Thông tin mới đây Hà Nội kiến nghị cơ cấu nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cho phép lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư dự án trình cơ quan cấp trên phê duyệt đã khiến bất động sản rục rịch nổi sóng.
Theo anh Nguyễn Tất Thái, nhân viên sàn giao dịch Hùng Vương (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, thông tin về dự án đường Vành đai 4 được triển khai đang đẩy giá nhà ở các khu vực có tuyến đường này đi qua hoặc lân cận.
Anh Thái cho biết, cách đây mấy năm giá đất ở đây ở xã Đại Thịnh chỉ có 5 - 7 triệu đồng/m2, nhưng giờ lên 15 - 17 triệu đồng/m2 rồi. Nhiều người ôm lô đất lớn giờ "trúng đậm" khi có thông tin đường Vành đai 4 xây dựng rộng từ 20 - 30m những lô đất gần đường sẽ hưởng lợi về giá.
Anh Thái chia sẻ thêm, mấy ngày nay anh phải tìm hiểu và thuộc lòng các thông tin về các tuyến đường gom và các điểm kết nối tại Hà Nội liên quan đến dự án Vành đai 4. Bởi khách hàng giờ rất tinh ý, và tìm hiểu sâu về các dự án bất động sản có thể kết nối thuận tiện với đường Vành đai 4.
Cũng theo ghi nhận của PV Dân Việt, sau khi có thông tin Hà Nội thúc tiến độ sớm triển khai 2 dự án tuyến đường 70 đoạn Nhổn - Đại lộ Thăng Long và đoạn Hà Đông - Văn Điển trong năm nay nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông thì giá đất khu vực Nam Từ Liêm cũng bắt đầu được chào bán với giá cao.
Dọc tuyến đường 70, một số dự án vốn "đắp chiếu" cả chục năm nay, bỗng dưng giá bán tăng gấp rưỡi, gấp đôi từ mức ban đầu là 35 - 65 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, một căn biệt thự rộng 260 m2 nằm tại mặt đường, thời điểm năm 2019 có mức giá khoảng 42 triệu đồng/m2, nay tăng lên 78 triệu đồng/m2 (tăng 85%), tổng giá bàn giao thô là 20,2 tỷ đồng.
Hay như trước đó, giá đất tại khu vực phố Chùa Bộc cũng đã có một phen dậy sóng khi có thông tin tuyến phố này được đền bù giải tỏa để mở rộng. Khi đó, giá nhà đất tại đây từ mức giá chỉ hơn 100 - 150 triệu đồng/m2 cho những lô mặt đường đắt giá, giá đất chào bán tại khu vực tăng gấp 2 - 3 lần sau các lời rao bán trong vòng vài tháng ngắn ngủi.
Chia sẻ với PV Dân Việt, xoay quanh câu chuyện sốt đất theo hạ tầng, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay, hạ tầng giao thông luôn đóng một quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ở đâu hạ tầng giao thông tốt thì kinh tế phát triển, đô thị phát triển, tất yếu bất động sản cũng hưởng lợi. Từ lâu, các cơn sốt đất xảy ra không chỉ Hà Nội, TP.HCM hay các địa phương đều cho thấy thực tế giá đất luôn tăng khi hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng.
Lúc này, nhiều nhà đầu tư sẽ nhận định các thông tin quy hoạch để đón đầu sóng, và những nhà đầu tư có tài chính lớn sẽ nắm chắc phần thắng. Ngược lại, rất nhiều người đi trước đón đầu nhưng dùng đòn bẩy ngân hàng và vội vàng khi mua bán cũng nhận trái đắng.
Câu chuyện "ôm" đất đầu tư khi có thông tin quy hoạch dự án giao thông ở Hà Nội là bài học nhãn tiền vẫn còn hiện diện ngay trước mắt. Đơn cử, mới đây nhất Hà Nội thông báo hủy trên 80 dự án BT, do không phù hợp điều kiện thực tế. Rất nhiều nhà đầu tư đi trước - đón đầu lâm cảnh nợ nần, đất không những không tăng giá, mà còn bị "chôn vốn".
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, đề án quy hoạch nội đô lịch sử và giảm dân số sinh sống trong khu vực nội đô đã phần nào tác động tới việc phát triển nhà ở khu vực ngoài trung tâm. Do đó, nếu tiếp tục mở rộng hạ tầng giao thông như các tuyến vành đai mới thì sẽ đẩy nhanh việc hình thành các đại đô thị, siêu đô thị mới, từ đó đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô.
"Thực tế, trong những năm qua, đi kèm sự cải thiện về cơ sở hạ tầng là sự hình thành các đại đô thị ở vùng ven như Gia Lâm, Đại Mỗ, Từ Liêm, hay các tỉnh lân cận Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh. Do đó, ở đâu có dự án hạ tầng giao thông là ở đó thị trường bất động sản sẽ phát triển", bà Hằng nhận định.