Kiệt quệ vì Covid-19, doanh nghiệp cần gói hỗ trợ lãi suất 0%
Hoạt động trong lĩnh vực chịu tác động nặng nền nhất của đại dịch, chia sẻ tại buổi Đối thoại trực tuyến "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, trải qua 9 tháng đầu năm 2021 nhưng thực chất ngành du lịch mới làm được có 3 tháng (tháng 2-4).
"Đặc biệt từ lúc giãn cách theo chỉ thị 16 đến giờ là đóng cửa 100%, tất cả đang ở mức kiệt quệ. Đây là 1 điều rất đau lòng, nhiều hệ thống trung tâm du lịch lớn, trung tâm giải trí với mức độ đang nhận 18 triệu khách du lịch quốc tế năm 2019, 83 triệu lượt khách nội địa. Đến tháng 5-6/2021 tất cả trở về con số 0. Dẫn đến hàng vạn lao động bị thất nghiệp, hàng vạn doanh nghiệp phải dừng sản xuất", ông Kỳ cho hay.
Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, doanh nghiệp như "trâu đi cày". Câu chuyện của doanh nghiệp cũng là của ngân hàng. Doanh nghiệp vay tiền để "đi cày" vừa tạo lợi nhuận cho chính doanh nghiệp nhưng cũng để trả lãi cho ngân hàng.
Ông Kỳ cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần có cơ chế nới rộng dòng tiền. "Chính phủ phải coi doanh nghiệp là đối tác, không nên coi là đối tượng. Người quản lý nhà nước hãy chọn cái gì tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân chứ đừng chọn cái gì tốt nhất cho mình", ông Kỳ chia sẻ.
Ngay như với Vietravel, với 1.700 nhân viên, có những thời điểm chỉ 15-20 lao động đến cơ quan để duy trì các hoạt động hành chính thông thường, bảo vệ cơ sở vật chất.
Doanh thu của Vietravel khi trước dịch khoảng 7.000-8.000 tỷ/năm, sau 3 tháng hoạt động Vietravel rất lo lắng không biết có đạt được khoảng 10% hay không? – theo ông Kỳ. Đại dịch đã khiến Vietravel bị "đánh lùi" trở lại 13-14 năm trước.
Riêng đối với hàng không, tại thời điểm Vietravel Airlines ra đời năm 2020, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và Chính phủ dự báo năm 2021 hàng không sẽ bắt đầu khôi phục. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy, tình hình "rất tệ", hàng trăm phi công, tiếp viên, máy bay,… tất cả "nằm im" trên đường băng, gây ra tổn thất về tài chính vô cùng lớn – theo ông Kỳ.
"Với ngành du lịch, đây là một cú đánh mạnh quá, vượt ra khỏi tất cả những gì từ trước đến nay ngành du lịch phải đối đầu, đẩy ngành du lịch Việt Nam về lại con số 0. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn, mang đến 11% GDP. Với tình hình như vậy, chúng tôi đang có một cái nhìn rất bi quan với ngành du lịch là có tồn tại được không?", Chủ tịch Vietravel lo lắng.
Cũng theo vị này, trong khi các doanh nghiệp cố gắng tồn tại "sống cho đến lúc bình minh", những gói giải ngân hỗ trợ lại tồn tại nhiều vấn đề, rào cản nhiều quá. Bản thân Vietravel, 1.700 lao động, nhưng chỉ có 141 người đủ tiêu chí được nhận gói hỗ trợ gần đây nhất cho các hướng dẫn viên du lịch. Con số này không "thấm" vào đâu đối với doanh nghiệp.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng cho hay, ngành hàng không là ngành có chi phí đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao.
Với 2 hãng hàng không lớn, thời điểm năm 2019, chi phí bình quân 1 ngày khoảng 396 tỷ đồng, chi phí bình quân 1 tháng khoảng gần 12.000 tỷ đồng. Năm 2020 chi phí bình quân 1 ngày khoảng 186 tỷ đồng, chi phí bình quân 1 tháng khoảng gần 5.500 tỷ đồng.
Năm 2021, trong 6 tháng đầu năm, chi phí bình quân 1 ngày khoảng 77 tỷ đồng, chi phí bình quân 1 tháng khoảng gần 2.100 tỷ đồng. Nhu cầu về vốn của các hãng hàng không là rất cao.
Tình trạng máy bay phải nằm chờ tại sân bay kéo dài chiếm khoảng 80-90%. Chi phí thường xuyên bình quân trên 100 tỷ đồng/ngày.
