Dân Việt

Giảng viên ĐH chia sẻ 3 điều giúp thí sinh tăng cơ hội đỗ đại học năm 2022

Tào Nga 27/09/2021 06:00 GMT+7
Sau một mùa tuyển sinh với nhiều câu chuyện "nghịch lý" khiến nhiều thí sinh "trượt đau", giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM đã có những chia sẻ rất hữu ích cho học sinh cấp 3 thi đại học năm sau.

Trao đổi với với PV báo Dân Việt, một giảng viên Đại học Bách Khoa cho biết: "Học ở đại học, quan trọng nhất là kỹ năng tự học, trong quá trình giảng dạy, mình nhận thấy có những thí sinh dù điểm trúng tuyển đầu vào không cao, nhưng có ý thức tự học thì kết quả học ở bậc đại học rất tốt. Do đó, mình mong rằng những thí sinh có điểm trúng tuyển chưa cao, hay trúng tuyển vào ngành có điểm chuẩn chưa cao, hãy cố gắng rèn luyện kỹ năng tự học, sẽ thành công trong quá trình học đại học".

Tuy nhiên, để tránh tình trạng hiện nay phụ huynh và thí sinh phân vân giữa việc học trường không như mong muốn hay năm sau thi lại, giảng viên này cho biết có 4 điều thí sinh cần quan tâm sau đây:

Nên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL)

Điểm thi THPT khó hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét vào đại học, bởi một bên là dùng để đánh giá đạt chuẩn tối thiểu hay chưa, một bên là chọn ra những người thích hợp nhất. Chỉ tiêu dành cho điểm thi THPT chắc chắn sẽ càng ngày càng ít lại, và chỉ tiêu của các phương thức khác sẽ ngày càng tăng lên. Do đó nếu tham gia thi ĐGNL sẽ có thêm cơ hội, đặc biệt là khi đăng ký vào những ngành hot, tham gia thi ĐGNL sẽ càng có lợi. Ai chỉ dựa vào điểm thi THPT thôi thì sẽ thiệt thòi vô cùng.

Ở những vùng xa xôi, các thầy cô nên hướng dẫn cho học sinh thi ĐGNL để các em không bị thiệt thòi, (miền tây thi ở Cần Thơ, miền trung thi ở Nha Trang).

Giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM với 3 điều giúp thí sinh tăng cơ hội đỗ đại học, tương lai tươi sáng - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Ví dụ muốn vào ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách Khoa TP.HCM, cơ hội để đạt 974 điểm ĐGNL sẽ cao hơn cơ hội đạt 28 điểm thi tốt nghiệp THPT. Dù đề thi tốt nghiệp THPT không quá khó để đạt 9 điểm nhưng thật sự để lấy 1 điểm còn lại cũng không phải dễ. Đặc biệt, mình biết khá nhiều bạn rất thông minh nhưng lại ẩu nên cuối cùng không thể lấy được điểm trên 9 một cách rất tiếc. Với những bạn này, cơ hội đạt điểm tốt trong kỳ thi ĐGNL sẽ cao hơn cơ hội đạt điểm gần tuyệt đối trong kỳ thi tốt nghiệp.

Cách ghi nguyện vọng

Nguyện vọng bây giờ đã hoàn toàn khác nhưng vẫn còn ba mẹ tư vấn cho con mình theo kiểu ngày xa xưa. Vì vậy, để tránh chuyện tiếc nuối như vẫn còn xảy ra ở mùa tuyển sinh 2021, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng dựa trên điểm THPT theo các nguyên tắc sau:

Mỗi thí sinh nên đăng ký ít nhất khoảng 10 nguyện vọng. Nhất định phải sắp xếp nguyện vọng theo nguyên tắc từ thích nhiều đến thích ít.

Khoảng 1/2 số lượng nguyện vọng đầu tiên, chỉ cần theo nguyên tắc từ thích nhiều đến thích ít, không cần quan tâm đến năm trước điểm chuẩn bao nhiêu. Ví dụ thích làm bác sĩ thì để Y dược lên đầu, ít nhất cũng một lần trong đời dám nói lên ước mơ của mình.

