Dân Việt

Mang lúa ST25 về Tây Nguyên, giám đốc hợp tác xã bán gạo đặc sản với giá cao vẫn đắt hàng

Trần Hiền 09/10/2021 11:09 GMT+7
Giống lúa ST25 làm nên hạt gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 vừa được nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) trồng thử nghiệm. Phú Thiện là địa phương duy nhất ở Gia Lai trồng thử nghiệm giống lúa nổi tiếng này.

"Hạt ngọc vàng" ST25 phát triển ở vùng đất mới

Xuôi theo Quốc lộ 25 chúng tôi tìm về huyện Phú Thiện - nơi được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất Gia Lai. 

Trước đây, một số giống lúa như LH12, JO2, TBR225, DT6, OM4900… đã cho ra đời những hạt gạo năng suất chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Kế thừa những thành tựu của địa phương cùng mong muốn nâng cao chất lượng gạo Phú Thiện, ông Phạm Ngọc Nghĩa - Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) đã trực tiếp vào Sóc Trăng tìm mua giống lúa ST25 về trồng thử nghiệm. Trước đó, HTX Nông nghiệp Chư A Thai cũng là một trong những đơn vị tiên phong tham gia xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện.

Lúa ST25 “bén duyên” đất  Tây  Nguyên - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai giới thiệu sản phẩm gạo ST24. Ảnh: Trần Hiền

Theo ông Phạm Ngọc Nghĩa - Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai, đơn vị sẽ không chạy đua về số lượng, diện tích lúa mà đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hạt gạo ST25.

HTX sẽ thu mua lúa, gạo ST25 của người dân với giá cả hợp lý nhất và đảm bảo chất lượng khi bán cho người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên về quá trình ươm mầm những cây giống ST25 đầu tiên ở vựa lúa lớn nhất Gia Lai, ông Phạm Ngọc Nghĩa cho biết: "Sau khi biết đến giống lúa ST25, bản thân tôi được huyện giao vào Sóc Trăng, đến tận công ty của kỹ sư Hồ Quang Cua mua 1,5 tạ giống về trồng khảo nghiệm trên diện tích 5 sào. Ban đầu vào làm việc, dự định mua giống nguyên chủng nhưng ông Cua không bán, chỉ bán giống xác nhận. Sau thời gian trồng thử nghiệm 5 sào, chúng tôi tiếp tục nhân rộng giống ST25 trên diện tích 2ha. Vụ đông xuân 2021 vừa qua 2ha này thu về 16 tấn, bình quân đạt 8 tấn/ha".

Theo đánh giá của ông Nghĩa, sau 120 ngày sinh trưởng và phát triển, giống lúa ST25 khá phù hợp với khí hậu và thời tiết vì vậy chất lượng hạt gạo đẹp, sáng. 

Song quá trình sản xuất gạo ST25 còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu ra, tiếp cận rất chậm, đội giá lên rất cao. 

Bởi thu mua lúa tươi đã 6.500 đồng/kg, khi đưa vào sấy tỉ lệ hao hụt tới 20% (1 tạ còn 80kg), như vậy, sẽ phải bán ra 8.000-9.000 đồng kg/lúa. Còn đối với giá gạo, khi xay xát tỷ lệ khá thấp (1 tạ còn 58kg), giá thành gạo sẽ phải nâng cao. Bởi vậy sức mua của người tiêu dùng còn hạn chế.

Hiện sản phẩm gạo ST25 của HTX đang được bán ở Gia Lai, Đà Nẵng, TP.HCM, Đăk Lăk… với mức giá dao động từ 21.000 - 24.000 đồng/kg. Vừa qua, HTX đã trực tiếp xuất bán 2 tấn gạo ST25 lên TP.Pleiku (Gia Lai) với giá 24.000 đồng/kg.

Không chạy đua số lượng, chú trọng chất lượng

Tương tự ông Nghĩa, ông Đỗ Văn Năm - Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện thông tin: "Trước đây, gia đình tôi cũng gieo sạ các giống lúa truyền thống như mọi người. Nhưng khi thấy 1 số bạn bè ở Đăk Lăk và Đăk Nông trồng giống lúa ST24 và ST25 cho thu nhập cao nên tôi bắt đầu tìm đến 2 giống lúa này. Theo đó, năm 2020 tôi đã trồng thử nghiệm hơn 2ha giống lúa ST24 và 2 sào giống lúa ST25".

Ông Năm cho hay, theo quan sát, cả 2 giống lúa này đều sinh trưởng và phát triển tốt, cứng cây, đẻ nhánh mạnh, đỡ sâu bệnh và chất lượng gạo ngon. Đặc biệt giống lúa ST25 còn cho năng suất cao, 2 sào vụ mùa trước cho ông thu về 19 tấn.

"Chất lượng gạo ST25 ngon khá mềm, dẻo và thơm, nhưng tỷ lệ hao hụt lớn nên gia đình cũng đang để ăn chứ không bán. Năm nay, tôi đã tăng diện tích giống lúa ST25 lên 5-6 sào. Bên cạnh việc phát triển thêm diện tích, tôi sẽ chú trọng hơn về chất lượng gạo ST25. Bởi lẽ năm nay tôi sẽ bán ra ngoài thị trường và quan trọng hơn sẽ đưa 2 loại gạo ST24 và ST25 tham gia chương trình OCOP" - ông Năm kỳ vọng.

Song song việc thử nghiệm giống lúa mới là ST25 tại địa phương, ông Năm còn liên kết, trồng mở rộng đối với dòng ST24.

 Hiện ông liên kết với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Việt Mỹ (Khánh Hòa) gieo sạ giống ST24 với diện tích khoảng 2ha. 

Theo đó, 2ha này ông Năm sẽ phải áp dụng quy trình canh tác theo hướng bán hữu cơ. Công ty cam kết cung ứng phân bón và bao tiêu sản phẩm với mức giá 7.000 đồng/kg lúa tươi.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Trọng Thành - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Thiện nhấn mạnh: "Đối với 2 giống lúa là ST24 và ST25, năm 2019 huyện cũng đã đưa giống lúa từ Sóc Trăng về thử nghiệm tại địa phương, thời gian thử nghiệm là 2 năm. Khoảng 2 tuần nữa, chúng tôi sẽ tổng kết và đưa ra đánh giá mô hình thử nghiệm 2 giống lúa trên. Nhận định ban đầu về giống lúa ST25, tuy không thể bằng các dòng lúa thường (bởi các giống lúa thơm năng suất sẽ thấp hơn), hạt khá nhỏ nhưng năng suất cũng đạt loại khá. Đặc biệt giống lúa ST25 rất cứng cây, khá thích hợp với mùa mưa, bão tại địa phương".

Theo ông Thành, hiện các HTX và người dân trồng thử nghiệm giống lúa ST25 khá nhiều, khoảng vài chục ha. Đối với dòng ST25, khi người dân bán sản phẩm gạo sẽ đem lại giá trị cao hơn. Ngược lại, người dân chỉ dừng ở khâu bán lúa tươi sẽ không có lời nhiều. 

Nhằm nâng cao giá trị đối với gạo ST25, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh trong việc xây dựng thương hiệu gạo ở địa phương, các HTX đã chuyển giao, hướng dẫn người dân hoàn thiện sản phẩm gạo ST25 và thu mua sản phẩm gạo cho người dân. Như vậy, lợi nhuận mang lại cho người dân sẽ cao hơn, chất lượng gạo ngon hơn.