Điều mọi người quan tâm nhất bây giờ có lẽ là quá trình hình thành một chính phủ liên minh.
Lãnh đạo SPD Olaf Scholz cho biết ông muốn liên minh cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Mặc dù vậy, đối thủ bên phe Bảo thủ của ông, Armin Laschet sẽ không dễ dàng để điều đó xảy ra.
Các cuộc đàm phán có thể kéo dài hàng tháng. Cho đến lúc đó, bà Angela Merkel sẽ vẫn tại vị.
Người dân Đức đã đi bỏ phiếu vào ngày 26/9. Đây là một cuộc bầu cử quan trọng vì thủ tướng mới sẽ thay thế bà Angela Merkel, người đã có 16 năm cầm quyền.
Bầu cử Đức năm nay được ví như một cuộc đua vô cùng gay cấn, không đảng nào giành đủ số phiếu để chiếm đa số trong Hạ viện, Quốc hội của Đức.
Thực tế này đã dẫn tới việc cần thiết thành lập một chính phủ liên minh, điều này cũng không có gì mới đối với Đức, vì kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không có đảng nào giành được đủ số ghế để tự mình thành lập chính phủ.
Đảng SPD của Olaf Scholz đã tuyên bố chiến thắng - nhưng ông sẽ cần phải hợp lực với các đảng khác nếu muốn đảm bảo vị trí thủ tướng.
Trong khi đó, đảng dẫn đầu còn lại, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) thuộc phe bảo thủ của Thủ tướng Merkel đã phải chịu thành tích tồi tệ nhất từ trước đến nay với Armin Laschet là ứng cử viên.
SPD và đảng bảo thủ đã cùng nhau cầm quyền trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông Scholz cho biết mình muốn hợp lực cùng đảng Xanh và FDP.
Tuy nhiên, phe bảo thủ sẽ không từ bỏ dễ dàng như vậy. Armin Laschet cho biết ông đang cố gắng thành lập một chính phủ, cũng với đảng Xanh và FDP. Tuy nhiên, danh tiếng của ông đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay, đặc biệt là sau khi ông bị bắt gặp đang cười khi tới thăm một thị trấn bị lũ lụt hồi tháng Bảy.
Đàm phán để thành lập một chính phủ chung có lẽ là quá trình khó khăn và phức tạp nhất sau một cuộc bầu cử liên bang.
Họ có thể mất hàng tháng - và thậm chí sau đó cũng không phải lúc nào cũng thành công. Một ví dụ là cuộc bầu cử năm 2017, khi nỗ lực trong việc thành lập chính phủ ba bên với CDU, đảng Xanh và FDP đã thất bại.
Trong hệ thống chính trị của Đức, tất cả các bên được phép tổ chức "những cuộc đàm phán thăm dò" - giai đoạn ban đầu mà mọi người đều có thể đàm phán cùng một lúc.
Đảng Xanh và FDP nhận được rất nhiều sự ủng hộ trong cuộc bầu cử này. Cả SDP và đảng bảo thủ đều muốn thuyết phục họ liên minh.
Một "liên minh lớn" giữa SDP và phe bảo thủ cũng là phương án được cân nhắc. Tuy nhiên, bởi Olaf Scholz và Armin Laschet đều muốn trở thành thủ tướng, vì vậy lựa chọn này ít có khả năng xảy ra.
Khi các bên quyết định thành lập một liên minh, họ sẽ đi sâu vào chi tiết trong quá trình đàm phán.
Mọi quan điểm đều sẽ bị loại trừ cho đến khi họ đồng ý về những thứ như các vấn đề chính sách và bổ nhiệm bộ trưởng.
Khi đã đạt được điểm chung và ký một bản cam kết dày đặc các điều khoản và thỏa thuận, họ có thể đề cử lựa chọn của mình cho chức thủ tướng trước khi bỏ phiếu chính thức tại Hạ viện.
Sau cuộc bầu cử cuối cùng của Đức vào năm 2017, phải mất hơn 5 tháng để bà Angela Merkel chính thức được xác nhận là thủ tướng.
Trong khi các cuộc đàm phán diễn ra, chính phủ sắp mãn nhiệm vẫn sẽ ở lại để xem xét mọi việc. Điều này có nghĩa là Angela Merkel sẽ tiếp tục tại vị trong tương lai gần.
Merkel cho biết bà rất mong được nghỉ hưu, tuy vậy bà vẫn có thể làm việc cho tới dịp lễ Giáng sinh.
Điều đó cũng có nghĩa là bà có thể đến Rome vào cuối tháng 10 để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 hàng năm và gặp gỡ với nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Để duy trì sự ổn định chính trị, nhiều khả năng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ khuyến khích các bên thực hiện một thỏa thuận.
Nếu họ không thể thống nhất lựa chọn ra một thủ tướng, ông Steinmeier, một đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội, có thể đề cử một nhà lãnh đạo tiềm năng, thường là từ đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất.
Nghị viện sau đó sẽ bỏ phiếu kín, với ứng cử viên cần đa số tuyệt đối (hơn một nửa số phiếu).
Nếu tiếp tục bế tắc sau hai vòng bỏ phiếu này, tổng thống có thể bổ nhiệm thủ tướng làm người đứng đầu chính phủ thiểu số, hoặc giải tán Hạ viện và triệu tập các cuộc bầu cử mới.