Vì sao doanh nghiệp ngoại đổ xô vào ngành thức ăn chăn nuôi?
Vì sao doanh nghiệp Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc đổ xô vào ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam?
Thiên Hương
Thứ bảy, ngày 18/09/2021 06:30 AM (GMT+7)
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo, thịt gà của người dân luôn ở mức cao, cộng với việc đẩy mạnh hoạt động nuôi tôm, cá tra xuất khẩu khiến ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam có nhiều dư địa phát triển. Đây cũng chính là miếng bánh béo bở, thu hút các doanh nghiệp Mỹ, Thái Lan, Hà Lan, Trung Quốc... đổ xô vào đầu tư.
Doanh nghiệp ngoại đổ xô vào ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam liên tục tăng trưởng, trung bình từ 4-6%/năm (giai đoạn 2008 - 2018; năm 2020 cũng tăng 5,5%). Điều này đã tạo động lực thúc đẩy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục phát triển, trở thành miếng bánh béo bở mà nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đều muốn nhòm ngó.
Một trong những "ông lớn", "gã khổng lồ" ngoại đầu tiên tấn công vào thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam là Tập đoàn C.P (Thái Lan).
Khi mới chân ướt chân ráo vào thị trường Việt Nam, C.P chỉ tập trung mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhận thấy thị trường chăn nuôi ở Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển, C.P đã đầu tư thêm các mảng nuôi gà đẻ trứng, cung cấp heo giống, heo thịt, gà thịt, xuất khẩu tôm, cá tra; xây dựng một số nhà máy giết mổ heo, thịt gà...
Năm 1993, công ty này xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay C.P đã trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam với 9 nhà máy trên toàn quốc.
Năm 2019, Công ty C.P Việt Nam đạt doanh thu 64.673 tỷ đồng, 6.333 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2020, C.P Việt Nam ghi nhận doanh thu 3,4 tỷ USD, tức khoảng hơn 78.453 tỷ đồng.
Tiếp đó là Tập đoàn Cargill - một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Mỹ. "Tấn công" thị trường Việt Nam vào năm 1995, đến nay Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã có 11 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các doanh nghiệp khác như CJ Vina Agri (Hàn Quốc), Mavin (Úc), New Hope (Trung Quốc), Emivest Feedmill (Malaysia), Japfa Comfeed (Nhật)... cũng liên tục mở rộng nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, trở thành những đối thủ cạnh tranh lớn, ngày càng lấn át các doanh nghiệp nội địa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cargill đã đầu tư hơn 160 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam để xây dựng 11 nhà máy sản, một kho cung ứng ngũ cốc và hạt có dầu, 2 trung tâm ứng dụng công nghệ cho tôm và cá.
Năm 2019, Cargill Việt Nam ghi nhận đạt 12.397 tỷ đồng doanh thu và 643 tỷ đồng lợi nhuận. Tháng 12/2020, Cargill Việt Nam công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, với việc đầu tư 28 triệu đô la Mỹ vào dự án xây dựng một nhà máy mới tại miền Nam.
Trực thuộc tập đoàn hàng trăm năm tuổi của Hà Lan, Công ty TNHH De Heus Việt Nam cũng đang kiếm bộn tiền từ thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Năm 2008, nhà De Heus đầu tư vào thị trường Việt Nam bằng việc mua lại 2 nhà máy tại Bình Dương và Hải Phòng.
Đến nay, De Heus đã nằm trong top 3 công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất, đồng thời là công ty phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.
Trong 4 năm từ 2016 - 2019, doanh thu công ty đã tăng trưởng 34%, lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 715 tỷ đồng.
Năm 2020, De Heus Việt Nam đạt doanh thu 12.763 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức cao với 16%. Khấu trừ chi phí, De Heus Việt Nam đạt lợi nhuận sau thuế 952 tỷ đồng, ngang ngửa với tập đoàn lớn trong nước hiện nay là Dabaco.
Có được thành công như vậy là do De Heus áp dụng khắt khe các tiêu chuẩn quốc tế nhằm cung cấp những sản phẩm thức ăn chăn nuôi tốt nhất, với giá trị bền vững cho khách hàng. Đồng thời, De Heus cũng luôn theo đuổi triết lí kinh doanh "không cạnh tranh với người nông dân".
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á, cho biết: "Người chăn nuôi, họ là đối tác chứ không phải đối thủ của chúng tôi. De Heus liên kết với các hộ chăn nuôi, cung cấp và đào tạo những kiến thức và dụng cụ cần thiết để tạo ra những sản phẩm sạch".
Vì sao các doanh nghiệp ngoại đổ xô đầu tư mảng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, có tham vọng gì?
Trao đổi với PV Dân Việt về việc vì sao De Heus cũng như nhiều doanh nghiệp ngoại rót tiền vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam, ông Gabor Fluit cho biết: Thứ nhất, Việt Nam là thị trường lớn, có gần 100 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng trong nước rất lớn. Vị trí địa lý của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á có nhiều luận lợi cho luân chuyển hàng hoá, chiếm vị trí quan trọng.
Thứ hai, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm thuỷ sản như cá tra, tôm, tới đây có thể xuất khẩu các sản phẩm gia cầm.
Thứ ba, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm các nước đang phát triển, sức tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng trưởng tốt. Tổng sản lượng ăn của người dân Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước tiêu dùng nhiều trong 10 năm trở lại đây... Là một nước nông nghiệp, Việt Nam trở thành thị trường dồi dào tiềm năng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mới đây Tập đoàn De Heus đã kí kết hợp tác với Công ty Cổ phần Masan MEATLife (thuộc Tập đoàn Masan) nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần phát triển ngành thịt từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F. Trong đó De Heus tiếp tục mở rộng mảng dinh dưỡng động vật, cung cấp con giống và chăn nuôi.
Nói về tham vọng của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus châu Á khẳng định: "Chúng tôi không đặt mục tiêu chiếm bao nhiêu thị phần tại Việt Nam, mà muốn xây dựng các chuỗi liên kết thành công, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Nếu các chuỗi liên kết này thành công thì đương nhiên thị phần của doanh nghiệp trong mảng thức ăn chăn nuôi sẽ tăng lên".
"Theo đó, De Heus đang tích cực cung ứng cho người chăn nuôi nguồn giống tốt, thức ăn tốt, hỗ trợ kỹ thuật tốt và có đầu ra, điển hình là các dự án nuôi heo giống mà chúng tôi đang hợp tác cùng Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai ở Tây Nguyên.
Việc hợp tác với Tập đoàn Masan chính là ví dụ điển hình cho mục tiêu này, trong đó nhà máy chế biến thịt mát, hệ thống siêu thị của Masan sẽ ở khâu cuối của chuỗi liên kết" - ông Gabor trả lời PV Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.