Khoảng 1/2 số nguyện vọng còn lại, cũng xếp từ thích nhiều đến thích ít, tuy nhiên có quan tâm đến điểm chuẩn năm trước, phải dành những nguyện vọng cuối cùng cho những ngành mà năm trước điểm chuẩn thấp để có thể chắc chắn đậu.

Số lượng nguyện vọng dựa trên điểm ĐGNL sẽ thấp hơn so với điểm tốt nghiệp THPT, nhưng cũng nên ghi theo nguyên tắc như vậy.

Chọn trường và chọn ngành khi ghi nguyện vọng có 2 dạng:

Dạng muốn chọn trường trước, nếu không vào ngành thích nhất thì ngành gần thích trong trường đó. Ví dụ thí sinh muốn học Kỹ thuật Hóa học tại Đại học Bách Khoa TP.HCM, nếu không vào được ngành này có thể học những ngành liên quan có điểm chuẩn thấp hơn như Môi trường hay Vật liệu. 

Dạng muốn chọn ngành trước, còn trường thì thay đổi dành cho bạn nào biết chắc chắn mình thích ngành gì. Ví dụ không vào được ngành Khoa học máy tính ở Bách Khoa thì vào các trường khác, chỉ cần là ngành này. Hiện tại thật sự có rất nhiều trường tốt, có nhiều lựa chọn, miễn sao học đúng ngành mình yêu thích.

Trong cả 2 dạng, nhớ ghi nguyện vọng từ thích nhiều đến thích ít và tìm hiểu thêm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi quyết định.

Giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM với 3 điều giúp thí sinh tăng cơ hội đỗ đại học, tương lai tươi sáng - Ảnh 2.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội trao đổi với phụ huynh. Ảnh: Gia Khiêm

Chuyện làm "trái ngành"

Khi tư vấn cho phụ huynh và học sinh, mình không muốn "dụ dỗ" vào Bách Khoa, ngược lại mình luôn cảnh báo rằng trong Bách Khoa một năm chỉ có 2 mùa, là mùa học "sấp mặt" và mùa thi "sấp mặt". Với những bạn chọn khối B00, mình luôn hỏi có thích Y hay Dược không, nếu vẫn còn phân vân, mình luôn tư vấn nên ghi các nguyện vọng đầu tiên vào Y và Dược, khi không thể thì mới vào Kỹ thuật Hóa học. Có những bạn được ba mẹ khuyên chọn Bách Khoa, nhưng sau khi nói chuyện mình thật lòng khuyên nên vào Ngoại Thương hay Kinh Tế thì "thanh xuân sẽ tươi sáng hơn".

Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bạn trẻ không biết bản thân thích gì, muốn gì, vô tư và mông lung về tương lai. Trong trường hợp này, mình khuyên trước hết xác định rõ bản thân muốn theo nào. Trong khối ngành đã xác định, chọn ra một số ngành cảm thấy hơi thích, hoặc ít nhất là không thấy ghét để đăng ký nguyện vọng.

Một số người vẫn còn chỉ trích chuyện làm "trái ngành" sau khi tốt nghiệp, nhưng bản thân mình thấy không có ngành nào là "trái ngành". Nếu chương trình đào tạo đại học cung cấp cho sinh viên một nền tảng tốt, tiếng Anh giỏi, kỹ năng tốt thì ra trường cứ "cờ đến tay là phất", bất kể công việc trong lĩnh vực nào, vừa làm vừa học thêm. Thực tế, không ít cựu sinh viên Kỹ thuật Hóa học đang rất thành công ở những ngành không hề liên quan gì đến Hóa, tuy nhiên, những ngày tháng miệt mài ở Bách Khoa đã tạo một bệ phóng tốt để họ có thể phát triển sau này.

Trên website của Đại học Rice, một đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, về việc kỹ sư Hoá làm việc ở đâu, họ ghi rõ là ngoài ngành Hóa còn có thể làm việc ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau như vật liệu tiên tiến, năng lượng, môi trường, thực phẩm, và đặc biệt là kinh doanh, tài chính, giáo dục, luật, dược. Chuyện kỹ sư Hóa làm việc trong ngành thực phẩm hay môi trường là hết sức bình thường, còn chuyện kỹ sư Hóa làm tài chính hay giáo dục thì nghe có vẻ lạ tai với một số người, nhưng thật ra cũng không có gì là bất thường cả".