Dân Việt

Nữ chủ nhân của kho vàng đỏ ở Afghanistan thách đố Taliban

Tuấn Anh (Theo France 24) 27/09/2021 19:00 GMT+7
Một lãnh đạo doanh nghiệp Afghanistan sử dụng hàng trăm lao động nữ trên những cánh đồng nghệ tây của mình đã tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của công nhân và "không giữ im lặng" dưới sự cai trị của Taliban.
Nữ chủ nhân của kho vàng đỏ ở Afghanistan thách đố Taliban - Ảnh 1.

Mỗi kg nghệ tây có giá 5.000 đô la nên nó được mệnh danh là vàng đỏ.

Taliban đang ngày càng loại trừ vai trò của phụ nữ trong cuộc sống kể từ khi lên nắm quyền ở Afghanistan vào giữa tháng 8, khiến nhiều doanh nhân nữ phải bỏ trốn khỏi đất nước hoặc ở ẩn.

Nhiều người lo sợ sự quay trở lại của chế độ áp bức tàn bạo từ năm 1996 đến năm 2001 khi phụ nữ bị cấm đi học hoặc đi làm, và chỉ được phép ra khỏi nhà khi có một nam giới đi kèm giám sát. Shafiqeh Attai, người thành lập công ty nghệ tây của mình ở thành phố Herat, miền Tây vào năm 2007, cho biết: "Chúng tôi sẽ đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của những nữ công nhân. Bất kể điều gì xảy ra, chúng tôi sẽ không chỉ ngồi ở nhà, bởi vì chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Chúng tôi sẽ không im lặng".

Bà Attai, 40 tuổi thành lập công  ty Pashton Zarghon Saffron Women chuyên về sản xuất, chế biến, đóng gói và xuất khẩu nhụy hoa nghệ tây- loại gia vị đắt nhất thế giới với lực lượng lao động hầu như chỉ là nữ khoảng 1.000 người.

Những cánh đồng hoa nghệ tây trải dài trên gần 100 ha ở huyện Pashton Zarghon của tỉnh Herat, giáp với Iran.

Attai cho biết, tuyển dụng phụ nữ cho phép họ trở thành trụ cột gia đình, giúp họ có thể cho con đi học, mua quần áo và những thứ cần thiết khác.

"Tôi đã làm việc chăm chỉ để thành lập doanh nghiệp của mình. Chúng tôi không muốn ngồi im lặng và bị phớt lờ. Ngay cả khi họ phớt lờ chúng tôi, chúng tôi sẽ không giữ im lặng ", bà Attai nói.

Thay thế cho thuốc phiện

Nữ chủ nhân của kho vàng đỏ ở Afghanistan thách đố Taliban - Ảnh 2.

Phần nhụy đỏ gồm 3 đầu nhụy được phơi khô chuẩn bị xuất bán. Ảnh AFP

Chính phủ Afghanistan nhiều năm qua đã khuyến khích nông dân trồng loại gia vị này - được sử dụng trong các món ăn từ biryani đến paella - với nỗ lực thay thế trồng cây thuốc phiện vốn mang lại doanh thu khổng lồ cho Afghanistan.

Tuy nhiên, nước này cho đến nay vẫn là nhà sản xuất thuốc phiện và heroin lớn nhất thế giới, cung cấp từ 80 đến 90% sản lượng toàn cầu.

Trong thời kỳ nắm quyền trước đây, Taliban - kẻ đã sử dụng việc bán thuốc phiện để tài trợ cho cuộc nổi dậy của họ - đã phá hủy phần lớn cây trồng mà bề ngoài là để diệt trừ nó, mặc dù các nhà phê bình cho rằng việc này chỉ nhằm nâng cao giá trị của kho dự trữ khổng lồ của họ.

Việc trồng cây thuốc phiện lại tăng mạnh trong những năm gần đây do tình trạng nghèo đói và bất ổn gia tăng. Theo Liên hợp quốc, diện tích sản xuất của Afghanistan hiện nay lớn gấp 4 lần so với năm 2002.

 "Vàng đỏ"

Sản lượng nghệ tây được sản xuất ở Tỉnh Herat chiếm phần lớn sản lượng của cả Afghanistan. Với giá hơn 5.000 USD/ kg, nghệ tây là loại gia vị đắt đỏ nhất thế giới và công ty của Attai sản xuất khoảng 500 kg mỗi năm.

Nhụy của loài hoa này trong nhiều thế kỷ đã được sử dụng trên khắp thế giới trong nấu ăn, nước hoa, thuốc, trà và thậm chí là một loại thuốc kích thích tình dục - và vì giá thành cao nên nó được mệnh danh là "vàng đỏ".

Nữ chủ nhân của kho vàng đỏ ở Afghanistan thách đố Taliban - Ảnh 3.

Các nữ công nhân làm việc chăm chỉ trên những cánh đồng trong nhiệt độ nóng bức. Ảnh AFP

Được trồng tốt nhất ở nơi có nắng nóng, những bông hoa nghệ tây màu tím tươi được thu hoạch vào tháng 10 và tháng 11. Những người tham gia thu hoạch hoa nghệ tây phần lớn là phụ nữ ở độ tuổi 50, 60, họ bắt đầu hái vào lúc bình minh trước khi cây héo vào cuối ngày.

Sau đó, những người lao động sẽ tách những chiếc lá mỏng manh, những đầu nhụy màu đỏ sặc sỡ và những sợi nhụy màu vàng nhạt - công việc cần mẫn đòi hỏi sự tập trung và kỹ năng.

Công việc khó khăn

Attai không chỉ lo lắng về tương lai kinh doanh của mình mà còn lo lắng cho những phụ nữ trên khắp Afghanistan đang sống trong tình trạng lấp lửng, không chắc chắn về việc làm, giáo dục và các vị trí đại diện trong chính phủ.

"Bây giờ chính phủ của Các Tiểu vương quốc Hồi giáo đang ở đây, chúng tôi rất lo lắng rằng họ sẽ chặn công việc của chúng tôi", Attai nói.

"Họ không cho phép các cô gái quay lại trường học và đại học, và họ cũng không cho phụ nữ giữ chức vụ nào trong chính phủ - tôi lo lắng về điều gì sẽ xảy ra. Tôi không chỉ nghĩ về bản thân mình, tôi đang nghĩ về tất cả những gì có thể hỗ trợ để những nữ công nhân của mình có thể trang trải được cuộc sống gia đình", cô nói và lưu ý rằng một số nhân viên của cô là trụ cột duy nhất trong gia đình của họ.

Nữ chủ nhân của kho vàng đỏ ở Afghanistan thách đố Taliban - Ảnh 4.

Sau khi thu hoạch, hoa nghệ tây được đưa về nhà máy và công nhân làm việc tỉ mẩn để tách nhụy. Ảnh AFP

"Tôi lo lắng rằng 20 năm làm việc chăm chỉ của những người phụ nữ này sẽ trở nên lãng phí."

"Không thể bỏ qua"

Trong 20 năm kể từ thời điểm Taliban bị đánh bật và chính quyền Afghanistan do do Mỹ hậu thuẫn lãnh đạo vào năm 2001, nhiều phụ nữ đã trở thành lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố như Herat.

Từ lâu là một trung tâm thương mại quan trọng gần biên giới Iran và Turkmenistan, thành phố này trong những tháng gần đây đã có nhiều nữ doanh nhân buộc phải từ bỏ công việc của mình.

Younes Qazizadeh, người đứng đầu phòng thương mại của thành phố, nói với AFP rằng ông hy vọng Taliban sẽ đưa ra thông báo chính thức để chỉ ra rằng "phụ nữ cũng có thể quay lại và kinh doanh dưới chính quyền này".

Nữ chủ nhân của kho vàng đỏ ở Afghanistan thách đố Taliban - Ảnh 5.

"Không một người đàn ông nào đủ can đảm" để ngăn Attai và các đồng nghiệp nữ của cô ấy làm việc. Ảnh AFP

Còn bây giờ, số phận của những doanh nghiệp như Attai's cũng đang rất bấp bênh. Qazizadeh nói thêm: "Chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu lại các công việc kinh doanh của phụ nữ ở đất nước chúng tôi.

Attai nói rằng hiện tại, cô đang ở lại quê hương của mình vì cô có "một số hy vọng" rằng công việc kinh doanh của cô có thể tồn tại.

Trước đợt rút quân của Mỹ, một cuộc không vận khổng lồ đã khiến 124.000 người phải sơ tán khỏi sân bay Kabul.

Attai nói: "Tôi cũng có thể ra đi. Tôi không nghĩ rằng Taliban sẽ chặn công việc làm ăn của chúng tôi. Chúng tôi là một công ty hoàn toàn do phụ nữ điều hành và sử dụng phụ nữ - không một người đàn ông nào đủ can đảm để ngăn chặn điều đó", Attai nói thêm.