1.250 con heo cụ kị về Việt Nam, TGĐ De Heus: Chăn nuôi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch, có xuất khẩu

Minh Huệ (thực hiện) Thứ năm, ngày 07/10/2021 15:19 PM (GMT+7)
Mới đây, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã nhập khẩu lô heo cụ kỵ, ông bà chất lượng cao từ Canada về Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu chiến lược mới của De Heus tại Việt Nam, khi không chỉ là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ 2 trong mảng thị trường độc lập, mà còn lấn sân mảng heo, gà giống.
Bình luận 0

Chăn nuôi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19

Ông Johan van den Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia đã có cuộc trò chuyện với PV Dân Việt xung quanh chuyến bay đặc biệt này. 

1.250 con heo cụ kị về Việt Nam, TGĐ De Heus: Chăn nuôi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch, có xuất khẩu - Ảnh 1.

Ông Johan van den Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia.

Thưa ông, được biết Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn vừa tổ chức đón lô heo 1.250 con cụ kỵ, bố mẹ từ Canada về Việt Nam. Ông có thể cho biết vài điều về chuyến bay đặc biệt đã đưa lô heo qua nửa vòng trái đất an toàn?

Sở dĩ chúng tôi phải chọn nhập khẩu heo cụ kỵ, ông bà từ Tập đoàn Topigs Norsvin (Hà Lan), bởi đây là tập đoàn sản xuất heo giống hàng đầu thế giới. Hiện tập đoàn này đang sở hữu trang trại heo hạt nhân cấp cụ kỵ (GGP) tại Canada. 

Bạn biết đấy, Canada là một đất nước rộng lớn, thưa dân cư, việc chăn nuôi heo giống tại đây rất an toàn. Vì thế dù xa xôi, mất nhiều thời gian nhưng chúng tôi vẫn quyết định nhập khẩu heo giống từ Canada, đảm bảo mỗi con heo về Việt Nam không chỉ an toàn dịch bệnh mà còn có chất lượng tốt nhất.

Chúng tôi đã cử những kỹ sư giỏi sang làm việc với Topigs Norsvin. Sau đó đàn heo giống được vận chuyển đến Chicago, di chuyển đến sân bay tại Nga, di chuyển về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, rồi lại về Đắk Lắk và Bình Dương. Tổng thời gian đàn heo "đi du lịch" là hơn 2 ngày.

1.250 con heo cụ kị về Việt Nam, TGĐ De Heus: Chăn nuôi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch, có xuất khẩu - Ảnh 2.

Sau khi đi "du lịch" hơn 2 ngày từ Canada về Việt Nam, lô heo cụ kỵ, ông bà đã được chuyển về trang trại tại Đắk Lắk và Bình Dương. Ảnh: De Heus.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc vận chuyển heo như vậy có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Công ty Topigs Norsvin có rất nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp heo giống cho khách hàng trên toàn thế giới. Với đội ngũ chuyên gia hàng đầu, những con heo ở đây được chăm sóc như ở khách sạn. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, chúng tôi đã thuê máy bay riêng đưa lô heo về Việt Nam. 

Chuyến bay không có người, chỉ có heo thôi nên rất an toàn. Đàn heo được vận chuyển về Đắk Lắk đảm bảo mạnh khoẻ bình thường.

Hiện, những chú heo "Hoàng gia" này được chăm sóc đặc biệt trong môi trường sống gần như vô trùng, bằng những công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất tại các trung tâm heo giống GenCen của De Heus tại Bình Dương và khu nông nghiệp công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk.

Lô heo cụ kỵ, ông bà chất lượng cao nhập khẩu về thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với Tập đoàn De Heus, cũng như chăn nuôi heo tại Việt Nam?

De Heus là nhà sản xuất sản phẩm dinh dưỡng cho vật nuôi. Tại Việt Nam, trong 2-3 năm gần đây người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn về con giống do dịch tả heo châu Phi. Dịch bệnh này hoành hành đã làm thiếu hụt một lượng lớn heo giống, heo bố mẹ, ông bà và cụ kỵ, khiến giá con giống bị đẩy lên cao, trong khi không đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Do đó, chúng tôi tin rằng quyết định đầu tư vào nguồn con giống chất lượng cao trong giai đoạn này là hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng là chiến lược lâu dài của De Heus. 

"Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rất nhanh.

Với dân số hơn 90 triệu người, thị trường nội địa của Việt Nam sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Theo đó sức tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng lên" - ông Johan van den Ban.

Một là để góp phần tái kiến thiết lại nền chăn nuôi nước nhà, hai là cung cấp nguồn heo bố mẹ, heo giống chất lượng cao cho người chăn nuôi, giúp bà con mạnh dạn tái đàn sau dịch tả heo châu Phi.

Công ty De Heus có nhiều năm kinh nghiệm ở Việt Nam trong việc hỗ trợ người chăn nuôi trong khâu kỹ thuật, quản lý trang trại và cung cấp giải pháp dinh dưỡng. 

Tuy nhiên, nếu người chăn nuôi không có con giống chất lượng cao thì hiệu quả sẽ không như mong muốn. Việc chủ động nguồn con giống sẽ giúp chuỗi chăn nuôi kiểm soát và yên tâm về chất lượng đầu vào, giúp tối ưu năng suất và giảm chi phí sản xuất.

De Heus dự kiến trong tương lai thế hệ heo "Hoàng gia" này sẽ cho ra đời hàng chục ngàn con heo bố mẹ và heo nái hậu bị, cung ứng đủ nguồn heo giống chất lượng, an toàn, sạch bệnh cho thị trường chăn nuôi heo tại Việt Nam.

1.250 con heo cụ kị về Việt Nam, TGĐ De Heus: Chăn nuôi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch, có xuất khẩu - Ảnh 4.

Những con heo cụ kỵ, ông bà được chăm sóc trong môi trường đặc biệt, sử dụng thiết bị chăn nuôi hiện đại.

Hiện nay dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc có nhiều diễn biến phức tạp, rủi ro lớn, De Heus và các đối tác vẫn đầu tư nhiều dự án lớn vào mảng chăn nuôi tại Việt Nam, liệu có mạo hiểm không thưa ông?

Chúng tôi muốn cùng bà con nông dân Việt Nam phát triển ngành chăn nuôi lâu dài, chứ không phải chỉ trong hôm nay hay ngày mai, trong 1 năm hay 2 năm tới. 

Bên cạnh các nhà máy thức ăn chăn nuôi, chúng tôi mong muốn hợp tác phát triển chuỗi chăn nuôi heo cũng như chăn nuôi gà thông qua giải pháp cung ứng nguồn con giống hiệu quả, an toàn.

Hiện tại, De Heus đang cùng Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư một số dự án sản xuất heo giống chất lượng cao tại Tây Nguyên. Trước đó, chúng tôi cũng đã hợp tác với Công ty Bel Gà sản xuất gà giống chất lượng cao 1 ngày tuổi tại Lâm Đồng và Tây Ninh. 

Việc đầu tư những dự án con giống này cần nguồn vốn lớn, song chúng tôi thấy điều này vô cùng cần thiết nếu muốn duy trì và phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng cao, giá đầu ra lại thấp, song chúng tôi dự đoán ngành chăn nuôi sẽ sớm hồi phục. Bởi thịt gà, thịt heo là nguồn thực phẩm không thể thiếu với người Việt Nam.

Bản thân De Heus cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo ngành chăn nuôi nhanh chóng phục hồi sau dịch Covid-19, chúng ta cần chuẩn bị sớm nguồn giống, tránh tình trạng khan hiếm trên thị trường dẫn tới giá thành tăng cao.

Bên cạnh đó, chúng tôi không bao giờ đi một mình. De Heus không chỉ đầu tư sớm mà còn chủ động liên kết, hợp tác với bà con nông dân và các đối tác khác. Chăn nuôi theo mô hình chuỗi không chỉ đem lại thành công, mà còn cùng nhau chia sẻ rủi ro, thực hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội.

1.250 con heo cụ kị về Việt Nam, TGĐ De Heus: Chăn nuôi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch, có xuất khẩu - Ảnh 5.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus.

Chiến lược hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi, tiến tới xuất khẩu

Ông có thể cho biết chiến lược của Tập đoàn De Heus tại thị trường Việt Nam?

De Heus đã và đang hợp tác với các nhà sản xuất con giống và các đối tác khác để cung cấp cho người chăn nuôi giải pháp dinh dưỡng, giải pháp kỹ thuật và con giống chất lượng cao với mức giá tốt nhất. Đồng thời, De Heus cũng hợp tác với các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho bà con.

Chiến lược của chúng tôi tại Việt Nam là cùng người chăn nuôi từng bước phát triển, hỗ trợ lẫn nhau; cố gắng xây dựng thành công chuỗi cung ứng heo an toàn, hiệu quả, giảm chi phí sản xuất. 

Thành công của chúng tôi sẽ chỉ thực sự được công nhận khi chúng tôi mang lại thành công cho người chăn nuôi.

Điển hình, mới đây chúng tôi đã hợp tác với Công ty Masan MEATLife – doanh nghiệp sở hữu nhà máy chế biến thịt mát hiện đại và chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Việt Nam - nhằm giải quyết đầu ra về thịt heo và các sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng khác cho bà con nông dân.

Mục tiêu của chúng tôi là hợp tác cùng các đối tác để tối ưu hóa năng lực và tạo ra những sản phẩm thịt an toàn, tươi ngon với giá cả hợp lý cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không ngừng hỗ trợ người nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học, phúc lợi động vật và sử dụng kháng sinh, nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được nuôi trồng tại Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới. 

Nếu chúng ta xây dựng thành công chuỗi giá trị thịt an toàn, hiệu quả, chúng ta sẽ sớm có những sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

TS. Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN và PTNT: Chủ động con giống, tăng sức cạnh tranh ngành chăn nuôi

Hiện nay trong nước chưa sản xuất được lợn giống cụ kỵ, ông bà, nên vẫn phải nhập khẩu. Tiến bộ di truyền của các nước rất nhanh, việc chúng ta nhập khẩu các tiến bộ đó là cần thiết.

Chúng ta nhập con lợn cụ kỵ về để sản xuất con ông bà, bố mẹ, từ đó sản xuất lợn giống, nuôi lên lợn thương phẩm. Qua mỗi một cấp giống, sẽ có ưu thế lai, đó là xu hướng tất yếu của việc chọn giống. Ví dụ, từ con cụ kỵ xuống ông bà, ưu thế lai sẽ tăng 5% về sức sinh sản, sinh trưởng; xuống bố mẹ lại tăng 7%; thương phẩm tăng 5-7% nữa.

Như vậy, nhập con cụ kỵ, ông bà sẽ giúp chúng ta sử dụng ưu thế lai, giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn.

Các tập đoàn như De Heus, Hùng Nhơn hiện đang triển khai các dự án chăn nuôi lợn cụ kỵ, ông bà ở Tây Nguyên là rất đáng mừng. Việc áp dụng công nghệ cao tại các dự án này vừa giúp phát triển doanh nghiệp, vừa góp phần phát triển sản xuất chăn nuôi nói chung. Đó là tín hiệu tốt, giúp nâng cao năng suất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, khi chăn nuôi theo chuỗi, các doanh nghiệp chủ động từ thức ăn, con giống, giết mổ đến chế biến thì sẽ nhanh chóng có sản phẩm vươn ra thị trường thế giới.

Ông Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi: Hạn chế nhập khẩu thịt

Cả nước hiện chỉ có khoảng 11.000 con heo cụ kỵ, không đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi.

Những lúc giá heo giống tăng cao, người ta phải lấy cả lợn thương phẩm làm lợn nái. Lợn như vậy không có ưu thế lai, dẫn tới năng suất thấp, chi phí sản xuất tăng lên mà nếu giá lợn hơi giảm thì nguy cơ lỗ.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu lợn cụ kỵ, bố mẹ để chủ động nguồn giống, nâng cao năng lực sản xuất. Điều này rất đáng hoan nghênh, giúp hạn chế nhập khẩu thịt lợn.

Thiên Hương (ghi)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem