Vừa qua, UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo phương án cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển, kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo còn khá lạ lẫm, không phù hợp với nét văn hoá Thủ đô, có phần "lai căng" với các kiến trúc của Châu Âu.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Tân, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội, cho hay qua thông tin trên báo chí mới biết đến phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
"Nhưng, chúng ta nên nhìn lại thiết kế kiến trúc của cầu đã phù hợp với cảnh quan, kiến trúc đô thị Hà Nội hay chưa? Các nhà thiết kế tự gọi đó là phong cách Đông Dương và đặt cho nó cái tên "mỹ miều" Xứ Đông Dương. Tuy nhiên, thiết kế kiến trúc của cầu Trần Hưng Đạo mang dáng dấp kiến trúc gần giống một cây cầu bên London (Luân Đôn – Anh)", ông Tân cho hay.
Theo ông Tân, trước những năm 2000, kinh tế còn khó khăn, năng lực thiết kế và thi công cầu vượt sông của chúng ta chưa được tốt, nên điều quan tâm lớn nhất về việc xây dựng cầu vượt sông Hồng là nguồn kinh phí. Vì nguồn kinh phí sẽ quyết định mọi vấn đề trong thiết kế, thi công cầu.
"Nay kinh tế nước ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn, năng lực thiết kế cũng như thi công cầu vượt đã tiến bộ vượt bậc. Vì thế, việc thiết kế, thi công cầu vượt sông Hồng không chỉ chú trọng về mặt kinh phí, mà mặt thiết kế kiến trúc cũng cần được quan tâm hàng đầu", ông Tân nhấn mạnh.
Ông Tân phân tích thêm tại Huế có cầu Trường tiền, Đà Nẵng có cầu Sông Hàn (cầu Quay), Cần Thơ có cầu Cầu Thơ... "Những cây cầu này được xây dựng đều mang những nét đặc sắc văn hoá của mỗi địa phương, và trở thành biểu tượng của các tỉnh thành. Việc cầu Trần Hưng Đạo có thiết kế kiến trúc cổng cầu gần giống một cây cầu bên London có thể chấp nhận được. Nhưng thời gian về sau, lớp trẻ họ nhìn vào, họ sẽ đánh giá chúng ta thế nào?"
Đồng quan điểm, trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Vũ Hoàng Chung cho rằng thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo có phần "lai căng" từ phương Tây, không phù hợp với Thủ đô.
"Khi nhìn vào thiết kế, chúng ra sẽ liên tưởng ngay đến cây Cầu Tháp Luân Đôn ở nước Anh, chứ không mang đậm nét văn hoá của Hà Nội. Đây là một cơ hội tốt để Hà Nội xây dựng một cây cầu mang ý nghĩa về lịch sử văn hoá dân tộc, tạo được điểm nhấn trong quy hoạch phát triển đô thị hai bờ sông Hồng", ông Chung cho hay.
Trao đổi với Dân Việt, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Uỷ viên thường vụ Hội KTS Hà Nội nhận định: "Phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo là hỗn tạp, tây tầu tân cổ lai tạp, cho thấy khả năng nhận xét của các thành viên hội đồng không đủ năng lực chuyên môn theo quy định Luật Kiến trúc. Rất nhiều kiến trúc sư khả kính tại Hà Nội và các GS, TS, các nhà văn hoá, lịch sử Việt Nam và các kiến trúc sư của Pháp bất bình trước bản thiết kế kiến trúc "lai tạp" của cầu này".
Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi công trình cầu tồn tại hàng trăm năm, kiến trúc của nó là điểm nhất đô thị, trường tồn mãi với thời gian. Muốn tìm ra thiết kế tầm cỡ, phù hợp với vai trò, ý nghĩa của cầu Trần Hưng Đạo. Quan trọng nhất là chọn được phương án kiến trúc mang đậm nét lịch sử văn hoá của Thủ Đô, xứng danh biểu tượng của Hà Nội, nên tổ chức một cuộc thi kiến trúc để tìm ra phương án tối ưu cho cây cầu đang rất được mong đợi này.
Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Hà Nội nên tổ chức 1 cuộc thi kiến trúc, thiết kế cầu Trần Hưng Đạo để tìm ra một kiến trúc cầu mang tính chất tầm cỡ, phù hợp với nét văn hoá của Thủ đô.
Trước đó, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã tổ chức thành lập Hội đồng tuyển chọn để tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Tuy nhiên, theo ông Trần Huy Ánh, Hội đồng tuyển chọn này là không hợp lý, cần phải được công khai mọi thông tin về Hội đồng tuyển chọn này để giới chuyên môn nắm được. Qua đó, mới đánh giá được chất lượng lựa chọn phương án thiết kế có đáng tin cậy hay không.
"Hội đồng tuyển chọn không có trong Luật Kiến trúc. Theo điều 19, Nghị định 88 hướng dẫn thi hành Luật này, thì chỉ có Hội đồng thi tuyển kiến trúc. Mặt khác, đây là công trình giao thông, có kiến trúc quy mô lớn, nằm tại vị trí quan trọng giữa Thủ đô, do đó phải tổ chức thi và tuyển phương án kiến trúc. Ngoài ra, cũng cần công khai chi tiết thông Hội đồng tuyển chọn được thành lập theo quy định nào, quy chế hoạt động ra sao, thành phần gồm những ai, ý kiến nhận xét của từng thành viên, biên bản họp,… để cho mọi người, đặc biệt là giới chuyên môn có thể biết tính hợp pháp cũng như chất lượng, uy tín, độ tin cậy của kết quả lựa chọn", ông Ánh cho biết.
Thạc sỹ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: "Tính cấp thiết của cầu Trần Hưng Đạo là không cần bàn cãi, nhưng cũng chính vì vai trò và ý nghĩa đó mà chúng ta không nên vội vã. Hà Nội nên tổ chức thi tuyển kiến trúc để tìm ra phương án tối ưu cả về kỹ thuật là tính thẩm mỹ của cây cầu".