Ngoài viêc sớm hỗ trợ tiêu thụ, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương cũng phải tăng cường hơn nữa việc quảng bá và xúc tiến thương mại cho nông sản của chính mình.
Hàng ngàn tấn nông sản ở Bình Dương chờ gỡ bí
Các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân Bình Dương dần dần được nởi lỏng. Tuy nhiên sức mua thị trường vẫn ở mức thấp.
Vì thế, nhiều sản phẩm nông sản vẫn chưa phục hồi được hoàn toàn chuỗi cung ứng. Giá bán giảm tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như khả năng tái sản xuất cho chu kỳ tiếp theo.
Đã mấy tháng nay, trang trại gà hậu bị và gà đẻ trứng của gia đình ông Lê Văn Dương ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn trong chăn nuôi.
Tất cả người và phương tiện ra vào trại đều được phun thuốc sát khuẩn. Tài xế không được bước ra ngoài, buồng lái phải đóng kín cửa xe nhằm bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi.
Cẩn thận là thế nhưng ông Dương cũng không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng vì dịch bệnh kéo dài suốt thời gian qua.
Việc mua bán gặp rất nhiều khó khăn nên nguồn vốn không thể xoay vòng được.
Đàn gà thịt của ông với hơn 10.000 con đến kỳ thu hoạch nhưng giá bán đã giảm dưới 10.000 đồng/kg.
Ông Dương vừa bán rẻ vừa tặng hết gà cho bà con đang gặp khó khăn trong vùng giãn cách xã hội.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đẩy giá trứng gà tăng lên từ 1.150- 1.600 đồng/trứng. Trong khi giá bán trứng loại lớn chỉ khoảng 1.400-1.450 đồng/trứng.
Ông Dương cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, người chăn nuôi thua lỗ rất sâu. Người chăn nuôi đang rất cần sự hỗ trợ từ các cấp ngành.
"Bởi vì tài sản đã cầm cố hết ở các ngân hàng, nông dân đang rất khó khăn để tiếp cận các nguồn vốn khác cho tái sản xuất", ông Dương nói.
Ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng, trang trại trồng cây có múi của ông Lương Văn Đạt có tổng diện tích 24ha, gồm 9ha bưởi, 15ha cam sành và quýt đường.
Hiện, trang trại đang có 15ha cây có múi các loại đang cho thu hoạch năm thứ 2 với sản lượng 10 tấn trái mỗi ngày.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
"Trang trại chỉ có thể tiêu thụ nhỏ giọt trong khu vực huyện Dầu Tiếng với sản lượng khoảng 2 tấn ngày", ông Đạt nói.
HTX Cây ăn quả Tân Mỹ ở huyện Bắc Tân Uyên có tổng diện tích trên 60ha bưởi, cam, quýt; tổng sản lượng trên 300 tấn/năm.
Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX Tân Mỹ kể, trước dịch, tổng doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt 10 tỷ đồng.
HTX giải quyết việc làm cho trên 20 lao động với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng/người.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình sản xuất và tiêu thụ bưởi của HTX gặp nhiều khó khăn, có thời điểm ùn ứ lên tới 50 tấn hàng.
Ngoài việc mong nhận được sự hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, ông Sang cho rằng chính quyền địa phương cũng phải tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến thương mại tốt hơn cho nông nghiệp tỉnh nhà.
"Vì thực tế nhiều người chỉ biết Bình Dương là 1 tỉnh công nghiệp, chứ không biết rằng Bình Dương có nền nông nghiệp phát triển khá chuyên nghiệp", ông Sang giải thích.
Ông Sang kể có lần ông đến giao hàng cho siêu thị BigC. Nhân viên của siêu thị hỏi ông đến từ đâu và giao mặt hàng gì.
Ông Sang thành thành nói mình bán trái bưởi da xanh, một đặc sản trong nhóm cây có muối của tỉnh Bình Dương.
"Đáp lại, chị nhân viên này hết sức ngạc nhiên và hỏi ngược lại: Bình Dương cũng có bưởi da xanh à?", ông Sang kể.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho biết, diện tích cây ăn trái của tỉnh Bình Dương năm 2020 khoảng 10.000ha. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều.
So với các tỉnh khác như Tiền Giang với 80.000ha hoặc Vĩnh Long 60.000ha, diện tích cây ăn trái ở Bình Dương có thể không lớn.
Tuy nhiên, Bình Dương sở hữu thế mạnh đặc thù của các tỉnh miền Đông Nam Bộ là có diện tích trồng lớn và tập trung các trang trại và HTX.
Điều này tạo ra khả năng cung ứng lượng hàng hóa lớn theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
So với các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Tây Ninh; Bình Dương cũng có lợi thế hơn hẳn về nông nghiệp công nghệ cao, nhất là lĩnh vực rau màu.
Theo ông Tùng, từ việc hàng hóa nông sản còn ùn ứ số lượng lớn, có thể thấy thông tin kết nối giữa bên bán với bên mua ở Bình Dương vẫn còn rất thiếu.
"Tỉnh Bình Dương cần khẩn trương phát huy các thế mạnh của mình, từ kết nối thị trường cho đến quảng bá xúc tiến thương mại", ông Tùng đề nghị.
Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, thời gian qua Sở NNPTNT đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai bán hàng tại 20 điểm. Lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau, củ, quả; 300-350kg thịt; 27.000 trứng/điểm.
Sở NNPTNT còn hỗ trợ các HTX, trang trại triển khai kênh bán lẻ online trên facebook/zalo. Qua đó hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối; 250 tấn dưa lưới; 250 tấn bưởi; 50 tấn rau; 90 tấn nấm bào ngư...
"Tuy nhiên, qua rà soát, Bình Dương vẫn còn hơn 2.000 tấn nông sản các loại đang chờ kết nối tiêu thụ", ông Bông cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Bình Dương còn rất nhiều tiềm năng thế mạnh khác để phát triển nông nghiệp như thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái hoặc nông nghiệp hữu cơ...
Bình Dương vốn đã có thế mạnh về công nghiệp. Đến mức nhiều doanh nghiệp còn không biết Bình Dương có nông sản. Thứ trưởng Nam gợi ý, Bình Dương nên kết nối tiêu thụ nông sản vào trong các khu công nghiệp của mình.
Ngoài việc nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ; Bình Dương cần đẩy nhanh triển khai cấp mã số vùng trồng, phát triển nông nghiệp theo các tiêu chuẩn GAP.
"Bình Dương phải phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến tin tưởng để các đối tác yên tâm ký kết bao tiêu sản phẩm", Thứ trưởng Nam đề nghị.