Gói hỗ trợ 26.000 tỷ: Giảm khắt khe, 'dễ thở' hơn so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ

H.Anh Thứ tư, ngày 04/08/2021 09:19 AM (GMT+7)
So với gói hỗ trơn 62.000 tỷ trước đây, trình tự thủ tục của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đã được đơn giản hóa và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một chính sách mới khó có thể cầu toàn và chính xác tuyệt đối.
Bình luận 0

Thống kê cho thấy, cả nước có hơn 70.000 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản; khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, có trên 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng việc, 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên...

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ: Khó có thể cầu toàn và chính xác tuyệt đối, chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: L.T

Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này đã, đang xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động.

Những tác động này khiến tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 - 24 tuổi) ở mức cao, thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tiếp tục tăng và không có dấu hiệu dừng.

Từ thực tế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ của Nghị quyết số 68/NĐ-CP có trị giá 26.000 tỷ đồng.

Giải quyết thủ tục nhận tiền từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng dưới 10 ngày

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho biết, sự khác biết của gói hỗ trợ 26.000 tỷ so với gói 62.000 tỷ trước đây là giảm tính khắt khe trong xét duyệt, tức điều kiện dễ hơn.

Ông Thịnh phân tích, khi đưa ra chính sách, để tránh thất thoát, sai đối tượng, chúng ta thường đưa ra những điều kiện rất khắt khe. Như gói 62.000 tỷ năm ngoái, người lao động, doanh nghiệp, phải kê khai, chứng minh rất nhiều và rất vất vả. Người xét duyệt thì cố làm cho đúng không bị sai quy định, chứ chưa hẳn là cố để tiền hỗ trợ đến được tay người cần. Đây cũng chính là lý do gói 62.000 tỷ đã "không làm tròn sứ mệnh".

Tuy nhiên, tinh thần của gói hỗ trợ 26.000 tỷ là giản lược tối đa thủ tục, điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất.

Ví dụ, thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không lương giảm xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng mỗi năm với hộ kinh doanh, chỉ yêu cầu dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15%.

Trước đó, báo cáo Quốc hội ngày 25/7, Bộ trưởng Lao Động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, qua một tuần triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, có 62 doanh nghiệp đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 13.500 lao động, gấp 10 lần gói 62.000 tỷ đồng.

Hơn 52.000 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại gần 6.000 doanh nghiệp đã được hưởng chính sách. 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tái cấp vốn.

So với gói cũ, thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất đã tăng lên 6 tháng thay vì 3 tháng như trước đây. Thời gian giải quyết từ 25 ngày giảm xuống còn 5 ngày. Hồ sơ từ 3 thành phần còn 1 và giảm một nửa thông tin phải kê khai.

Thời gian giải quyết cho lao động, doanh nghiệp vì thế rút xuống còn từ 5 - 10 ngày từ khi nộp hồ sơ cho đến khi phê duyệt kinh phí. Qua đó, tiền hỗ trợ đến tay người cần nhanh hơn.

Đồng quan điểm, TS Đỗ Quỳnh Chi – Sáng lập viên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động thừa nhận, những người thiết kế chính sách đã lắng nghe nhiều ý kiến từ người dân, địa phương, vì vậy thiết kế của gói hỗ trợ theo Nghị Quyết 68 (26.000 tỷ) so với gói 62.000 tỷ trước đây đã được cải tiến rất nhiều.

Bà Chi chỉ rõ 3 điểm đó là, đối tượng mở rộng hơn, mức chi trả cao hơn (1,5 triệu – 3,7 triệu, trợ cấp 1 lần) và quy trình được đơn giản hóa, tức là thay vì quy trình hơn 1 tháng trước đây thì giảm xuống còn 7 – 10 ngày.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ: Khó có thể cầu toàn và chính xác tuyệt đối, chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định - Ảnh 3.

Giải quyết thủ tục nhận tiền từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng dưới 10 ngày. Ảnh: LT

Cũng theo bà Chi, nếu so sánh sự khác biệt giữa gói 62.000 tỷ năm ngoái và gói 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 năm nay, thì đó là cần huy động sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội và các cơ quan địa phương.

Với gói hỗ trợ 26.000 tỷ - việc giải ngân gói chính sách này được giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động tự do. Nếu chúng ta liên kết được với các tổ chức ở địa phương, thì tỷ lệ trao đúng, đủ, nhanh sẽ rất nhanh.

Không hỗ trợ cho mọi đối tượng

Dù đang nhận được nhiều phản hồi tích cực, song trong báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 (gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng), thì điều kiện để doanh nghiệp vay trả lương cho lao động mất việc, ngừng việc vì Covid-19 và phục hồi sản xuất hiện chưa hợp lý.

