Du học thực sự ảnh hưởng thế nào tới xét tuyển đại học năm nay?

Theo thống kê số liệu của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GDĐT) tổng hợp từ các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, số du học sinh đi học qua các tổ chức này, năm 2020 bằng 50% năm 2019 và năm 2021 chỉ bằng khoảng 20% so với năm 2020.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT cho hay, năm học 2019-2020 có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Trong đó, khu vực Châu Âu có khoảng 40.000 du học sinh (các nước có nhiều du học sinh Việt Nam là Anh 12.000, Đức 7.500, Pháp 6.500, Liên bang Nga 6.000, Phần Lan 2.500, Ý 1.100, Hà Lan 1.000, Tây Ban Nha 600, Hungary 550).

Châu Mỹ có khoảng 50.000 du học sinh Việt Nam đang du học (các nước có nhiều du học sinh gồm Hoa Kỳ có khoảng 29.000, Canada: 21.000).

Châu Á có khoảng 70.000 du học sinh (đông nhất là Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc 14.000, Trung Quốc 11.000).

Ở Châu Đại dương khoảng hơn 32.000 du học sinh, (trong đó Úc 30.000, New Zealand 2.500).

Du học thực sự ảnh hưởng thế nào tới thi đại học năm nay - Ảnh 2.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều du học sinh và phụ huynh đã chuyển hướng học trong nước, tạm hoãn việc ra nước ngoài du học để bảo đảm an toàn, tiết kiệm chi phí.

PGS.TS. Phạm Quang Hưng

Theo thống kê số liệu của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GDĐT) tổng hợp từ các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, số du học sinh đi học qua các tổ chức này, năm 2020 bằng 50% năm 2019 và năm 2021 chỉ bằng khoảng 20% so với năm 2020. Đối với du học sinh đi học theo các chương trình học bổng Hiệp định có sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ GDĐT quản lý trong các năm 2019, 2020 và 2021 cũng giảm 15% mỗi năm.

Theo PGS.TS. Phạm Quang Hưng, năm học 2019-2020 và 2020-2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện phong tỏa, giãn cách, không tiếp nhận du học sinh quốc tế đến học tập. Nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài tạm thời đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến. Vì vậy, khá nhiều du học sinh Việt Nam đang học tại nước ngoài xin về nước tránh dịch, tạm dừng học hoặc học online hoặc xin chuyển về học tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Các du học sinh đã tốt nghiệp nhưng phải đợi chuyến bay giải cứu hồi hương, có những du học sinh Việt Nam đã bị nhiễm Covid-19 ở nước ngoài và gặp khó khăn về tài chính, phải gia hạn thời gian học tập…

Trong khi đó, theo PGS.TS. Phạm Quang Hưng, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam được nâng lên và có một số trường đại học được vào bảng xếp hạng những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới và khu vực.

“Trong nước cũng có nhiều chương trình giáo dục quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư với nước ngoài, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh là những lựa chọn có thể thay thế cho việc đi học tại nước ngoài. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều du học sinh và phụ huynh đã chuyển hướng học trong nước, tạm hoãn việc ra nước ngoài du học để bảo đảm an toàn, tiết kiệm chi phí”, ông Hưng cho biết.

Tại ĐH Quốc gia Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 sau khi kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng là 129.806, cao gấp 14 lần so với chỉ tiêu. Trong đó, khoa Luật có tỷ lệ chọi cao nhất 1/18, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Kinh tế cùng có tỷ lệ chọi 1/17.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường tăng 1,5 lần so với năm 2020, chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp của trường là 3.000, tỷ lệ chọi 1/gần 40.

Năm 2021, nhiều nước đã đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, tiếp nhận sinh viên quốc tế nên số lượng du học sinh Việt Nam về nước trách dịch học trực tuyến đã tiếp tục sang nước ngoài nhập học trở lại, nhiều du học sinh sang nhập học mới vào kỳ mùa thu năm 2021. Vì vậy, theo lãnh đạo Cục Quan hệ quốc tế, trong năm 2022, số lượng du học sinh Việt Nam đi du học dự kiến sẽ tăng trở lại.

So sánh trong 3 năm gần đây, năm 2021 là năm có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nhiều nhất. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, năm 2021 số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu thí sinh, tăng hơn 11% so với năm ngoái. Trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là 795.000, nhiều hơn 152.000 thí sinh (tăng 24%) so với năm 2020 (642.945 thí sinh) và nhiều hơn gần 142.000 thí sinh (tăng gần 22%) so với năm 2019 (653.278 thí sinh). 

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, có thể số thí sinh này (tăng lên - PV) là các em không du học ở nước ngoài và xu hướng các em chọn học đại học nhiều hơn trước. Điều này đã góp phần làm cho tỉ lệ chọi và điểm chuẩn năm 2021 vào các trường tăng vọt.

Du học thực sự ảnh hưởng thế nào tới thi đại học năm nay - Ảnh 4.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2021 tại điểm thi Trường THPT Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh Phạm Hưng

Xét tuyển đại học bằng chứng chỉ quốc tế - lợi thế cho thí sinh có ý định du học

Phương thức xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang được nhiều trường đại học trong nước sử dụng trong mùa tuyển sinh năm nay. Đây là một lợi thế đáng kể dành cho các thí sinh có ý định đi du học khi mà chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là yêu cầu bắt buộc ở các trường nước ngoài. 

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hải - người có nhiều năm theo dõi tuyển sinh đại học và cũng là tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi", điều kiện hỗ trợ tài chính tùy trường, tùy nước. Có những nước chấp nhận học sinh chưa có IELTS, sang nước đó học tiếng Anh một thời gian, sau đó học chính thức. Còn đa số các trường lấy IELTS 6.5 và kỹ năng Viết - Writing trên 6.0. Nếu so với trong nước, đây cũng là mức điểm rất khả quan cho cơ hội xét tuyển vào nhiều trường đại học top trên ở Việt Nam.

Năm nay, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, xét tuyển thẳng 10 - 20% tổng chỉ tiêu. Trong đó khoảng 5% căn cứ kết quả thi chứng chỉ khảo thí ACT, SAT, A-Level và IELTS đối với thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên. Xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành/chương trình đào tạo đối với thí sinh có chứng chỉ ACT, SAT, A-level đạt ngưỡng quy định của Trường. Đối với chứng chỉ A-level, các môn học phải phù hợp với ngành dự tuyển. Xét tuyển thẳng vào các ngành/chương trình Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) từ 5.0 trở lên (hoặc tương đương).

Với Đại học Ngoại thương Hà Nội, năm nay tuyển sinh 2 phương thức liên quan đến Chứng chỉ quốc tế là phương thức 2 kết hợp kết quả học tập và phương thức 3 kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Du học thực sự ảnh hưởng thế nào tới thi đại học năm nay - Ảnh 5.

Thí sinh xem phòng thi tại điểm thi Trường THPT Nghĩa Tân. Ảnh: Phạm Hưng

Trường lấy chỉ tiêu là phương thức 2 là 28% và phương thức 3 là 7% với điều kiện chung thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6.5 trở lên; chứng chỉ ACT từ 27 điểm hoặc SAT từ 1260 điểm, hoặc có chứng chỉ A-level với điểm Toán từ A trở lên.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng dành chỉ tiêu cho thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6. Điều kiện nhà trường đưa ra là thí sinh đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên áp dụng trong phương xét chứng chỉ tiếng Anh và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Để đạt được IELTS 6.0-6.5 không hề dễ, học sinh phải cố gắng, cũng phải bỏ tiền bạc, công sức khá nhiều mới đạt được. Chưa kể các bạn điểm cao 7.0-8.0 là cả một hành trình nỗ lực. IELTS là chứng chỉ không mua được bằng tiền, tính đến thời điểm hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải

Trước thông tin điểm chuẩn năm nay tăng vọt do học sinh không đi du học nhiều, chị Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng: “Đây chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Bởi vì khi đưa ra các phương thức xét tuyển các trường đại học, nhất là các trường top đầu như Ngoại thương, Bách khoa đều phải đưa ra đề án tuyển sinh và đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng phương thức xét tuyển, và nguyên tắc là xét từ trên xuống dưới cho đến hết chỉ tiêu đó.

Những trường quyết định xét tuyển kết hợp học bạ điểm cao với IELTS dành cho đối tượng thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, quốc gia hay với các học sinh trường chuyên hoặc các học sinh trường không chuyên là các trường đã tính kỹ để chọn được sinh viên đầu vào giỏi toàn diện”.

Theo chị Hải: “Các trường đại học top đầu trong thời gian tới vẫn duy trì nhiều phương thức xét tuyển để đảm bảo tuyển được nhiều sinh viên giỏi, toàn diện, giỏi ngoại ngữ nhưng vẫn có chỉ tiêu dành cho các học sinh các tỉnh không có điều kiện thi chứng chỉ quốc tế vào các chuyên ngành phù hợp, thì sẽ công bằng.

Tuy nhiên, phải có khâu giám sát điểm các môn học trong 3 năm THPT làm sao có sự minh bạch, công bằng giữa các trường, giữa các vùng miền tránh tình trạng "học giả, thi giả" và "tuyển sinh đại học giả và ảo". Nên chăng các trường đại học khi xét chứng chỉ quốc tế IELTS, SAT cũng chỉ xem yếu tố điểm học bạ là 1 phần và có cách nào kiểm chứng kiến thức thật của học sinh để tránh trình trạng "làm đẹp hồ sơ" trong 3 năm học. Từ đó, việc xét tuyển sẽ thực sự tốt, giúp các trường tuyển được học sinh giỏi thật và toàn diện”.

Thực tế qua các năm cho thấy, điểm chuẩn đầu vào đại học có cao hay thấp không thể thiếu nguyên nhân từ độ khó dễ của đề thi, hay việc bảo đảm công bằng trong quá trình coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT giữa các khu vực. 

Thế nhưng, với sự đột biến cả về số lượng thí sinh xét tuyển cao đẳng, đại học trong nước năm 2021 đều cao hơn 20% so với 2 năm liên tiếp trước đó, sự sụt giảm đáng kể về số lượng lớn học sinh đi du học, hơn ai hết, các bậc phụ huynh và học sinh cần có sự cân nhắc, tính toán thận trọng trước khả năng có thể xảy ra trong những mùa tuyển sinh tới.

Nội dung: Hà Minh - Lan Hương

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem