vụ mùa vừa rồi, ông Đoàn trồng chủ yếu là bầu, bí, đậu bắp. Khi rau củ không tiêu thụ được, ông vận động gia đình thu hoạch rồi hỗ trợ một phần cho các tổ chức từ thiện. Phần còn lại, ông tiếp tục giữ hạt lại làm giống cho vụ sau.
Nông dân huyện Bến Cầu chăm sóc vườn khổ qua. Ảnh: Nhi Trần
Ông Đoàn kể, đất canh tác của gia đình ở địa hình trũng thấp. Làm lúa không thuận lợi nên ông phải chuyển sang trồng hoa màu.
Nay nếu vì thị trường khó khăn mà bỏ đất hoang thì cỏ dại mọc đầy, khiến đất chai sạn. "Tới khi muốn trồng lại phải xử lý đất và diệt cỏ, tốn công tốn của nhiều hơn", ông Đoàn giải thích.
Hiện, ông Đoàn đang trồng lại 6.000m2 đậu bắp, 4.000m2 hành lá, 4.000m2 bí rợ. Ông cho biết, chỉ vài tuần nữa, hoa màu sẽ lại cho thu hoạch. Rồi khi tới gần Tết, ông sẽ chuyển sang trồng cải.
"Mình cứ trồng liên hoàn như thế cho đến khi hết dịch, để có thực phẩm cung cấp liên tục cho thị trường, vừa giúp tạo lại nguồn thu nhập", ông Đoàn nói.
Ông Trần Minh Mẫn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thành Nam (TX.Hòa Thành) kể, vừa qua, ông Đoàn đã trao tặng cho các nhóm từ thiện hơn 1 tấn đậu bắp, cùng nhiều loại rau củ quả khác.
Đến nay, nông sản tiêu thụ vẫn chưa hết khó khăn. Giá cả nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao. Vì thế, một bộ phận người nông có tâm lý ngần ngại đầu tư gieo trồng vụ mùa kế tiếp.
Tuy nhiên rau củ quả luôn là mặt hàng thiết yếu, nhất là khi dịch bệnh đi qua, các dịp lễ tết đang tới gần, nhu cầu thực phẩm tăng cao. Nếu giảm diện tích trồng có thể dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Người dân vận chuyển rau củ quả về chợ đầu mối nông sản ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh
Hội Nông dân cùng chính quyền địa phương vẫn tiếp tục vận động bà con nông dân vượt khó để duy trì sản xuất.
"Nhiều hộ vẫn bám vườn bám ruộng, không bỏ đất hoang. Những người như ông Đoàn đã không nản lòng mà có kế hoạch canh tác liên vụ", ông Mẫn nói.
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh vẫn đang có những "vùng xanh" dành cho việc duy trì sản xuất nông nghiệp.
Ở đó, người dân canh tác theo từng hộ gia đình. Nhờ thực hiện phương châm vừa sản xuất vừa chống dịch, mô hình này vẫn đang phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, Sở đã có công văn đề nghị các ngành chức năng nên thực hiện chính sách đặc thù, tạo thông thoáng cho nông dân ra đồng sản xuất, với điều kiện tuân thủ 5k.
Tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Dự đoán, thị trường sẽ thiếu nghiêm trọng nguồn nông sản thực phẩm thiết yếu do những ách tắc gây ra trong thời gian qua.
"Khi các nhà máy xí nghiệp hoạt động trở lại, các đô thị bình thường hóa thì nhu cầu nông sản sẽ tăng đột biến. Trong khi nguồn cung cấp đang có xu hướng giảm, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân, nỗ lực vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất", ông Xuân chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.