Trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát khiến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng. HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp (Ninh Bình) cũng không ngoại lệ, kể cả toàn nuôi con đặc sản.
Tuy nhiên, nếu như năm 2020 còn lúng túng thì năm 2021 trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, HTX đã chủ động tìm cách thích ứng với diễn biến của dịch bệnh để duy trì sản xuất.
Nông dân Việt Nam xuất sắc Trịnh Văn Tiến – Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp cho biết: Hiện HTX đã xây dựng được khu nông trại rộng 25ha, nuôi các con đặc sản như hươu, nai, ngựa, dê núi…
Trong bối cảnh dịch Covid-19, HTX đẩy mạnh chuyển sang chế biến sâu và chế biến sẵn các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm từ thịt con đặc sản. Cùng với các chuỗi cửa hàng ở Ninh Bình, HTX còn mở thêm 3 cửa hàng ở TP Hà Nội.
HTX cũng chủ động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream quảng bá và bán sản phẩm thịt con đặc sản trên mạng xã hội...
Nhờ đó hoạt động HTX không bị "chết lâm sàng". Sản phẩm nông sản đặc sản của HTX vẫn được tiêu thụ ổn định, thậm chí giá một số nông sản đặc sản còn tăng. Đơn cử, như thịt hươu giá bán tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tiến cho biết: Nhờ nuôi con đặc sản, 9 tháng đầu năm nay HTX của chúng tôi có doanh thu hơn 5 tỷ đồng, trừ chi phí vẫn có lãi. Điều quan trọng là HTX đã tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong bối cảnh dịch Covid-19 đầy khó khăn như hiện nay.
"Qua câu chuyện của bản thân và HTX do tôi điều hành, tôi thấy, nếu không tham gia chuỗi giá trị, hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ rất dễ "đứt", nhất là trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 và nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội.
Hộ nông dân cần biết kiến thức, kỹ năng để chuyên nghiệp hoá ngành, nghề mình đang sản xuất, kinh doanh. Cách tốt nhất là hình thành chuỗi liên kết hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị"- ông Tiến nêu quan điểm.
Tại Lâm Đồng, thời điểm này, nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Võ Tiến Huy, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Huy ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đang bận rộn với các đơn hàng, cuộc gọi từ các đối tác.
Khoảng sân phía trước căn nhà gia đình anh Huy ở cũng được tận dụng để sơ chế, đóng hàng rau, củ, quả thực phẩm gửi đi.
Anh Huy phấn khởi cho biết: Mặc dù dịch nhưng HTX chúng tôi vẫn phải duy trì công nhân để sơ chế, đóng gói các loại rau, củ, quả để chuyển đến đối tác theo yêu cầu. Dịch Covid-19 đang phức tạp nên toàn bộ lái xe đến kho của chúng tôi chở hàng đều không được rời khỏi cabin. Sẽ có lực lượng khử khuẩn rồi bốc hàng lên xe sau đó đưa đến nơi tiêu thụ để đảm bảo phòng chống dịch.
HTX nông nghiệp Tiến Huy của anh Huy đang có 11 thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết sản xuất với 40 hộ dân, tổng diện tích đất sản xuất hơn 45ha.
Đối với những hộ dân liên kết với HTX đều nhận được kế hoạch sản xuất cụ thể để đảm bảo nguồn cung cấp rau, củ, quả liên tục cho các đối tác.
Anh Huy chia sẻ: HTX Tiến Huy đã xây dựng thành công mô hình phối hợp kiểm soát theo chuỗi an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau củ quả và được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện nay, HTX Tiến Huy đã tìm ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho 80% nông sản.
Trong mùa dịch Covid-19, HTX của anh Huy cũng thường xuyên đưa những chuyến xe nông sản đến các vùng dịch đang giãn cách để làm thiện nguyện. Bên cạnh đó, HTX cũng thu mua nông sản làm thiện nguyện với giá gốc để đưa đến vùng thực hiện giãn cách.
"Đến nay, mỗi ngày chúng tôi cung cấp các loại nông sản an toàn với hơn 10 tấn mỗi ngày, trung bình 300 tấn/tháng đến các siêu thị – sản lượng tiêu thụ rau vẫn giữ vững so với năm 2020. Ngoài liên kết với người dân, chúng tôi còn tạo việc làm cho khoảng 100 người, mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng
Năm 2020, HTX Tiến Huy đã cung cấp ra thị trường 4.000 tấn rau, củ, quả các loại mang lại doanh thu 18 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí đạt lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng.
Dịch Covid-19 bùng phát, ngành nghề dịch vụ du lịch gần như "tê liệt" nhưng nông dân Việt Nam Việt Nam xuất sắc Đặng Hòa (65 tuổi, ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã xoay chuyển tình thế nhờ linh hoạt kinh doanh để vượt bão dịch Covid-19.
Ông Hoà chia sẻ: "Để hoạt động kinh doanh đảm bảo hiệu quả và bền vững, qua kinh nghiệm của tôi thì kinh doanh không thể "bỏ trứng vào trong một giỏ" được. Cho nên cùng với kinh doanh dịch vụ du lịch, tôi còn làm thêm nghề sản xuất bao bì và pallet gỗ cho các công ty trong và ngoài nước, đặc biệt bây giờ đang sản xuất pallet cho nhà máy lọc dầu Dung Quốc (Quảng Ngãi)".
Ông Hòa cho biết, trước mắt tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất bao bì và pallet gỗ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động du lịch du thuyền trên sông Hàn, vì đây là lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của doanh nghiệp.
"Mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng tôi tin tưởng rằng, sau năm 2021 này khi dịch được kiểm soát tốt thì dịch vụ du lịch đường thủy sẽ phát triển và phát triển rất mạnh, bởi Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch của cả nước và được du khách quốc tế biết đến. Mong muốn của tôi sau khi hoạt động trở lại là đưa tour du ngoạn sông Hàn lên một tầm cao mới, ít nhất là cũng duy trì như những năm trước đây…", ông Hòa cho hay.
Tương tự, ông Bảy Bon (Lý Văn Bon) ở Cồn Sơn-TP Cần Thơ cũng linh hoạt phương thức kinh doanh trong mùa dịch.
Ông Bảy Bon cho biết: Khi chưa có dịch, ông kết hợp việc nuôi các loại cá quý hiếm như cá thác lác cườm, cá trạch lấu, cá nanh heo, cá vồ đém, cá chép Koi, cá sóc sọc… theo tiêu chuẩn VietGAP trong lồng bè trên sông Hậu với làm du lịch cộng đồng, thu về từ 5 - 7 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, để phòng dịch bệnh Covid-19, ở lồng bè, anh Bảy Bon chỉ để 3 công nhân làm việc, ở cơ sở sản xuất cá thác lác còn 12 công nhân.
Hơn 2 tháng qua, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hoạt động du lịch tạm ngừng nhưng ông Bảy Bon vẫn không nghỉ ngơi mà tập trung sửa chữa, trang trí lại bè cá sao cho "view" đẹp nhất có thể, thay thế mái tôn bằng mái lá tất cả các chòi cho khách nghỉ ngơi, trú nắng, mua các chậu hoa, cây kiểng về trồng.
Đồng thời, ông Bảy Bon còn tranh thủ còn học thêm tiếng Anh để sau này dễ dàng giao tiếp, trao đổi với du khách.
Vào ban đêm, ông Bảy Bon cùng với người dân họp trực tuyến trao đổi, nghiên cứu sản phẩm mới, tăng cường thêm các dịch vụ du lịch trong thời gian tới.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.