Nhu cầu về vốn để trả cho đối tác mua máy bay, đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo dưỡng, chi phí lương cho nhân viên, nợ ngắn hạn cũng như nợ phải trả của các hãng hàng không hiện nay vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng thiếu hụt nghiêm trọng.
Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.
Từ thực tế kể trên, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu trung – dài hạn, hỗ trợ ngành hàng không phục hồi, bảo toàn được nguồn vốn, cân đối nguồn ngân sách, hỗ trợ việc thanh khoản.
Riêng về nguồn vốn, các hàng hàng không còn lại mong muốn được hưởng lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines. Mục đích nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản tốt hơn. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu, quy mô thị phần, đóng góp ngân sách trong thời gian qua của các hãng hàng không.
"Phía ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Chúng tôi nhận thấy cần những đề nghị chính sách rộng hơn như Quốc hội đã nêu về gói hỗ trợ lãi suất như thời kỳ năm 2009 cho các doanh nghiệp. Đây là một trong những gói hỗ trợ hết sức cần thiết cho các doanh nghiệp bởi vì trong bối cảnh dịch bệnh, hàng không vẫn là điểm sáng đóng góp cho nền kinh tế, tham gia giải cứu, kích cầu du lịch. Khi thị trường ổn định, có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thì chúng ta mới có điều kiện để thực hiện các gói kích cầu, thúc đẩy ngành du lịch, hàng không và tác động đến các ngành kinh tế chung", ông Nề phân tích.
Chia sẻ về những vấn đề đại diện DN nêu lên, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua về phía ngân hàng đã có rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh việc cơ cấu thì đã thực hiện rất mạnh việc kêu gọi các tổ chức tín dụng, các NHTM hạ lãi suất để hỗ trợ DN.
Tổng số lợi nhuận mà các NHTM chia sẻ lãi suất với doanh nghiệp hiện nay khoảng trên 26.000 tỷ. Đây là con số rất lớn để chứng tỏ ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua đã cố gắng nỗ lực hết mình để làm sao chia sẻ với doanh nghiệp cũng như người dân đặc biệt khó khăn trong dịch Covid-19 – theo ông Tuấn Anh.
Dự kiến, trong thời gian tới sẽ có gói hỗ trợ lãi suất như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội vào khoảng 3.000 tỷ, tức là tương đương khoảng 100.000 tỷ dư nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Về quan điểm Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện tại cần thiết phải có những gói hỗ trợ để chia sẻ với doanh nghiệp. Rất nhiều cơ chế chính sách nhưng phải linh hoạt trong việc vận dụng, từ chính sách tài khóa đến chính sách tiền tệ để đảm bảo được an toàn cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất.
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chưa có một nước nào hỗ trợ doanh nghiệp thông qua ngân hàng cả, nhưng mà chúng ta đã làm.
"Ngành ngân hàng đã hỗ trợ cơ cấu nợ, điều chỉnh đè nợ, tính đến nay ngành ngân hàng cũng phải sụt giảm doanh thu trên dưới 30.000 tỷ, không phải là ít. Tức là ngành ngân hàng đã vào cuộc rồi, bây giờ cần tới Chính phủ vào cuộc. Tôi rất ủng hộ việc Chính phủ dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, để làm được như vậy phải điều chỉnh cơ chế. Bởi ngân hàng không thể vượt quy định được, điều kiện thủ tục cần phải theo đúng quy chế.
"Chúng ta đưa ra vấn đề dành nguồn tiền như vậy để hỗ trợ trong bối cảnh ngân hàng nhà nước không thể tự đặt ra một thông tư dưới chuẩn theo quy định, vậy thì nếu hỗ trợ, cần kiến nghị Chính phủ - Quốc hội cho phép ngân hàng trong một bối cảnh nhất định cấp vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", ông Hùng nói và cho biết thêm, ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh, nên ngân hàng rất chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, chỉ là cái khó đến sau mà thôi.
Ngoài ra, để các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ông Hùng đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tương tự như Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ.
"Để phù hợp với tình hình hiện tại, có thể chỉ cần khoanh nợ gốc. Có nghĩa, doanh nghiệp không phải trả nợ gốc, chỉ phải trả lãi vay. Có như vậy ngân hàng mới tiếp tục có nguồn lực và hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng sau khi kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh", ông Hùng kiến nghị.
Ngoài ra, ông Hùng cũng có các kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai...