Ngành nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, giúp cho cơ cấu kinh tế ngành Nông Lâm nghiệp -Thủy sản chiếm tỷ trọng 40,1 % toàn tỉnh. Không chỉ dừng lại ở đó, trong những năm qua, Lâm Đồng đang tiếp tục ứng, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp để từng bước thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, ngành nông nghiệp địa phương đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp. Theo đó, nhiều lĩnh vực liên quan đã được các đơn vị tập trung thực hiện, mang lại những kết quả khả quan.
Riêng trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, ứng dụng công nghệ IOT (internet vạn vật) trong canh tác cây trồng đã chiếm hơn 20% diện tích đất canh tác toàn tỉnh. Qua đó giúp điều khiển tự động, tiết kiệm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón, giảm công lao động và tăng năng suất chất lượng cây trồng.
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 269ha được gắn hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng thông minh. Thông qua hệ thống cảm biến, người điều hành có được các thông tin chính xác nhất về điều kiện sản xuất (pH, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng) để giám sát và điều khiển việc tưới tiêu, châm phân; lưới cắt nắng, mở mái nhà kính... bằng hệ thống mạng cảm biến này, giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao. Giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác cây trồng. Đồng thời giảm nhân công lao động cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ngoài ra, các lĩnh vực như dự báo sâu bệnh hại, quản lý lưu thông các sản phẩm trồng trọt, dự báo sâu bệnh hại rừng trồng, quản lý lưu thông sản phẩm trồng trọt, hỗ trợ hoạt động sản xuất chăn nuôi, thú y và thủy sản, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm sản, quảng bá và giao dịch điện tử sản phẩm nông lâm sản...cũng được ứng dụng công nghệ quản lý.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã áp dụng chuyển đổi số trong việc hỗ trợ thực hiện các hoạt động dự báo cảnh báo mưa, lũ và giám sát hồ chứa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực này được thực hiện dự báo, cảnh báo mưa bằng hệ thống đo mưa tự động Vrain tại 46 trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh; được cập nhật thông tin tự động lên website http://vrain.vn của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Từ đây, cơ sở dữ liệu đo mưa được chia sẻ đến tất cả các cấp quản lý và người dân để có thể truy cập, nhận thông tin về lượng mưa và nhận cảnh báo mưa lớn trên điện thoại di động thông minh. Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, qua quá trình khai thác, sử dụng cho thấy các trạm đo mưa tự động vận hành ổn định, hiệu quả. Việc truy cập và khai thác thông tin qua website và qua app smartphone "Vrain by Watec" được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Từ đó, dữ liệu đo mưa được cung cấp kịp thời thông qua các ứng dụng và tin nhắn giúp các cấp, các ngành và cộng đồng chủ động trong công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai, góp phần nâng cao tính chủ động trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai của các cấp chính quyền địa phương, có sự chuẩn bị và hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng dù chiếm tỷ trọng hơn 40% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, đồng thời mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông xếp thứ 8/63 tỉnh thành. Nhưng tham gia vào ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều thành phần kinh tế là hộ gia đình, cộng đồng ở khu vực phát triển thấp, có trình độ công nghệ số còn hạn chế. Vì vậy, tiếp cận chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng còn nhiều thách thức do điều kiện tiếp cận.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Chuyển đổi số trong nông nghiệp không đơn giản chỉ là số hóa (chuyển các hoạt động dữ liệu nông nghiệp thành dữ liệu mềm), mà nó yêu cầu phải ứng dụng công nghệ số tạo ra những cách thức hoạt động sản xuất nông nghiệp cao hơn hẳn các giai đoạn trước đây như cơ khí hóa - điện khí hóa - tự động hóa để bước vào giai đoạn phát triển "thông minh hóa" cao hơn. Do đó, tỉnh Lâm Đồng có lộ trình vận dụng phù hợp theo khu vực như: Ưu tiên áp dụng vào diện tích nông nghiệp công nghệ cao và nhân rộng. Đồng thời, triển khai ưu tiên các hoạt động chuyển đổi số lồng ghép vào các thành phố đủ điều kiện khi triển khai chương trình đề án thành phố thông minh tại TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc".
Ngoài ra, Lâm Đồng có một lợi thế rất lớn là thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, ít nhiều chính quyền, doanh nghiệp, người dân đã được trải nghiệm và sử dụng công nghệ số trong các hoạt động như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, dự báo thiên tai, hỗ trợ thị trường tiêu thụ, điều hành sản xuất...
Mặc dù có nhiều lợi thế để chuyển đổi, áp dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp nhưng địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện. Các hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh chưa phủ hết các hoạt động từ khâu lập quy hoạch đến thực thi sản xuất tiêu thụ hàng hóa nông lâm sản và tổ chức giám sát.
Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi số tại một số nơi vẫn còn là sáng kiến riêng lẻ của một số ít doanh nghiệp, địa phương, chưa có chuỗi kết nối số. Đặc biệt, các ứng dụng số được trang bị cho một số cơ sở hiện nay chưa thể phát huy tác dụng của nó khi thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, thương mại nông sản. Do đó rất cần sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp số.