Điểm bất cập được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân chỉ ra là doanh nghiệp muốn vay theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng thì phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Trong khi theo pháp luật về thuế, doanh nghiệp có thể quyết toán thuế chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm.

Bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm ngoái tới nay khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn về tài chính nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù doanh nghiệp chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý.

"Việc hỗ trợ trong lúc này không nên cào bằng, vì cào bằng thì Nhà nước không có nguồn lực. Với các doanh nghiệp đang có nợ xấu, rõ ràng đây là các doanh nghiệp yếu kém, và nếu hỗ trợ thì rõ ràng là kinh tế phi thị trường. Chỉ nên hỗ trợ để đảm bảo nền kinh tế vững, ổn định và phát triển.

Nói chung lý tưởng nhất là hỗ trợ tất cả nhưng chắc chắn Chính phủ không đủ nguồn nên chỉ hỗ trợ ở mức đảm bảo cho các hoạt động nền tảng và phát triển được giữ vững, để sau dịch sẽ tiếp tục phát triển. Còn nếu hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp nợ xấu thì không bao giờ đủ, nên hỗ trợ theo một cách khác, đó là các giải pháp giúp vực dậy doanh nghiệp bằng các giải pháp tái cấu trúc. Việc đó sẽ đòi hỏi sự mất mát, hy sinh… " - TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế.

Đồng tình, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cũng thừa nhận, thủ tục này đang gây khó, khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được gói hỗ trợ. Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Lực đó là Bộ chủ quản báo cáo Chinh phủ xem xét loại bỏ quy định này, giúp doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp "phản ứng" với quy định doanh nghiệp không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn mới được hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, phục hồi kinh doanh sản xuất.

Trao đổi với Dân Việt, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc cho vay doanh nghiệp có nợ xấu là sai luật. Luật các TCTD là doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh khả thi, nhưng hiện tại chúng ta chưa kịp sửa luật nên quy định cho vay khi không có nợ xấu là quy định bắt buộc khi cho vay, kể cả vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, phục hồi kinh doanh sản xuất.

Bởi khi doanh nghiệp nợ xấu "đầm đìa" nhưng vẫn xét duyệt cho vay, dẫn tới rủi ro mất tiền của cả ngân hàng, ngân sách.

"Các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, hiệu quả hiện đã được hệ thống ngân hàng cho giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy không dẫn tới nợ xấu. "Những doanh nghiệp có nợ xấu thường là những doanh nghiệp khó khăn từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Như vậy, nhóm đối tượng này có cần phải hỗ trợ hay không?", ông Lực đặt vấn đề.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ: Khó có thể cầu toàn và chính xác tuyệt đối, chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định - Ảnh 5.

Với các doanh nghiệp đang có nợ xấu, rõ ràng đây là các doanh nghiệp yếu kém, và nếu hỗ trợ thì rõ ràng là kinh tế phi thị trường. (Ảnh: NHCS)

Một chính sách mới khó có thể cầu toàn và chính xác tuyệt đối

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, một chính sách mới khó có thể cầu toàn và chính xác tuyệt đối, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua lợi ích toàn cục lớn hơn. Đó là mục tiêu an dân và chống dịch. Chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định (ngoại trừ yếu tố chủ quan, cố tình trục lợi) cũng là cách tiếp cận mà các nước như Mỹ và châu Âu đã phát tiền trực tiếp cho dân năm ngoái.

"Trong một dự án chúng tôi nghiên cứu, chương trình tín dụng ưu đãi người nghèo của Việt Nam suốt 10 năm (2011-2020) không thể tránh khỏi một vài trường hợp cho vay chệch đối tượng nghèo, một vài người do cố ý làm sai đã bị xử lý. Nhưng, trên bình diện cả nước, quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ gần 90 ngàn tỷ đồng năm 2010 lên 225 ngàn tỷ đồng cuối năm 2020. Gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã được tiếp cận vốn vay rẻ, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và thay đổi bộ mặt nông thôn", ông Lực dẫn chứng.

Đồng tình, TS Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung Ương thừa nhận, đó là chuyện xảy ra trên thực tế, thậm chí như Mỹ và Nhật Bản, người dân tại hai quốc gia này ai cũng được nhận hỗ trợ nhưng vẫn còn nhầm, trong khi đó Việt Nam chỉ lựa chọn một số đối tượng thì việc người được, người không là chuyện khó tránh khỏi.

"Tôi nói như thế không phải để cổ vũ cho tiêu cực nhưng trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần phải lấy hiệu quả tổng thể làm thước đo đánh giá cao nhất. Nếu chúng ta muốn triển khai nhanh thì làm sao có thể chuẩn 100%? Như tính toán của chúng tôi, tỷ lệ chính xác lên tới 96% đã là rất tích cực", ông Thành nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem