Chiến tranh ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc, đây là lý do

Tuấn Anh (Theo NI) Thứ hai, ngày 27/09/2021 11:19 AM (GMT+7)
Nếu nói rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã kết thúc "cuộc chiến mãi mãi" quả là một quan điểm vừa vô lý và nguy hiểm, tạp chí Mỹ National Interest (NI) bình luận.
Bình luận 0
Chiến tranh ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc, đây là lý do - Ảnh 1.

Mỹ đã kéo dài cuộc chiến ở Afghanistan suốt 20 năm. Ảnh AFP

"Cuộc chiến mãi mãi"

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Biden rút quân khỏi Afghanistan vào tháng trước đã đánh dấu một trong những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử chính sách đối ngoại của Mỹ. Hàng trăm công dân Mỹ, cùng với hàng nghìn người có thẻ xanh và những người có thị thực nhập cư đặc biệt, đã bị bỏ lại dưới sự cai trị của Taliban.

Các thiết bị quân sự tối tân của Mỹ trị giá hàng chục tỷ USD đã bị lực lượng Taliban tiếp quản. Giờ đây, các nhóm thánh chiến chiến đấu, bao gồm cả Al Qaeda- những kẻ đã tấn công Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, cũng đã hoạt động trở lại bên trong lãnh thổ Afghanistan. Tất cả những điều này chắc chắn sẽ để lại những bài học đắt giá trong nhiều năm tới.

Nhưng có lẽ tai hại nhất là việc Tổng thống Joe Biden và các quan chức cấp cao của ông tiếp tục nhấn mạnh rằng việc rút quân thực sự là một hành động tích cực vì làm như vậy là sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ  tại Afghanistan. Điều này cũng có nghĩa là chấm dứt các hoạt động chiến đấu công khai của Mỹ liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố hậu 9/11.

Tuy nhiên, điều mà Mỹ không thực sự muốn thảo luận là vấn đề quy mô, sự tốn kém của cuộc chiến chống khủng bố như thế nào. Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan chỉ khiến cho vấn đề vốn gây tranh cãi này càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Để hiểu được điều này, hãy xem việc định nghĩa cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan là nền tảng của "những cuộc chiến mãi mãi" thời hậu 9/11 là sai lầm như thế nào. Cuộc chiến này thực sự không bắt đầu vào ngày 11/9/2001, hay cuộc xâm lược của Mỹ vào Afghanistan sau đó nhằm lật đổ chính quyền Taliban và đưa cuộc chiến trực tiếp nhắm vào Al Qaeda.

NI cho rằng, thực tế cuộc chiến này đã bắt đầu 3 năm trước đó, vào tháng 8 năm 1998, với cuộc tấn công của Al Qaeda vào hai đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi, Osama bin Laden được coi là kẻ bắn phát súng đầu tiên trong một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.

Thậm chí 5 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1993, Ramzi Yousef và đồng phạm đã cho nổ một quả bom tại căn cứ của Trung tâm Thương mại Thế giới, với hy vọng một tòa tháp sẽ đổ vào tòa tháp kia, đủ để giết chết hơn 100 ngàn người. Lý do duy nhất khiến cuộc tấn công thất bại là vì (như Yousef sau này đã lý giải rằng) hắn ta thiếu tiền để mua đủ lượng thuốc nổ.

Thực tế là, kể từ khi Đế chế Ottoman sụp đổ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 - các nước đế quốc phương Tây nắm quyền kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đối với phần lớn thế giới Ả Rập và Hồi giáo khiến các phong trào Hồi giáo cực đoan phát sinh và ngày càng trở nên lớn mạnh.

Những phong trào này không đại diện cho toàn bộ cộng đồng rộng lớn của 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới, nhóm người tích cực cầm vũ khí chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cộng đồng người Hồi giáo nói chung.

Chiến tranh ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc, đây là lý do - Ảnh 2.

Lực lượng Taliban tuần tra trong khu phố Wazir Akbar Khan ở thành phố Kabul, Afghanistan ngày 18/8/2021. (Ảnh: AP)

Điểm mấu chốt của những nhóm Hồi giáo cực đoan này là họ luôn đề cao bản thân và tự hào khi tiến hành một "cuộc chiến mãi mãi" chống lại những phe phái, những nước từ bên ngoài mà Hồi giáo cực đoan xem là kẻ thù vĩnh cửu.

Do đó, nói rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đã kết thúc "cuộc chiến mãi mãi" là vô lý và nguy hiểm. Như Tổng thống Mỹ Biden và đội ngũ Nhà Trắng của ông đã biết rõ, các nhóm khủng bố sẽ tiếp tục có các kế hoạch nhằm vào Mỹ, và rất có thể với mức độ dữ dội hơn sau những gì vừa xảy ra ở Afghanistan.

Tất nhiên, Nhà Trắng tuyên bố sẽ kiểm soát được tất cả những điều này, theo đó Mỹ có khả năng quân sự đủ để có thể tấn công bất kỳ kẻ thù nào ở bất kỳ đâu trên thế giới ngay lập tức. Hoặc, như Biden gần đây đã cảnh báo bất kỳ ai liên quan đến âm mưu khủng bố chống lại người Mỹ, "cũng như bất kỳ ai muốn làm hại nước Mỹ ", quân đội Mỹ "sẽ truy lùng và bắt chúng phải trả giá".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Khi Mỹ thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, một cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc một cuộc ném bom bên trong một quốc gia khác, điều đó được gọi là "hành động chiến tranh". Vì vậy, việc rút tất cả quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan hoàn toàn không có tác dụng gì để chấm dứt "cuộc chiến mãi mãi".

Có thể hiểu hành động này của Mỹ là đưa nước Mỹ bước vào một giai đoạn mới của chiến tranh toàn cầu hóa, nơi nước này sẽ hoạt động sâu hơn nữa như điều mà Phó Tổng thống thứ 46 của Mỹ Dick Cheney từng bị chế giễu vì gọi là "mặt tối" của các vấn đề quốc tế.

"Mặt tối" này là thế giới bóng tối của việc giám sát lén lút, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và hoạt động bí mật — chưa kể đến sự thiếu minh bạch, thiếu tính khả thi, ít hoặc không có trách nhiệm giải trình công khai, và gần như nằm ngoài khả năng giám sát của Quốc hội.

Đó là một phần lớn lý do tại sao Mỹ không phải hứng chịu một cuộc tấn công lớn nào khác kể từ ngày 11/9/2001. Nhưng đổi lại, Mỹ đã phải bỏ ra một chi phí khổng lồ, mà cụ thể bao nhiêu thì không ai biết được.

James Madison cảnh báo rằng đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Biden đã biến Afghanistan trở thành một vùng đất bất thường trong cuộc chiến lâu dài (và chủ yếu là thành công) của Mỹ chống lại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Ví dụ, Nhà Trắng đã liên tục đưa ra các lựa chọn ở Afghanistan với danh nghĩa là để tránh các cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn với hàng chục nghìn quân được triển khai lâu dài và chiến đấu khắc nghiệt.

Nhưng thực tế ở các quốc gia và khu vực khác mà chính quyền Mỹ vẫn lấy làm hình mẫu cho cách tiếp cận chống khủng bố mới của mình đối với Afghanistan như Yemen, Somalia, khu vực Sahel của châu Phi, Philippines - đều là những nơi mà Mỹ thực sự có "những bước đi trên mặt đất".  Chính quyền Biden gần đây đã đưa lực lượng lính "Mũ nồi xanh" đến Mozambique để giúp huấn luyện và hỗ trợ quân đội Mozambique trong cuộc chiến chống lại một chi nhánh ISIS mới ở đó.

Chiến lược này chưa phải là hoàn hảo, nhưng đó là loại chiến lược được triển khai trong tương lai, có quy mô nhỏ, có sự gắn kết với người dân địa phương để tạo nên sự bền vững về lâu dài.

