Vụ lúa hè thu là vụ mùa chính trong năm ở vùng cao Bắc Hà. Thời gian thu hoạch lúa thường kéo dài trong khoảng hơn 1 tháng, từ tháng 9 đến giữa tháng 10 dương lịch. Chính vì vậy, vụ thu hoạch này cũng được xem là mùa hy vọng, mùa vàng no ấm của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Hà.
Tại xã vùng cao Tả Van Chư, những ngày này đồng bào Mông đang tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch lúa chính vụ năm 2021.
Trên khu nương ruộng các thôn Tẩn Chư, Sín Chải, Sừ Mừn Khang, bà con đã gặt xong các thửa lúa chín sớm. Theo phản ánh của bà con, năm nay nhờ điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi, mưa đều hơn mọi năm, đủ nước tưới tiêu, đặc biệt là nhờ áp dụng các giống lúa lai vào gieo cấy mà ruộng nào cũng sai trĩu hạt, hạt chắc mẩy vàng óng ả.
Anh Ma Seo Lếnh, thôn Sín Chải, xã Tả Văn Chư phấn khởi bảo: "Đợt này trời có mưa nhiều nên tranh thủ ngày có nắng nhà mình nhờ bà con, anh em đi thu lúa hộ. Lúa chín hết rồi, bông nào cũng trĩu hạt, đẹp lắm. Nhà mình cấy 10kg lúa giống, gồm 5kg giống lúa lai Thái Bình, còn lại là giống lúa lai Lào Cai. Cả hai giống này đều được mùa, nếu thu hoạch hết chắc nhà tôi sẽ được hơn 100 bao lúa. Mỗi bao hơn 30kg, tính ra được hơn 3 tấn thóc, nhà có 5 khẩu, chắc là đủ ăn gần 2 năm".
Trò chuyện với PV, anh Lếnh cho biết: "Mấy năm trước mình và vợ còn phải sang Trung Quốc làm thuê, vất vả lắm. Hơn 2 năm mới về, chắt bóp mãi được hơn 100 triệu đồng làm nhà song mình bị cụt mất 3 ngón tay. 2 năm nay và cả sắp tới mình không đi qua bên kia biên giới làm thuê nữa".
Anh Lếnh kể thêm: "Ở nhà làm nông đủ ăn rồi, nuôi được 2 con trai và gái thôi! Vợ chồng đi sang Trung Quốc làm thuê, con cái nhớ bố mẹ lắm. Về nhà rồi, nó khóc không cho đi thì mình và vợ bảo nhau không đi nữa, đủ thóc lúa ăn, đủ ngô nuôi gà lợn. Với lại sợ dịch Covid-19 lắm, chẳng may nhiễm bệnh rồi chết nơi đất khách quê người thì không ai nuôi con nhỏ và bà cụ già".
Vụ lúa chính vụ năm 2021, bà con nông dân xã Tả Văn Chư gieo cấy trên 153ha lúa, đạt 100% kế hoạch, với 100% diện tích là giống lúa lai Lào Cai và Thái Bình, gồm các giống lúa như: HL12, RVT và nhóm giống LC.
Ông Bùi Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư phấn khởi cho biết: Trước khi vào vụ, chính quyền xã đã vận động bà con tiến hành nạo vét kênh mương bảo đảm nước tưới tiêu, tín chấp vay vốn giúp người dân có điều kiện sản xuất; phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cử cán bộ nông - lâm nghiệp và cán bộ khuyến nông xã thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân cấy hái, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Nhờ khí hậu thuận lợi nên năm nay lúa chính vụ được mùa, giúp bà con có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Vụ lúa mùa năm 2021, bà con nông dân huyện Bắc Hà cấy 2.798ha/2.770ha, đạt 101% kế hoạch, tăng 61ha so với vụ mùa năm 2020, chủ yếu là các giống lúa lai, thực hiện trên cánh đồng một giống và giống lúa đặc sản địa phương như gạo hạt tròn Bản Liền, Khẩu Nậm Xít, Séng Cù.
Ông Nguyễn Xuân Giang - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bắc Hà cho biết, vụ lúa chính vụ năm 2021 được mùa, năng suất sản lượng tăng cao là nhờ địa phương đã chủ động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, theo dõi nông lịch, kịp thời đôn đốc, vận động nhân dân thực hiện gieo cấy đúng khung thời vụ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng chủ động hỗ trợ hộ nghèo giống lúa, mua phân bón theo phương thức trả chậm... Các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông thường xuyên bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện sâu, bệnh hại, qua đó khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
"Nhờ đó, năng suất lúa vụ này ước đạt 54,95 tạ/ha, tăng 1,75 tạ/ha, sản lượng đạt 15.375 tấn, tăng gần 800 tấn so với vụ lúa chính vụ năm 2020" – ông Giang thông tin.
Cùng với vụ lúa trúng mùa, năm nay đồng bào vùng cao Bắc Hà cũng có vụ ngô thắng lợi. Ông Vù Seo Hòa - nông dân ở thôn Làng Mới, xã Bản Phố vui vẻ cho biết: "Ở đây gia đình mình và các hộ đều trồng ngô, nấu rượu, chăn nuôi, song chủ yếu dùng ngô để nấu rượu đặc sản. Cây ngô là cây trồng chính của nhà mình và bà con. Mấy năm nay đã sử dụng thêm giống ngô lai để sản xuất ngô hàng hóa, song vẫn giữ giống ngô vàng địa phương để nấu rượu ngô chất lượng cao".
"Nhà mình năm nay trồng 25kg giống ngô lai và ngô vàng cho hơn 2ha ngô. Nói chung khí hậu, thời tiết, rất thuận lợi. Nhất là lúc gieo hạt xong có mưa đều, cây không bị chết hạn, nảy mầm tốt, lúc ngô chín vàng trời nắng ráo nên không bị ẩm ướt, mối mọt… Nhờ thế nhà mình và bà con đều được mùa ngô, vui lắm" – ông Hoà nói.
Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Bản Phố phấn khởi cho biết: Hàng năm, bà con trong xã trồng ngô với diện tích rất lớn để phục vụ nấu rượu và phát triển chăn nuôi. Do địa hình đồi núi dốc, các nương ngô thường ở trên cao nên việc thu hoạch, vận chuyển ngô xuống núi mất rất nhiều thời gian, công sức, lại dễ tổn thất sau thu hoạch... Nhưng bây giờ, việc thu hoạch ngô đã được cải thiện, thuận lợi và nhanh hơn nhờ sáng kiến vận chuyển ngô bằng tời, ròng rọc.
"Đây là một sáng kiến rất hữu ích, giảm được rất nhiều sức lao động, hiệu quả công việc tăng lên gấp 4 - 5 lần so với dùng ngựa thồ. Hơn nữa khi vận chuyển ngô xuống núi cũng rất an toàn" - ông Tùng nói thêm.