Tây Ninh: Hàng triệu con gà đã phải đốt bỏ vì khó tiêu thụ
Tây Ninh: Hàng triệu con gà giống bị hủy bỏ, nguy cơ thiếu thịt gia cầm
Trần Khánh
Thứ bảy, ngày 31/07/2021 16:21 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết như thế tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thuỷ sản ngày 31/7.
Ế thừa hàng triệu con gà giống vì gà thịt khó tiêu thụ, không thể vào chuồng
Hội nghị do Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản và đảm bảo phòng chống dịch.
Theo ông Xuân, ngành nông nghiệp của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, tương tự các tỉnh thành khác.
Dù các bộ ngành Trung ương đã có rất nhiều văn bản hỗ trợ và hướng dẫn tiêu thụ nông sản nhưng vẫn có hàng nghìn trạm chốt trên các tuyến đường.
Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt này không thể nào đọc hết các văn bản. Nếu có đọc hết chăng nữa thì cách hiểu và thực hành cũng không thống nhất.
Ông Xuân đặt vấn đề : "Thịt gà là mặt hàng thiết yếu nhưng con gà hay con gà con có thiết yếu hay không? Vấn đề quan trọng phải vì con người chứ không phải hàng hóa mà quá câu nệ vào văn bản".
Nói chung là có vô vàn khó khăn, ông Xuân nhận định, cần tất các bộ ngành liên quan cùng vào cuộc giải quyết chứ không thể "ngứa chỗ nào gãi chỗ đó".
Ở Tây Ninh hiện tồn khoảng 1 triệu con gà lông trắng, tương đương 2.500 tấn thịt nhưng đang không tiêu thụ được.
Thông tin ông Xuân vừa mới nhận được là đã có hàng triệu con gà trên địa bàn Tây Ninh đã bị đốt bỏ do không có chuồng nuôi và không tiêu thụ được.
Hiện giá gà trắng chỉ còn 7.000 đồng/kg, nông dân đang thua lỗ nặng.
Lãnh đạo Sở NNPNT Tây Ninh đánh giá, khâu chăn nuôi cần phải tính cả bài toán tái đàn, và phục vụ sản xuất sau dịch Covid-19.
"Hôm nay có 1 triệu con phải đốt bỏ thì sau dịch sẽ thiếu 1 triệu con gà", ông Xuân nói.
Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPNT tỉnh Long An cho biết, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tăng nhưng giá thức ăn cũng tăng, trong khi giá bán giảm.
Nguyên nhân chính là do các mặt hàng nông sản nội tỉnh thiếu kênh tiêu thụ vì chợ truyền thống và chợ đầu mối đóng cửa.
Hiện Long An chỉ còn 28/44 cơ sở giết mổ heo, gà hoạt động.
Tỉnh có 1 doanh nghiệp ở huyện Thạnh Hóa đang tồn 200.000 con gà ri cần kết nối tiêu thụ. Long An cũng có khoảng 500 tấn tôm/tuần nhưng không có thương lái đến thu mua.
Do yêu cầu phòng chống dịch, nhiều địa phương đề cao việc bảo vệ "vùng xanh".
Lực lượng chức năng của xã, huyện ở các tỉnh làm rất khác nhau, gây khó khăn cho lưu thông, tiêu thụ nông sản.
Vấn đề xác nhận thông tin thì các đơn vị không thể nào về hết Sở NNPTNT, trong khi xác nhận để qua chốt ở các xã, các huyện còn nhiều nhiêu khê.
Bà Khanh cho biết, Long An sẽ có văn bản đề nghị hỗ trợ cụ thể cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đại diện Sở NNPTNT đề xuất Trung ương cần có văn bản hướng dẫn để các tỉnh thành, cũng như các xã, huyện trong tỉnh thống nhất cách thực hiện. Giờ đây, việc giải quyết từng vấn đề mang tính sự vụ là rất khó khăn.
"Nên chăng, tại ranh giới các tỉnh cần tổ chức điểm giao nhận hàng hóa", bà Khanh đề nghị.
Ghi nhận ý kiến từ các tỉnh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, các cơ sở giết mổ có vai trò rất lớn trong cung ứng thực phẩm chăn nuôi.
Long An cũng như các địa phương khác cần quan tâm, hỗ trợ để đảm bảo an toàn dịch cho các cơ sở giết mổ.
"Hiện Tổ công tác 970 đã có văn bản đề nghị giao quyền chủ động hơn cho các Sở NNPTNT trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các tỉnh cần bám sát nội dung để chỉ đạo sát sao thực tế", Thứ trưởng Nam chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.