Afghanistan – "Las Vegas của những kẻ khủng bố"

Không có quốc gia nào tồi tệ hơn để Mỹ thử nghiệm khái niệm "rút quân toàn diện" này hơn Afghanistan. Xét cho cùng, Afghanistan là trung tâm của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu trong những năm 1990, vừa lật đổ Liên Xô sau cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ ở đó. Và bây giờ những chiến binh mujahideen và Taliban rất giống nhau có thể tuyên bố đã đánh bại và lật đổ một siêu cường toàn cầu khác.

Đây là cơn bão hoàn hảo mà trùm khủng bố Osama bin Laden đã nói đến với "lý thuyết mạnh mẽ về chủ nghĩa thánh chiến" của hắn ta. Và đó chính xác là những gì đang xảy ra. Vào tháng 6 năm nay, Liên Hợp Quốc đã báo cáo rằng khoảng 10 ngàn chiến binh thánh chiến nước ngoài đã tràn vào Afghanistan trong những tháng gần đây và đó là thời điểm trước khi Mỹ rút toàn bộ quân ra khỏi Afghanistan.

Một quan chức tình báo lâu năm trong khu vực nói với New York Times vào đầu tháng này rằng "Afghanistan giờ đây đã trở thành Las Vegas của những kẻ khủng bố, của những kẻ cấp tiến và của những kẻ cực đoan".

Tất cả điều này gợi nhớ một cách kỳ lạ về những gì đã xảy ra ở Iraq sau khi chính quyền Obama rút quân hoàn toàn không thể lường trước được vào cuối năm 2011. Sau đó, ISIS đã trỗi dậy và trở thành "ngọn hải đăng" hy vọng và cơ hội cho các chiến binh thánh chiến ở khắp mọi nơi, sau đó là nhiều năm đổ máu hàng loạt.

Hậu quả là cuộc khủng hoảng người tị nạn và các cuộc tấn công khủng bố toàn cầu, bao gồm khắp châu Âu và bên trong nước Mỹ.

Và bây giờ Tổng thống Biden mong muốn đặt Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố ở lại phía sau để tập trung vào chương trình nghị sự trong nước trị giá hàng nghìn tỷ USD của mình. Vấn đề là, việc rút lui khỏi Afghanistan đầy tranh cãi của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến con số cuộc thăm dò tổng thể của ông, đe dọa chương trình nghị sự trong nước đó.

Như Alexander Hamilton đã từng cảnh báo: "Không chính phủ nào có thể cho chúng ta sự yên tĩnh và hạnh phúc ở bên trong nếu chính phủ đó không đủ khả năng để được tôn trọng từ bên ngoài".

Cách mà Mỹ vừa rời khỏi Afghanistan sẽ là vấn đề còn được tranh luận, ảnh hưởng đến danh tiếng và sự tôn trọng của nước Mỹ - trong nhiều năm tới.

Mỹ có cơ hội duy trì sự hiện diện khiêm tốn, được triển khai từ trước, ở trung tâm then chốt nhất của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu dưới vỏ bọc của chủ nghĩa thánh chiến ở Trung và Nam Á.

Điều quan trọng không kém, Mỹ có cơ hội thực hiện những lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc ít nhất là bảo vệ khỏi cuộc sống tồi tệ nhất có thể cho hàng chục triệu người Afghanistan đặt niềm tin vào Mỹ.

Nói cách khác, Mỹ có cơ hội để cho các đối thủ và đồng minh của mình thấy rằng Mỹ có thể giải quyết những thách thức rất khó khăn trên thế giới, một cách không hoàn hảo nếu cần, trong khi vẫn đồng thời duy trì các giá trị của Mỹ.

Nhìn bề ngoài, tất cả dường như kết thúc với màn ăn mừng trên Twitter của các chiến binh Hồi giáo chiếm giữ Căn cứ Không quân Bagram, và với cảnh những con người bám vào máy bay Mỹ theo đúng nghĩa đen khi họ cất cánh lần cuối cùng từ sân bay Kabul. Nhưng những tổn thương và hi sinh này chỉ mới là bắt đầu, "cuộc chiến mãi mãi" ở Afghanistan thực sự chưa kết thúc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem