Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, sở hữu tiềm lực vững mạnh cùng kiến thức kinh nghiệm sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp, trải qua hơn 10 năm hợp tác, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn cùng các đối tác đã đi tiên phong và thành công trong việc kết hợp cùng nhiều đối tác phát triển các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp về con giống chất lượng cao, sản xuất thịt sạch có truy xuất nguồn gốc và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau thành công bước đầu của Tổ hợp Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Đắk Lắk, 2 tập đoàn mong muốn sẽ đầu tư và xây dựng một khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Kon Tum.
Chuỗi liên kết này gồm: Chọn lọc, sản xuất heo giống; giết mổ heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, thực hiện thành công chuỗi liên kết này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời hướng đến xây dựng thí điểm vùng an toàn dịch bệnh.
Dự án này ứng dụng 100% công nghệ cao 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hệ thống trang trại sẽ được vận hành và giám sát theo công nghệ 4.0, bởi Công ty SKIOLD (Đan Mạch), giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Với việc thực hiện theo chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ cao, dự án không chỉ giúp doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi chăn nuôi hiệu quả, mà còn mang lại việc làm cho người nông dân, bảo vệ môi trường.
Đại diện Tập đoàn De Heus (Hà Lan), ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á chia sẻ: "Với chiến lược lâu dài cùng tầm nhìn khác biệt của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus trong việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại khu vực Tây Nguyên, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục hợp tác đầu tư một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum".
"Mục tiêu của dự án là sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: Chọn lọc, sản xuất lợn giống; Nhà máy giết mổ lợn tự động; Sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; Sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam, hướng tới xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á và châu Á" - ông Gabor Fluit cho hay.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Sở NNPTNN khẳng định, môi trường đầu tư tại Kon Tum đang có nhiều thuận lợi, đặc biệt là với chăn nuôi bởi tỉnh có quỹ đất; môi trường trong lành, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, với mảng chế biến thức ăn chăn nuôi, tỉnh Kon Tum cũng có vùng nguyên liệu lớn nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư.
Sau khi nghe ý kiến từ các doanh nghiệp và các đại biểu, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chúng tôi đã xác định nông nghiệp là hàng đầu. Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn về đầu tư tại tỉnh Kon Tum, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị.
"Đối với tỉnh Kon Tum, cả hệ thống chính trị sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn" - ông Tuấn nói.
Để triển khai thực hiện các dự án, ông Lê Ngọc Tuấn cũng đề nghị hai tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus cần có văn bản đề xuất gửi về tỉnh Kon Tum trong thời gian sớm nhất để xem xét và giải quyết. Phía tỉnh, ông Tuấn yêu cầu các sở ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho 2 tập đoàn khi xúc tiến các công việc liên quan.