Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Không có căn cứ khẳng định SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long

Trần Quang Thứ ba, ngày 05/10/2021 15:07 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT tại buổi họp báo thường kỳ quý III năm 2021 ngày 5/10.
Bình luận 0
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Không có căn cứ khẳng định SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý III năm 2021 ngày 5/10. Ảnh: TQ

Ngày 16/9, chính quyền huyện Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng 7 ngày, từ ngày 15 đến ngày 21/9 do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Khi xuất lô hàng thanh long từ Tiền Giang sang Trung Quốc, địa phương này không có ca F0 (ca nhiễm SARS-CoV-2) thì không có lý do gì lô hàng này nhiễm SARS-CoV-2 ở đây. Trong quá trình trung chuyển, hai lần qua các cảng của Trung Quốc, Tổng cục Hải quan của nước này cũng khẳng định điều đó.

"Đến nay, các tổ chức như OIE (Tổ chức Thú y thế giới), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cũng đã khẳng định chưa có căn cứ khoa học nào chứng minh nhiễm SARS-CoV-2 từ thực vật, nông sản sang người", ông Tiến nói.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Không có căn cứ khẳng định SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long. 

Trao đổi về vấn đề hàng rào kỹ thuật các thị trường yêu cầu với nông sản xuất khẩu của Việt Nam, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, hiện các thị trường đang đặt ra các rào cản, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Từ khi gia nhập WTO đến nay, theo tổng hợp của SPS thì có trên 5.000 lượt thông báo liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, trong đó chủ yếu là thông báo từ các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: Không có căn cứ khẳng định SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thùng hàng thanh long - Ảnh 3.

Việt Nam là đối tác cung cấp thanh long lớn nhất, chiếm 99,99% tổng lượng thanh long nhập khẩu của Trung Quốc.(Ảnh: Người dân Bình Thuận thu hoạch xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc). Ảnh: Đông Hưng

Tuy nhiên theo quy định của luật SPS, các quốc gia đều có quyền đưa ra các biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân cũng như bảo vệ thế giới động thực vật của mỗi thành viên WTO. Vì vậy Văn phòng SPS cập nhật các thông tin này để thông báo đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp kịp thời có phương án giải quyết.

Riêng về thị trường Trung Quốc, gần đây thị trường này liên tục gia tăng các biện pháp về quản lý an toàn thực phẩm. Ngay sau khi nhận được thông tin thì Văn phòng SPS đã triển khai đến các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.

Ngày 21/9, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã ký văn bản giao Văn phòng SPS phối hợp với các bộ ngành triển khai các hướng dẫn thực thi hiệp định này.

Đến ngày 28/9, Văn phòng SPS đã hoàn thiện dự thảo 20 trang liên quan đến 5 nhóm thay đổi theo lệnh này, bao gồm kiểm soát các doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm soát các thủ tục về hồ sơ nhập khẩu cũng như các quy định về đánh giá rủi ro khi tham gia nhập khẩu của các nước cũng như nhập khẩu vào Trung Quốc. 

Hết hôm nay, SPS sẽ nhận được các ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ ban hành.

Theo ông Nam, dự kiến trong tháng 10 Văn phòng sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc để hướng dẫn các doanh nghiệp về các thủ tục đăng ký, chấp hành các quyền của hai lệnh mà Hải quan Trung Quốc áp du. Lệnh của thị trường Trung Quốc áp dụng với tất cả các quốc gia khi nhập khẩu vào nước này.

Giải pháp tổng thể, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động trình lãnh đạo Bộ, trình Thủ tướng xin ý kiến về việc xây dựng đề án nâng cao năng lực thực thi các nhiệm vụ của các SPS, WTO, các cam kết khác khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do khác.

Hy vọng cuối năm 2021 Bộ NNPTNT sẽ trình Thủ tướng ban hành đề án này, để các doanh nghiệp thích ứng được với sự thay đổi SPS của các thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem